Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định?

(Kinhdoanhnet)- Hàng chục hộ dân thuộc phường Phú Lãm (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) đang gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan báo chí, tố cáo hành vi “cướp đất” của chính quyền trong quá trình lập dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam.

Theo nội dung đơn thư tố cáo của bà Đào Thị Dần (phường Phú Lãm), người đại diện cho 28 hộ dân hiện đang sinh sống tại khu vực này gửi tới báo Kinh doanh & Pháp luật:

Năm 2006, Trường Đại học Đại Nam lập dự án xin UBND tỉnh Hà Tây(cũ) để xây dựng trường. Ngày 22/5/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 864/QĐ/UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Số đất theo quy hoạch là 10,6ha, trong đó đất của xã Phú Lãm (nay là phường Phú Lãm) là 7,88ha (có 0,62ha đất hành lang giao thông) và xã Phú Lương (nay là phường Phú Lương) là 2,7ha.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 1

 Đơn tố cáo của các hộ dân gửi tới cơ quan báo chí

Căn cứ theo tờ trình số 14/TTr-UBND, ngày 6/3/2008 của UBND xã Phú Lãm, ngày 11/3/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 523/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB. Tiếp theo, đến ngày 31/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 3170/QĐ-UBND thu hồi 96891,7m­2  đất ở 2 địa phương trên giao cho Trường Đại học Đại Nam để thực hiện dự án xây dựng trường. Trong đó, đất của xã Phú Lãm là 6,97ha (có 0,46ha đất hành lang giao thông).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, UBND quận Hà Đông và phường Phú Lãm chưa thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục công khai, đền bù, GPMB. Đáng chú ý là số diện tích 15.000m2 đất của 28 hộ dân không nằm trong vị trí diện tích đất giao cho Trường Đại học Đại Nam, nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 2

  Quyết định thu hồi gần 9,7ha đất để xây dựng Trường Đại học Đại Nam của UBND tỉnh Hà Tây

“Số đất cưỡng chế “thừa” này là đất mà từ năm 1999, 28 hộ dân ở xã Phú Lãm (huyện Thanh Oai, Hà Tây) trong đó có gia đình tôi được cấp có thẩm quyền giao 15.000m2 đất nông nghiệp gồm khu vực Ma Cả trong (9000m2) và Ma Cả ngoài (6000m2). Từ đó đến khi bị cưỡng chế vào tháng 8/2009, các hộ dân chúng tôi vẫn sử dụng ổn định để trồng lúa, trồng màu, hàng năm đều nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế sử dụng đất”, bà Dần cho biết.

Theo hồ sơ mà PV tiếp cận được, vào ngày 27/1/2011, ông Vũ Hồng Khanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký văn bản yêu cầu Thanh tra thành phố xác minh, kết luận, báo cáo UBND thành phố.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 3

   Thông báo thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, bất chấp việc khiếu nại của UBND phường Phú Lãm

Tuy nhiên, theo bà Dần và nhiều hộ dân bị cưỡng chế đất: “Không hiểu vì lý do gì khi về làm việc tại quận Hà Đông, tổ công tác Thanh tra thành phố không tiến hành đo đạc thực tế hiện trường số diện tích đất đã giao cho Trường Đại học Đại Nam, không gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với các hộ dân có đơn khiếu nại. Vấn đề quan trọng nhất là họ không mời đại diện các hộ dân ra hiện trường đo thực tế số đất nói trên”.

“Chúng tôi liên tục có đơn khiếu nại, yêu cầu UBND thành phố đối thoại với dân, tổ chức đoàn xuống đo lại diện tích đất đã giao cho Đại học Đại Nam, có sự chứng kiến của các hộ dân chúng tôi. Ngày 24/12/2014, sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND và chất vấn của Ban Pháp chế HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã có văn bản yêu cầu Thanh tra thành phố tổ chức hội nghị đối thoại.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 4

   Bản đồ mốc giới khu đất xây dựng Trường Đại học Đại Nam (giai đoạn 1): phần đánh số 1 là phần đất lẽ ra chỉ thu hồi trong giai đoạn 2 của dự án; số 2 là khu đất nằm ngoài quy hoạch dự án. Tổng cộng 1,5ha đất bị thu hồi sai?

Tại hội nghị này, những vấn đề chúng tôi đề nghị làm rõ chưa được xác minh và kết luận. Đại diện Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng yêu cầu Thanh tra thành phố sớm xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam, thành lập tổ công tác xác minh thực tế, bảo đảm thật khách quan, công minh! Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, Thanh tra thành phố khôn g xuống trực tiếp đo đạc với dân mà chỉ rà soát trên giấy tờ nên chúng tôi chưa nhận được hồi âm gì từ Thanh tra thành phố”, cụ Bùi Thị Muỗm, một hộ dân bức xúc cho biết.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 5

  Theo các hộ dân, sân bóng đá nhân tạo này được dựng trên phần đất bị thu hồi trái phép của dân?

Dựa trên Bản đồ mốc giới khu đất xây dựng Trường Đại học Đại Nam (giai đoạn 1), do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây tiến hành đo vẽ năm 2008 mà PV tiếp cận được, chúng tôi nhận thấy nội dung tố cáo của bà Đào Thị Dần và các hộ dân bị cưỡng chế đất hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo quy hoạch, diện tích đất bị thu hồi để xây dựng Trường Đại học Đại Nam (giai đoạn 1) tại 2 xã Phú Lãm và Phú Lương tổng cộng là 96.891,7m2, trong đó: phần đất bị thu hồi tại xã Phú Lãm là 69.788,2m2 và ở Phú Lương là 27.103,5m2.

Tuy nhiên, khi tiến hành cưỡng chế thu hồi, chính quyền lại “vô tình” thu hồi cả phần đất 15.000m2 của các hộ dân xã Phú Lãm, trong đó: khoảng 6000m2 đất (đã được GPMB thuộc mảnh đất 9176,3m2) nằm trong giai đoạn 2 của quá trình thu hồi, và 9000m2 đất nằm ngoài quy hoạch xây dựng Trường Đại học Đại Nam.

Bài 1: Dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam: Hàng chục hộ dân bị thu hồi đất sai quy định? - Ảnh 6

 Các hộ dân bị cưỡng chế đất trong buổi làm việc với PV

“Các hộ dân chúng tôi đã bỏ tiền thuê người về đo đạc thực tế khu đất. Và các số liệu hoàn toàn trùng khớp với Bản đồ mốc giới của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tây. Như vậy, chúng tôi đã bị thu hồi 1,5ha đất sai quy định”, bà Dần cho biết.

Theo ghi nhận của PV báo Kinh doanh và Pháp luật, khu đất 9000m2 bị cưỡng chế của các hộ dân nơi đây hiện đã được “hô biến” thành sân bóng đá nhân tạo!?

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục