Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường

(Kinhdoanhnet) - Gần 60 lò gạch thủ công tại xã Cao Minh, Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ngày đêm đua nhau “nhả khói” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân trong khi chính quyền địa phương “bất lực”?.

Ngang nhiên bất chấp hoạt động

Khu Gò Lều, thôn Đức Cung, xã Cao Minh được người dân coi là “thủ phủ sản xuất gạch thủ công” vì ở đây có tổng số gần 60 lò gạch thủ công hiện vẫn đang hoạt động hết công suất. Từ năm này qua năm khác những lò gạch vẫn đều đặn “ nhả khói”, không những môi trường sống của người dân bị đe dọa, cây trồng của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng mà tài nguyên đất cũng đang bị xẻo thịt từng ngày.

Ngày 22/6, có mặt tại thôn Đức Cung, khu vực sản xuất gạch thủ công ở xã Cao Minh, chúng tôi không khỏi giật mình vì hàng chục lò gạch hoạt động hết công suất. Xe tải, xe công nông, máy xúc, máy ủi... nối đuôi nhau ra, vào khu sản xuất gạch. Hàng trăm người lao động mải miết chuyển gạch vào lò, trộn, đúc than. Cả khu vực như đại công trường nung đốt gạch, nhiều bãi đất rộng chứa hàng trăm kiêu gạch mộc với số lượng rất lớn cho thấy ở đây chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc dừng sản xuất.

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 1
Hàng chục lò gạch ngang nhiên hoạt động
Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 2
Gạch mộc vẫn xếp hàng dài chờ ngày vào lò

 

Trong vai một công ty xây dựng ở TP.Vĩnh Yên đến mua gạch cho công trình xây dựng lớn trên thành phố, chúng tôi dễ dàng tiếp cận các chủ lò gạch mà không gặp phải sự dò xét hay đề phòng nào. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng vì theo người chủ lò cho biết giá gạch ở khu vực này tương đối đồng đều, các chủ lò đều là người làm ăn lâu năm nên gạch được bán ra rất chắc giá. Việc của khách và chủ lò chỉ là thống nhất số lượng và hình thức mua.

Anh Thuận, một chủ lò gạch đưa ra hai phương án phổ biến ở đây, nếu khách mua tại chân lò, giá sẽ thấp hơn do phải tự bố trí phương tiện vận chuyển và “làm luật” trên đường. Nếu không được, chủ lò sẽ lập tức đưa ra phương án trợ giúp đó là khách hàng chỉ cần báo địa điểm, gạch sẽ được vận chuyển đến tận nơi, “không thiếu một viên” và tất nhiên lúc này khách sẽ phải chịu mức giá cao hơn.

Khi chúng tôi hỏi về việc đốt gạch mà chính quyền không có ý kiến gì hay sao thì một chủ lò cũng  không ngại ngần mà trả lời: “Cũng có nhắc, cũng có kiểm tra nhưng chúng tôi thấy vẫn làm được vẫn cứ làm thôi”.

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 3

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 4

Công nhân vẫn mệt mài với công việc làm than, xếp gạch

Theo người dân, các lò gạch này liên tục nhả khói suốt ngày đêm khiến cuộc sống, sức khỏe và sản xuất của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi các lò gạch đồng loạt hoạt động, thì nơi đây không khác gì cái lò hun khói, không khí khét lẹt, đặc quánh toàn khí CO2 đến ngạt thở. Tìm hiểu thêm được biết, hằng năm, các lò gạch thủ công này sản xuất một lượng gạch với hàng triệu viên/năm, do vậy cũng cần hàng triệu mét khối đất mỗi năm. Hầu hết các lò gạch lấy đất ngay tại chỗ dẫn đến tình trạng đất đai ở đây bị đào bới lấy đất làm gạch, nguyên nhân đó làm cho nhiều thửa ruộng canh tác trở thành vũng lầy, hố sâu, làm cho trữ lượng đất phù sa mặt bị cạn kiệt.

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 5
Công nhân đang bốc gạch lên xe vận chuyển đến nơi bán
Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 6
Sử dụng xe “cấm lưu hành” ngang nhiên vận chuyển đi vào đường làng

Chưa dừng lại ở việc ngang nhiên sản xuất lò gạch thủ công, tại “thủ phủ” này còn mọc lên một số căn nhà kiên cố trên đất nông nghiệp và tồn tại hàng nhiều năm nay mà không hề bị xử lý

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 7
Một trong những căn nhà kiên cố ngang nhiên tồn tại trên khu” thủ phủ lò gạch”

Chính quyền địa phương bất lực!

Để làm rõ nguyên nhân tồn tại của các lò gạch thủ công trên địa bàn xã, qua trao đổi sự việc với phóng viên, ông Đào Văn Bộ - Chủ tịch UNBD xã Cao Minh  thừa nhận: Phản ánh của người dân về việc lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm là hoàn toàn đúng.

Phúc Yên - Vĩnh Phúc: “thủ phủ lò gạch thủ công” hủy hoại môi trường - Ảnh 8
Ông Đào Văn Bộ, chủ tịch UBND xã Cao Minh trao đổi với phóng viên

Ông Bộ cho biết thêm: “Trước đây, trên địa bàn xã có gần 80 lò sản xuất gạch thủ công. Từ khi có chủ trương của UBND tỉnh và UBND thị xã về xóa lò gạch thủ công, ban đầu chúng tôi đã sử dụng biện pháp vận động tuyên truyền đến các chủ lò về chính sách chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của chính phủ, của nhà nước, cho đến việc nhiều lần đã mời các chủ lò gạch lên làm việc, giao trách nhiệm và cam kết thời gian xóa bỏ các lò gạch thủ công. Các chủ lò cũng đã kí cam kết tự nguyện tháo bỏ nhiều lần. Từ gần 80 lò hoạt động đến nay 06 hộ đã nghỉ không sản xuất và 13 vỏ lò đã tháo dỡ. Hiện trên toàn xã vẫn còn khoảng 32 hộ sản xuất gạch mộc thủ công với 60 lò vẫn vẫn chưa ngừng sản xuất hoàn toàn.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao địa phương không triển khai các biện pháp để xóa bỏ các lò gạch này, ông Bộ cho biết, xã cũng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các chủ lò làm cam kết cũng như sử dụng các biện pháp cấm xe vận chuyển ra vào khu vực lò gạch, đào cắt đường giao thông. Thu giữ phương tiện sản xuất và yêu càu HTX dịch vụ điện không cấp điện sản xuất cho khu vực lo gạch... nhưng các chủ lò không chịu thực hiện cam kết việc tháo dỡ.

“Quan điểm của xã Cao Minh là nếu các chủ lò gạch không tự nguyện tháo dỡ thì xã sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế để chấm dứt hoạt động của các lò gạch trên địa bàn nhưng khi sử dụng biện pháp cưỡng chế xã đã có đề nghị UBND thị xã Phúc Yên hỗ trợ kinh phí, pháp lí và lực lượng vì với tình hình hiện tại xã hiện tại không thể triển khai cưỡng chế được”, ông Bộ cho biết thêm.

Theo như cách trả lời của Ông chủ tịch xã thì địa phương này dường như đang “bất lực” trước sự ngang nhiên hoạt động của các lò gạch thủ công. Vì với cách làm bị động, ngóng chờ chỉ thị từ cấp trên như UBND xã Cao Minh thì việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm trên địa bàn xã Cao Minh chưa biết lúc nào mới chấm dứt.

Khi phóng viên đặt vấn đề, các lò gạch khác đã xóa bỏ, hay số lò gạch còn lại vẫn hoạt động đã mang lại lợi ích nào đó cho địa phương hoặc có mối quan hệ nào khác, ông Bộ khẳng định: “Các cán bộ chính quyền xã không có quan hệ nào với các lò, nếu phát hiện chúng tôi sẻ xử lý nghiêm”.

Việc một số chủ lò gạch đã lợi dụng việc dựng chòi để đốt gạch để xây dựng những ngôi nhà kiên cố trên đất nông nghiệp mà không hề bị xử lý, Ông Bộ cũng cho biết” rất khó để xử lý vì việc xây dựng diễn ra rất nhanh chóng, lại bị các lò gạch cao che khuất và nằm ở khu xa dân cư nên nhiều khi chính quyền xã không biết” và đến bây giờ thì không xử lý được bởi địa phương có nhiều cái khó, khó trong công tác tháo dỡ lò gạch?”.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyến - Chánh Văn phòng UBND thị xã Phúc Yên được  biết, quan điểm của thị xã về vần đề các lò gạch ở xã Cao Minh là phải xóa bỏ, vì vậy Thị xã đã nhiều lần chỉ đạo chính quyền xã Cao Minh xử lý dứt điểm hoạt động của các lò gạch thủ công, và mới đây là văn bản chỉ đạo của Thị xã yêu cầu xã Cao Minh phải tháo dỡ hoàn toàn lò gạch, thời hạn chót là hết tháng 6 năm nay. Nếu không xóa bỏ được thì chính quyền xã Cao Minh sẽ phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói, chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công là phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước giảm thiểu ô nhiễm khí thải, ô nhiễm môi trường. Mặc dù các lò gạch thủ công là nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng trong địa bàn thị xã Phúc Yên và các địa phương lân cận, góp phần bình ổn giá gạch xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, giải quyết được công việc làm cho người lao động tại địa phương. Nhưng hệ lụy của nó đến môi trường rất trầm trọng. Việc sử dụng than, củi để đốt lò sẽ thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe, môi trường sống có khả năng gây ung thư... Cùng với đó, hàng chục ha đất nông nghiệp bị biến thành ao hồ do lấy đất để làm gạch.

Nhiều địa phương khác của tỉnh Vĩnh Phúc đã xóa bỏ được hoạt động của các lò gạch thủ công thì việc chậm trễ xử lý dứt điểm các lò gạch thủ công ở xã Cao Minh khiến dư luận hoài nghi về năng lực cũng như quyết tâm thực sự của chính quyền xã.

Đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc,  UBND thị xã Phúc Yên vào cuộc một cách dứt khoát để chấm dứt tình trạng “bóc lột” tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hoàn trả mặt bằng để nhân dân trong vùng yên tâm sản xuất cũng như cần xem xét lại năng lực của chính quyền xã Cao Minh khi để xảy ra tình trạng trên trong thời gian dài mà không thể xử lý được.

Đức Nam

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục