Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân – Thanh Hóa: Ai đang “tiếp tay” cho sai phạm?

(Kinhdoanhnet) - Thời gian qua, người dân Xã Hóa Qùy, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa liên tục phản ánh việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân thuộc Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân sản xuất gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Nhiều tồn tại về môi trường

Ghi nhận của PV (ngày 11/12/2015) tại khu vực sản xuất của nhà máy sắn Như Xuân (địa chỉ thôn Đồng Xuân, xã Hóa Qùy, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có nhiều lớp bùn đen, đông đặc. Bã sắn đọng thành từng lớp dày, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Quan sát và đánh giá bằng cảm quan cho thấy khu vực công trình xử lý nước thải nhà máy có mùi hôi khó chịu; các hồ sinh học nước thải có mầu đen, trắng đục. Tại khu vực sản xuất, chất thải nguy hại (dầu mỡ máy, bao bì, thanh sắt…) để ngổn ngang, hoen gỉ thậm chí, dầu mỡ máy móc với nước thải sản xuất lênh láng, tạo thành những vũng nước màu đen kịt, bốc mùi, ruồi muỗi bu xung quanh…

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân – Thanh Hóa: Ai đang “tiếp tay” cho sai phạm? - Ảnh 1
Hồ chứa nước thải để xả ra môi trường luôn trong tình trạng đen kịt và bốc mùi hôi thối

Đặc biệt, bã sẵn không được để đúng vị trí quy định cụ thể mà được xả thải trực tiếp xuống hồ sinh học chất như “núi”, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên…

Bên ngoài khu vực nhà máy, hàng dài những chiếc xe chở sắn quá khổ, quá tải đậu đỗ làm bụi mù mịt, ách tắc giao thông.

Tìm hiểu được biết, ngày 17/03/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 113/GP-UBND quyết định cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Theo giấy phép xả thải của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp, nước thải của công ty từ hồ sinh học số 6 chảy ra sông Quyền với chế độ xả 2 lần/năm; lần 1 từ ngày 18/8 đến 15/10, lần 2 từ ngày 15/1 đến 15/4.

Theo phản ánh của bà con nhân dân, nhà máy xả thải vô tội vạ, không theo quy định cụ thể, nước thải của nhà máy có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tiếp xúc với PV, nhiều người dân cùng có chung bức xúc: “Người dân chúng tôi luôn phải sống trong ô nhiễm môi trường từ nhà máy này gây ra, họ hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm mùi hôi thối từ chất thải, nước thải cộng với tiếng ồn khiến chúng tôi mất ngủ dẫn đến sức khỏe sa sút”.

Ngày 17/12/2014, Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 553/QĐ-STNMT ngày 05/12/2014 của Giám đốc Sở TNMT Thanh Hóa tiến hành kiểm tra về công tác chấp hành luật bảo vệ môi trường với nhà máy đã nêu: “Trong quá trình sản xuất của công ty có phát sinh chất thải nguy hại nhưng chưa được thu gom phân loại để lưu giữ đúng quy định, chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại theo đúng quy định; chưa có giám sát môi trường định kỳ vụ sản xuất 2014-2015 theo quy định, theo báo cáo của đơn vị công ty đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn; chưa có báo cáo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường theo quy định; về thực hiện chương trình giám sát môi trường, vụ sản xuất 2014-2015 chưa có nhưng theo báo cáo hoạt động của đơn vị đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đang triển khai thực hiện; chưa lắp đồng hồ đo lưu lượng tại vị trí cửa xả nước thải ra nguồn tiếp nhận.

…Nhưng báo cáo “đẹp như tranh”

Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Giới, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ cho biết: “Ở địa phương vấn đề nhân dân phản ánh nhà máy sản xuất làm ô nhiễm môi trường là có. Khoảng 3 ngày trước, cơn mưa to, việc sản xuất của nhà máy bốc mùi nồng nặc, vì vậy dân có kiến nghị đó là việc đương nhiên. Vấn đề xe chở sắn đỗ đầy đường làm xuống cấp, chúng tôi yêu cầu nhà máy thực hiện cam kết đảm bảo giao thông nhưng việc xe chạy đỗ dừng cũng không nghiêm trọng. Tuyến đường là của nhà máy, thực tế nhà máy bền bù, hỏng hóc tự tu sửa”.

Trái ngược với ý kiến của ông Giới, ông Đào Văn Long, cán bộ địa chính xã cho biết, con đường này không phải độc quyền của nhà máy sắn mà là của nhà nước, ngân sách nhà nước đầu tư, được đền bù để làm. Phía nhà máy sắn cũng hứa đầu tư hỗ trợ làm đường cho xã con đường mới nhưng đến nay chưa có thực hiện lời hứa.

Ông Long cho biết thêm là chưa bắt quả tang nhà máy xả trộm lần nào, có một lần đầu tháng 2 nghe thông tin, chúng tôi điều người xuống kiểm tra, trong biên bản nêu rõ, tại thời điểm kiểm tra nước loãng có màu đen, hôi tại hệ thống đường ống có nước chảy rò rỉ, người dân kiến nghị là đúng.

“Việc bã sắn sản xuất chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường năm ngoái chúng tôi đã lập biên bản kiểm tra, yêu cầu xử lý vào ngày 21/03/2015. Tại thời điểm kiểm tra, chất thải tràn trề, tràn lan ra gây hôi thối. Vụ mới này không bán được bã, nước vẫn tràn ra gây ô nhiễm, có thể do nhà máy bán bã đắt, nhà máy làm gì cũng chỉ coi lợi nhuận trên hết mặc kệ vấn đề khác (ô nhiễm môi trường-PV)”, ông Long nói.

Trái ngược với hiện trạng trên, ngày 5/12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra, biên bản kiểm tra nêu rõ: Tại thời điểm kiểm tra, nước thải sản xuất đang được lưu giữ trong các hồ sinh học, không thải ra môi trường. Chất thải rắn sản xuất, bã sẵn được thu gom về hồ chứa, bán cho cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc…

Còn trong báo cáo giám sát môi trường lần 2 vụ sản xuất năm 2014-2015 của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân thì kết quả đo đạc, phân tích lấy mẫu định kỳ và các thông số môi trường về không khí, bụi, độ ồn; môi trường nước mặt; môi trường nước ngầm; môi trường nước thải; môi trường đất đều nhận xét: Khi so sánh với các tiêu chuẩn cho thấy giá trị phân tích của các chỉ tiêu đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép (QCVN)?

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân – Thanh Hóa: Ai đang “tiếp tay” cho sai phạm? - Ảnh 2
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân

Nếu chỉ nhìn vào biên bản kiểm tra ngày 5/12/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa và báo cáo giám sát môi trường thì không ít người tin rằng, đây chính là nhà máy chế biến tinh bột sắn “sạch” nhất Việt Nam? Tuy nhiên, thực tế lại “phũ phàng” và không như trong báo cáo cũng như biên bản kiểm tra có kết luận “đẹp không tì vết” về công tác môi trường nêu trên.

Đối chiếu những cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường với hiện trạng đang diễn ra tại vụ sản xuất 2015-2016 của nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân, thì việc áp dụng những biện pháp khắc phục môi trường là chưa thực hiện đúng. Thậm chí, việc để bã sẵn chảy trực tiếp xuống hồ chứa nước thải sản xuất là sai hoàn toàn so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Những tồn tại về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy sắn Như Xuân đã rõ như ban ngày. Không biết tới đây, lượng bã sắn hàng trăm tấn mỗi ngày đang được đưa xuống hồ chứa nước thải sẽ được Nhà máy này xử lý như thế nào?

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng xử lý cương quyết và dứt điểm những tồn tại trên, để dư luận không phải đặt ra câu hỏi: Có hay không nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân đang “mua” báo cáo, cũng như được sự “bao che” của cơ quan chức năng nên mới “vô tư” vi phạm như vậy?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đình Dũng – Hoan Nguyễn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục