Bài 5: Công ty Tamax tuyển lao động đi Rumani trái pháp luật, Cục QLLĐNN chỉ nhắc nhở có quá ưu ái?

(Kinhdoanhnet) - Công ty XKLĐ Tamax tổ chức thi tuyển người lao động đi Rumani khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước lại xử phạt bằng hình thức "nhắc nhở". Như vậy liệu có ưu ái?

Như báo Kinh doanh & Pháp luật đã phản ánh, Công ty XKLĐ Tamax ngang nhiên tổ chức thi tuyển người lao động đi Rumani khi chưa được phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN). Hàng trăm người lao động đã đặt hết niềm tin vào Công ty Tamax, đến đây thi tuyển tay nghề mà không biết rằng công ty này không có đủ giấy phép theo đúng quy định của pháp luật. Một công ty làm việc trái pháp luật còn người lao động đứng trước nhiều hiểm hoạ khôn lường, thế nhưng Cục QLLĐNN cho biết chỉ dừng ở mức nhắc nhở Công ty Tamax chứ không thể xử phạt. Liệu đây có phải là mức “xử phạt” quá nhẹ so với mức độ sai phạm của công ty này?

Người đại diện của Cục QLLĐNN cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của Báo Kinh doanh & Pháp luật và mời Công ty XKLĐ Tamax làm việc với Thanh tra cũng như Phòng chuyên môn, đến thời điểm hiện tại công ty này đã có sự đồng ý của Cục là tuyển người lao động đi Rumani...

Quá trình Công ty Tamax tuyển người lao động trước khi xin phép Cục QLLĐNN là trái pháp luật. Về nguyên tắc, công ty không được tạo nguồn trước khi có sự đồng ý của Cục, nhưng vì không có bằng chứng việc công ty thu tiền của người lao động nên chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể phạt”. 

Bài 5: Công ty Tamax tuyển lao động đi Rumani trái pháp luật, Cục QLLĐNN chỉ nhắc nhở có quá ưu ái? - Ảnh 1

Tổ chức thi tuyển người lao động đi Rumani trái phép, Công ty XKLĐ Tamax chỉ bị... nhắc nhở

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Công ty XKLĐ Tamax ra thông báo đóng dấu đỏ, trong đó thông báo tuyển các ngành nghề, mức lương mà lao động được hưởng, cùng với những hình ảnh, video phóng viên ghi lại buổi tổ chức thi tuyển lao động của Công ty Tamax… khi chưa được Cục QLLĐNN thẩm định, cho phép là việc làm phi lý. Trường hợp chưa được thẩm định hợp đồng nhưng công ty vẫn tuyển dụng, lao động rất dễ ăn phải “trái đắng”. Bởi, sang nước bạn, họ là những lao động “chui”, không được pháp luật bảo hộ. Trường hợp xảy ra tranh chấp, công ty phá sản… lao động sẽ gánh phần lớn thiệt thòi.

Theo quy định, trường hợp công ty chưa đăng ký hợp đồng với Cục QLLĐNN, chưa được cấp phiếu trả lời mà vẫn tổ chức thi tuyển lao động thì công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a – Khoản 3 – Điều 34 – Nghị định số 95/2013 ngày 22/8/2013 của chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. 

Theo đó, Điểm a – Khoản 3 – Điều 34 – Nghị định số 95/2013 ngày 22/8/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Điều 34. Vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước: (3) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.

Trước đó, liên quan đến việc Công ty XKLĐ Tamax tổ chức thi tuyển người lao động đi Rumani trái phép dựa trên những bằng chứng mà phóng viên thu thập được, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Công ty Tamax mặc dù đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 10/04/2014, nhưng công ty lại không có hợp đồng cung ứng lao động cho đơn hàng đi Rumani và chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở Rumani nhưng công ty vẫn tiến hành thông báo tuyển dụng, tư vấn cho lao động đi làm việc ở Rumani là trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 4, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì Công ty XKLĐ Tamax sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

“b) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.”

Như vậy, Công ty Tamax không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp nên sẽ bị xử phạt từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Với những hành vi vi phạm nêu trên, ngoài biện pháp xử lý hành chính và khắc phục hậu quả theo quy định, Công ty XKLĐ Tamax còn có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạm dừng hoặc rút giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.

Vậy nhưng đến nay, sau khi vụ việc được phơi bày, nhiều lao động thực sự cảm thấy hoang mang khi biết được chân tướng sự việc thì Cục Quản lý lao động ngoài nước lại cho hay chỉ xử lý Công ty Tamax bằng hình thức nhắc nhở. Nếu hàng loạt các công ty xuất khẩu lao động khác cũng tự ý tổ chức thi tuyển người lao động đi các đơn hàng ở những đất nước khác khi chưa có phép, rồi doanh nghiệp làm sai cũng chỉ chịu phạt ở mức nhắc nhở thì thị trường xuất khẩu lao động sẽ ra sao? Sự an nguy của hàng trăm, hàng nghìn người lao động sẽ còn tiếp tục bị “đe doạ” khi còn tồn tại nhiều công ty xuất khẩu lao động làm việc trái pháp luật như Công ty XKLĐ Tamax.

Tiến Thành

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục