Hoàng Mai - Hà Nội: Nên lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân

(KDPL) - Chiều ngày 8/4/2016, nhận được tin báo của nhân dân (thôn Giáp Tứ cũ) thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phản ánh lên báo Kinh doanh & Pháp luật về việc liên quan tới vấn đề thu hồi sân bóng đá của phường để xây dựng trường học, chúng tôi về tìm hiểu thì thấy, đa phần các hộ dân ở thôn Giáp Tứ rất bức xúc vì một khu vui chơi giải trí đã tồn tại lâu đời, gắn liền với cuộc sống của nhân dân nơi đây, giờ không còn là điểm tựa tinh thần cho bà con nữa.

Chúng tôi đến nơi đây, không khí căng thẳng lẫn hoang mang của các gia đình đã tràn ngập như muốn nhấn chìm cái nắng oi ả của những ngày nắng mới đầu hạ. Thấy chúng tôi, bà con túm lấy phân trần, người thì kể về những kỷ niệm thời thơ ấu gắn với sân bóng, người thì cho là địa phương còn nhiều vị trí để xây trường học, có người còn rưng rưng hàng nước mắt vì nhớ chồng đã khuất, hỏi ra mới biết khi còn sống ông là cầu thủ của sân bóng này… Có bác còn bảo, trước đây, các cụ nhà tôi đã hiến đất để làm sân chơi của thôn v.v. 

Hoàng Mai - Hà Nội: Nên lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân - Ảnh 1
Sân bóng Giáp Tứ

Chúng tôi gặp bác Nguyễn Văn Thạch và được bác kể rằng: Hồi cuối năm 2014, trong một buổi họp Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ phường Thịnh Liệt. Chi bộ thông báo Quyết định và kế hoạch xây trường học tại sân vận động làng Giáp Tứ, nhưng gặp phải sự phản ứng mạnh trong dân vì không đồng tình. Hội nghị Chi bộ cũng kiến nghị Đảng ủy, UBND phường Thịnh Liệt và Ban Đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai trước khi xây dựng trường phải có bản đồ quy hoạch rõ ràng, rành mạch và treo công khai tại các điểm công cộng để nhân dân được biết. Đồng thời phải tổ chức họp nhân dân Giáp Tứ và có sự giám sát của nhân dân. Nhưng đến nay, sân bóng vẫn bị thu hồi để phục vụ việc xây dựng trường học khiến nhiều bà con bức xúc. 

Hoàng Mai - Hà Nội: Nên lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân - Ảnh 2
Đa phần các hộ dân ở thôn Giáp Tứ rất bức xúc vì một khu vui chơi giải trí đã tồn tại lâu đời, gắn liền với cuộc sống của nhân dân nơi đây

Ông Trương Đình Toại - Chủ nhiệm Câu lạc bộ bóng đá đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng không đặt Dự án xây dựng trường lên vị trí sân bóng nhưng cũng không được giải quyết. Trong lúc nhân dân kéo các tổ từ 32 đến 42 phường Thịnh Liệt đến sân bóng để vui chơi trên mảnh đất đã bị quây tôn chờ thi công Dự án xây dựng trường học, có một cụ già khoảng trên 80 tuổi đến chia sẻ với chúng tôi rằng cụ trước đây (từ năm 1956 - 1960) là Bí thư chi bộ xã Đoàn Kết (Thịnh Liệt bây giờ). 

Cụ kể thời bấy giờ ở các thời bấy giờ nhân dân ơn Đảng lắm vì không có Đảng thì nhân dân không thể có sân bóng, Đảng chủ trương chia ruộng đất cho nhân dân vì ruộng ngày xưa hoàn toàn của tư điền nên nhân dân chỉ đia cày thuê cuốc mướn, thời kỳ 1956 cải cách ruộng đất đã chia ruộng đất cho nhân dân và thành lập xã Đoàn Kết và cụ là Phó Chủ tịch xã, cuối năm cụ được bầu làm Bí thư chi bộ xã, thời bấy giờ xã chưa có Đảng bộ. Xã lúc bấy giờ rất rộng nên giữa các làng có nhiều mâu thuẫn, va chạm nên các cụ mới đặt tên là xã Đoàn Kết. Lúc bấy giờ dân rất khổ, như thôn Giáp Tứ thì cũng chẳng có nghề ngỗng gì, vào ngày ba tháng tám hay khi mưa dầm thì tệ nạn cờ bạc sinh ra, mà thời bấy giờ thì không có lô đề, chỉ chơi sóc đĩa mà cả già trẻ tụ tập nên tình hình rất phức tạp. Trước tình hình đó, Chi bộ đã cùng một số đồng chí lão thành cách mạng ở địa phương đã họp dân và song hành cùng việc chống đói, chống giặc dốt và gia tâm công sức để xây dựng bãi bóng cho dân chơi và được 90% nhân dân ủng hộ quỹ đất để xây dựng nên bãi bóng này và từ đó các tệ nạn cờ bạc ở địa phương được đẩy lùi. 

Cụ kể rằng khi làm bãi bóng này dân khổ lắm vì khu đất này vướng nhiều mồ mả nên đã phải họp 13 dòng họ mà chính quyền thì không có tiền nhưng với quyết tâm xây dựng được bãi bóng thì cụ thấy sướng lắm rồi. Sau khi thành lập bãi bóng và giao cho cụ Vũ Công Xuân trông nom bãi bóng và đào tạo cầu thủ, sau đó ông Nguyễn Tôn Cầu lại xây dựng đội văn nghệ và từ đó nhân dân cũng phấn khởi. Hơn 80 tuổi, nhưng cụ vẫn lo ngại vì khu vực “Đảng điền” của sân bóng Giáp Tứ này mà mất đi sân bóng thì tệ nạn tại khu vực này lại xuất hiện, gia tăng dẫn đến nhân dân cực khổ. 

Khi được hỏi nguyện vọng của cụ bây giờ? Thì cụ trả lời chúng tôi là cụ chỉ mong muốn giữ lại sân bóng vì hơn nửa thế kỷ trôi qua, người dân thôn Giáp Tứ đã phát triển lên từ những hoạt động văn hóa, thể thao do co nơi vui chơi tại sân bóng này nên cụ chỉ muốn xin các cấp lãnh đạo để lại sân bóng cho nhân dân và cụ nói địa phương còn nhiều quỹ đất, cụ đã xin Đảng ủy, xin chính quyền không xây trường trên bãi bóng nữa, mà xây dựng trường học ở khu đất khác thì cụ tin chắc nhân dân sẽ úng hộ cả về tinh thần, thậm chí cả vật chất.

Hoàng Mai - Hà Nội: Nên lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân - Ảnh 3
Các ngành quận Hoàng Mai cần lắng nghe nguyện vọng của nhân dân

Chúng tôi cảm nhận thực sự là sân bóng này đã gắn liền với đời sống của nhân dân nơi đây, được chứng kiến nỗi hụt hẫng khi họ không còn được vui chơi, giải trí trên sân bóng này thì tôi cũng cảm thấy như mất đi một thứ gì đó lớn lao. Với trách nhiệm của Người làm báo, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành quận Hoàng Mai lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để thực hiện các dự án sao cho phù hợp với các mục tiêu phát triển nhưng cũng thuận lòng nhân dân.                                                                     

Nguyễn Hưng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục