Bắc Ninh: Từ những quyết định trái thẩm quyền, đến những sai phạm của doanh nghiệp?

(KDPL) - Trong bài viết của những số báo trước, báo Kinh doanh & Pháp luật đã đưa tin về việc chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 26/6/2012,và quyết định 847/QĐ-UBND ngày 29/6/2012 về thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và dịch vụ Từ Sơn, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thể thao trường học, công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh gây bức xúc dư luận, khiếu nại kéo dài nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trong đơn phản ánh gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, và cơ quan báo chí thì tổng số đất nông nghiệp của phường Đồng Kỵ được chia cho các hộ là 673 mẫu/16.000 nhân khẩu, nếu tính bình quân đầu người thì nông dân ở Đồng Kỵ được chia ruộng thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, đã vậy quá trình sử dụng diện tích trên đã nhiều lần bị thu hồi mất khoảng 132 mẫu . Theo như quyết định số 827 và quyết định số 847 của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thì diện tích đất trên địa bàn phường Đồng Kỵ sẽ bị thu hồi thêm 109ha tương đương với 303 mẫu đất nông nghiệp để giao cho công ty TNHH Nam Hồng và công ty TNHH xây dựng đường 295B tạo vốn hoàn trả chi phí xây dựng đường 295B và TL 277, điều đó có nghĩa là diện tích đất nông nghiệp của nhân dân phường Đồng Kỵ càng ngày bị thu hẹp lại, nhân dân không còn đất để sản xuất (đến nay chỉ còn khoảng 238 mẫu)

Điều đáng nói ở đây là tại danh mục các dự án công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt thì dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thể thao, trường học, công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn để khai thác giá trị quyền sử dụng đất tạo vốn hoàn trả chi phí xây dựng đường TL 277 từ thị xã Từ Sơn đi thị trấn Chờ, huyện Yên Phong được phê duyệt với diện tích là 40ha nằm trên địa bàn phường Đồng Kỵ, còn dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị dịch vụ Từ Sơn (dự án khác giao cho nhà thầu xây dựng đường TL 295B theo hình thức BT) có thể thu hồi đất của khu vực khác để giao cho nhà thầu.Tuy nhiên, UBND thị xã Từ Sơn lại thực hiện thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp đối với toàn khu vực Đồng Kỵ, điều này khiến người dân nghi ngờ vì đây là khu vực làng nghề, giao thông thuận lợi nên nhà thầu khi được giao đất ở khu vực Đồng Kỵ sẽ thuận lợi cho việc chuyển nhượng bán nền, cho thuê, với giá cao,  và thực tế những điều nhân dân nghi ngờ đó là có cơ sở và đang xảy ra một cách trắng trợn, thể hiện ở chỗ: 

Trong quyết định số 249/QĐ- UBND ngày 16/7/2015 của UBND tỉnh Bắc Ninh do phó chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Lương Thành kí về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất của dự án khu thể thao, trường học, công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn để khai thác giá trị quyền sử dụng đất tạo vốn đối ứng cho dự án cải tạo, nâng cấp đường TL 295B theo hình thức BT, nhưng công ty Nam Hồng đã bán đất, lập hợp đồng, viết phiếu thu đối với một số hộ dưới hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng” nhưng sau đó được nhận lại đất ở lâu dài, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích tương đương với giá trị tiền trong hợp đồng, hợp đồng đó được kí kết giữa hai bên ngày 30/01/2015( trước khi có phê duyệt nửa năm). 

Như vậy câu hỏi được đặt ra là công ty Nam Hồng lấy căn cứ nào để tính giá bán cho các hộ khi mà chưa có phê duyệt về giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất ở khu vực này, mà bán trước khi UBND tỉnh có giá phê duyệt? Mặt khác công ty TNHH xây dựng đường 295B cũng vậy. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và dịch vụ Từ Sơn, trong giấy chứng nhận đầu tư số 21.1.2.1.000 234 ngày 17/9/2010 trong điều 2 mục tiêu và quy mô của dự án có ghi rõ “đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị và dịch vụ Từ Sơn bao gồm san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải,hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện của khu đô thị và dịch vụ,…” 

Chứng nhận là vậy,nghĩa là công ty chỉ được làm hạ tầng rồi bàn giao cho UBND tỉnh, mà không được tự bán đất, cũng trong “hợp đồng góp vốn” của công ty (nhưng thực chất là bán đất) ở điều 4, trách nhiệm bên A ghi rõ: “Thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đúng thiết kế và dự toán được phê duyệt, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình theo quy định hiện hành của nhà nước. Sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, bên A có trách nhiệm bàn giao lại cho UBND phường Đồng Kỵ…” Rõ ràng là công ty TNHH xây dựng đường 295B đã vi phạm, và mâu thuẫn với ngay chính bản thân hợp đồng của mình.

Bắc Ninh: Từ những quyết định trái thẩm quyền, đến những sai phạm của doanh nghiệp? - Ảnh 1
Phiếu thu tiền bán đất của 2 công ty dưới hình thức góp vốn

 

Bắc Ninh: Từ những quyết định trái thẩm quyền, đến những sai phạm của doanh nghiệp? - Ảnh 2
Sân bóng mà công ty Nam Hồng san lấp đất của dân khi chưa thỏa thuận đền bù

 

Theo phản ánh của ông Dương Văn Minh ở khu phố Thanh Nhàn phường Đồng Kỵ cho biết: gia đình tôi có diện tích đất khoảng 96m2 mặc dù chưa nhận tiền đền bù, nhưng đã bị hộ ông  Vũ Văn Việt hiện đang làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đồng Kỵ đã mua đất của công ty Nam Hồng khi làm đã thuê máy múc, múc toàn bộ đất của ông lên để làm, khi phát hiện đất của mình bị xâm phạm, ông Minh đã 2 lần có ý kiến, nhưng ông Việt vẫn cố tình làm, sau đó ông Minh đã thuê máy để san lại diện tích đất của mình xuống thì bị ông Nguyễn Văn Tạo là phó chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ dọa bắt về phường, nhưng tôi đã trả lời là “đất của tôi, khi chưa thỏa thuận xong tôi có quyền giữ, tại sao khi ông Việt xâm phạm vào quyền lợi của tôi thì các anh không bảo vệ, hay vì ông ta là cán bộ, nên các anh bao che cho sai phạm”? Ngoài ra một số hộ trong diện tích đất bị thu hồi nhưng thấy chưa thỏa đáng, vẫn đang khiếu nại và chưa nhận tiền đền bù, nhưng công ty Nam Hồng đã san lấp, làm sân bóng  đá nhân tạo để cho thuê thu lợi, điều này khiến những người có đất bị mất rất bức xúc khiếu nại mà không được giải quyết. 

Ông Vũ Văn Đãi- người bị mất đất ở khu sân bóng cho biết: “Đây là khu đất nông nghiệp rất thuận lợi cho việc canh tác, là cánh đồng lúa cho năng xuất cao, đã từng được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm quan và đánh giá là cánh đồng kiểu mẫu, vậy mà bị lấy đi khiến 16.000 người dân chúng tôi có nguy cơ bị thiếu lương thực, người lao động không có việc làm, đây có thể là nguy cơ dẫn đến các tệ nạn xã hội phát sinh”.

Từ những sai phạm trên, dư luận đặt câu hỏi việc “treo đầu dê, bán thịt chó” của Công ty TNHH Nam Hồng và Công ty TNHH xây dựng đường 295B như vậy thì UBND th ị xã Từ Sơn, các sở ban ngành liên quan, và UBND tỉnh Bắc Ninh có biết hay cố tình làm ngơ trước sai phạm của hai công ty trên? Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ thông tin tiếp ở các số báo sau.

Hoàng Chiến

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục