Chủ đầu tư sai, người mua lãnh đủ

Nhiều người dân bỏ tiền mua đất, mua nhà nhưng hàng chục năm không được cấp sổ đỏ, không được hoàn công, sửa chữa… là thực trạng diễn ra tại nhiều dự án ở TP HCM.

Có nhiều sai phạm kéo dài hơn 10 năm với gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay chính quyền các cấp vẫn chưa có hướng xử lý cho dự án khu dân cư (KDC) Hoàng Hải (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM). Trong đó, nặng nề nhất là trường hợp hơn 600 hộ mua đất tại 4 khu đất nông nghiệp bị "treo" quyền lợi.

Mòn mỏi chờ đợi

Ôm xấp hồ sơ dày cộm, vẻ mặt mệt mỏi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bảy nói như mếu: "Tháng 6-2009, tôi mua lô đất B16 diện tích 130 m2 thuộc dự án 5,2 ha của Công ty CP Kinh doanh nhà Hoàng Hải (gọi tắt là Công ty Hoàng Hải), trả trước 90%, phần còn lại trả sau khi nhận sổ đỏ. Để có tiền xây nhà, tôi đem hợp đồng mua bán đất thế chấp ngân hàng. Sau 6 năm chờ đợi cơ quan chức năng xử lý các sai phạm của chủ đầu tư (CĐT), chúng tôi nhận được thông tin giấy tờ đất của khu 5,2 ha này thuộc quyền sở hữu của Doanh nghiệp Tư nhân Sản xuất Thương mại Thành Sơn (viết tắt DN Thành Sơn) và DN này lại thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khu đất này cho một ngân hàng khác. Từ đó đến nay, tôi khiếu nại khắp nơi để lấy lại đất nhưng chưa có kết quả".

Dẫn chúng tôi đến căn nhà đang xuống cấp, ông Đặng Gia Minh buồn bã cho biết năm 2009, ông bán hết đất ở quê, vào đây mua căn nhà với mong muốn an cư. Đã 11 năm trôi qua, giấy tờ nhà không được cấp, mái nhà dột nát cũng không được sửa chữa. Muốn bán căn nhà đi nơi khác ở, dư ra chút tiền trả nợ ngân hàng nhưng không dám vì sợ mang tội lừa đảo.

Dự án khu nhà ở Tân Nhựt, huyện Bình Chánh do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông (gọi tắt là Công ty Huỳnh Thông) làm CĐT vừa được Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM hoàn tất quá trình thanh tra với hàng loạt sai phạm cũng đang khiến người mua điêu đứng. Dự án mở bán nền đất từ năm 2008 nhưng 12 năm trôi qua, gần 500 hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ, đặc biệt gần 300 hộ đã xây nhà, sinh sống ổn định nhiều năm nay vẫn không được hoàn công, sửa chữa dù nhà đã xuống cấp.

Tương tự hàng trăm khách hàng mua đất tại dự án Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do Công ty Tân An Huy làm CĐT cũng bị treo quyền lợi nhiều năm nay. Dự án với hơn 300 nền triển khai gần 20 năm nay nhưng đến nay hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh, hầu hết các trường hợp mua đất đều không được giao sổ đỏ, một số trường hợp xây nhà cũng không được hoàn công… Địa phương cho biết CĐT đang nợ tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp phép cho người mua.

Chủ đầu tư sai, người mua lãnh đủ - Ảnh 1
Nhiều căn nhà xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp được chủ đầu tư dự án khu nhà ở Tân Nhựt bán cho các hộ dân

Chia nhóm, gỡ vướng từng phần

Để xử lý khiếu nại của các hộ dân tại dự án KDC Hoàng Hải, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho biết vừa qua các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP đề xuất hướng xử lý. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP, trong quý này, Sở TN-MT sẽ phối hợp UBND huyện Hóc Môn làm việc với các hộ để kê khai, phân loại, xác định các trường hợp chuyển nhượng (giữa Công ty Hoàng Hải với các hộ dân và giữa các hộ dân với nhau) xử lý theo hướng căn cứ quy hoạch chi tiết 1/500 để sắp xếp, bố trí cho các hộ này.

Về đề xuất hủy GCNQSDĐ đã cập nhật tên từ Công ty Hoàng Hải cho DN Thành Sơn, theo Sở TN-MT TP HCM, năm 2016, UBND TP đã có công văn trả lời cho các hộ mua với nội dung không có cơ sở để xem xét, xử lý lại vụ việc. Hiện DN Thành Sơn được yêu cầu hoàn tất các thủ tục tham gia triển khai thực hiện dự án đầu tư, bảo đảm quyền lợi của người mua trong khu vực.

Riêng dự án KDC xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, theo Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, đoàn thanh tra sở vừa công bố kết luận thanh tra về quá trình đầu tư, xây dựng dự án. Để giải quyết hậu quả, thanh tra sở đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo nhiều sở, ngành, UBND huyện Bình Chánh và CĐT cùng tháo gỡ. Trước mắt, CĐT phải tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở theo quy định, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; đồng thời dừng ngay việc mua bán nền trong dự án.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP HCM phối hợp UBND quận Bình Tân, huyện Bình Chánh xem xét cấp GCNQSDĐ cho 104 nền tái định cư mà CĐT đã bán cho quận Bình Tân. Riêng 222 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, Thanh tra Sở Xây dựng kiến nghị giám đốc Sở Xây dựng báo cáo UBND TP, huyện Bình Chánh chủ trì phối hợp Sở TN-MT và quận Bình Tân đề ra các giải pháp xử lý, khắc phục.

Với dự án nhà ở của Công ty Tân An Huy, Thanh tra TP đã thanh tra toàn diện, kết luận nhiều sai phạm. Người dân muốn xây nhà phải chờ chủ đầu tư khắc phục các sai phạm mới có thể tháo gỡ.

Chủ đầu tư sai phạm gì?

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư xã Tân Nhựt, CĐT không tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng 2003, 2014, Luật Nhà ở 2005 và 2014 dẫn đến việc xây dựng không phép 222 căn nhà, công trình nhà điều hành dự án, hồ bơi trên đất nông nghiệp chưa được TP giao đất. Ngoài ra, CĐT chưa nộp thuế sử dụng đất, các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn tất; tổ chức kinh doanh bất động sản khi chưa có quyết định đầu tư dự án, chưa có GCNQSDĐ. Đặc biệt, CĐT đã bán 1 nền cho 2 người, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự nên chuyển vụ việc sang Công an TP tiếp tục điều tra làm rõ.

Để xảy ra những sai phạm tại dự án này là do sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng kiểm tra, xử lý của UBND huyện Bình Chánh, UBND xã Tân Nhựt, thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh qua từng thời kỳ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, CĐT phải có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục pháp lý đất đai, tài chính, xây dựng… Nếu CĐT chây ì, không chấp hành, phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, thậm chí xử lý hình sự nếu có. Nếu CĐT "vẽ" dự án khi chưa được chấp thuận đầu tư là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Ngoài ra giao dịch mua bán giữa CĐT và người dân không đúng quy định, người dân có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu trả lại số tiền đã nhận và bồi thường thiệt hại về vật chất nếu có.

Theo Thu Hồng/Người Lao Động

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục