Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Vì sao nhà thầu phụ vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán?

(Kinhdoanhnet) - Hàng loạt nhà thầu phụ tại gói thầu A8 Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã gửi đơn kiến nghị đến Báo Kinh doanh và Pháp luật về việc họ chưa được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex (Vinaconex E&C) nghiệm thu công trình và thanh quyết toán dứt điểm tiền liên quan đến những hợp đồng đã ký kết.

Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai dài 265 km có điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Dự án này khởi công từ quý 3 năm 2008 và hoàn thành vào ngày 21/9/2014. Theo thiết kế, đoạn Hà Nội – Yên Bái có 4 làn xe cho phép đạt vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h; đoạn Yên Bái – Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối đa 80 km/h.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Giai đoạn 2 có chiều dài 19 km đi qua thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát, do tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Vì sao nhà thầu phụ vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán? - Ảnh 1
Đơn kiến nghị của Công ty Trường Lộc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trúng gói thầu A8 (Gói thầu xây lắp A8 có tổng chiều dài 26,115 Km) đi qua địa bàn của 4 xã của huyện Bảo Thắng và 1 Phường T.P Lào Cai của tỉnh Lào Cai) thì đã giao thầu cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex (Vinaconex E&C) theo Hợp đồng giao thầu số 0468/HĐ-XD ký ngày 22/12/2009 giữa Vinaconex và Vinaconex E&C về việc thực hiện toàn bộ công việc thi công Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 1), Gói thầu A8 – Km218+040 – Km244+155.

Được biết, Gói thầu A8 do Vinaconex thực hiện có giá trị 1.627 tỷ đồng, chiều dài gần 30 km và là vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn minh – Hà Khẩu – Trung Quốc. Quy mô đào đắp đất đá trên 10 triệu m3, nổ phá đá 1,2 triệu m3, xây dựng 10 cầu cùng các hạng mục công trình thoát nước, trải thảm bê tông trên 850 nghìn m2 đường được thực hiện trong điều kiện địa hình phức tạp…

Khởi công ngày 1/4/2010, sau 03 năm nỗ lực thi công, cùng với sự đồng thuận của các bên liên quan, gói thầu A8 đã được Vinaconex thi công đảm bảo các yêu cầu của chủ đầu tư và là gói thầu xây lắp đầu tiên của Dự án đi qua tỉnh Lào Cai được hoàn thành, góp phần kết nối, thông suốt hệ thống giao thông từ miền cực Bắc đất nước đến thủ đô Hà Nội.

Mặc dù, dự án đã thông xe cách đây 3 năm, tuy nhiên đến nay các nhà thầu phụ vẫn chưa lấy được hết tiền từ đơn vị ký kết thuê là Vinaconex E&C. Trong đơn kiến nghị, các nhà thầu phụ cho rằng Vinaconex đã vi phạm luật đấu thầu bởi theo điều 4.4 của hợp đồng số 95/HĐXD-VEC/2009 quyển 2 (giữa VEC với Vinaconex) là nhà thầu Vinaconex không được giao cho nhà thầu phụ toàn bộ công trình . Trong khi đó nhà thầu chính Vinaconex đã giao thầu 100% giá trị gói thầu cho công ty pháp nhân độc lập là công ty Vinaconex E&C (nhà thầu phụ).

Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Vì sao nhà thầu phụ vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán? - Ảnh 2

Ngày 02/03/2014, Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật gói thầu A8 đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Baogiaothong.vn)

Ngoài ra, Theo quy định của Dự án không được phép sử dụng các doanh nghiệp An ninh quốc phòng để thi công dự án (Hồ sơ mời thầu). Trong khi đó gói thầu sử dụng Tổng công ty xây dựng Thanh an (binh đoàn 12 – Bộ quốc phòng) vào thi công Dự án. Vi phạm điều chống tham nhũng của dự án, theo điều 3 của hợp đồng số 95/HĐXD-VEC/2009 quyển 1(giữa VEC với Vinaconex) .

Trong hợp đồng ký kết giữa các bên thì khi kết thúc công việc nhà thầu đã thi công 60 ngày thì phải có trách nhiệm thanh quyết toán cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, gói thầu hoàn thành kết thúc tháng 03 /2014 nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa được nghiệm thu thanh quyết toán.

Theo ông Trần Quang Nhâm – Giám đốc Công ty cổ phần vật tư thiết bị xây dựng Thành Lộc cho biết: “Khi nhà thầu chính được thanh toán hạng mục đào đất thông thường( theo qui định khối lượng công việc nào vượt quá 20% khối lượng bill thầu thì được tính lại giá theo qui định của nhà nước vào thời điểm thi công). Đã không thanh toán cho bất cứ nhà thầu phụ nào.

Khi nhà thầu chính được thanh toán hạng mục trượt giá theo chỉ số giá nhân công lao động được thay đổi từ nguồn Tổng cục thống kê sang Viện kinh tế Bộ Xây dựng cũng đã không thanh toán cho nhà thầu, trong đó, Công ty cổ phần Thành lộc đã thi công được thanh toán bổ sung với giá trị chênh lệch khoảng 5,1 tỷ đồng”.

“Hiện tại theo tính toán của chúng tôi thì Vinaconex E&C còn nợ chúng tôi khoảng 3 tỷ đồng. Đã nhiều lần, chúng tôi gửi văn bản sang đề nghị thanh toán nhưng 2 bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Các giấy tờ nghiệm thu, thanh toán đều là bản tạm tính chứ chưa có nghiệm thu thanh quyết toán để thanh lý hợp đồng...” ông Phong cho biết.

Ở một diễn biến khác, trong gói thấu A8 này, đầu năm 2017 một số công nhân địa phương đã kéo nhau đến Ban điều hành dự án để đòi tiền một số nhà thầu phụ. Tuy nhiên, về việc này, nhiều nhà thầu phụ cho rằng, nhà thầu chính chưa thanh quyết toán nên chưa có tiền để trả những công nhân địa phương.

Để làm rõ những thông tin mà một số nhà thầu kiến nghị, phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật đã liên hệ với Vinaconex và Vinaconex E&C. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua, 2 đơn vị này đều không có hồi ầm.

Vì sao 2 đơn vị này lại “né” báo chí về vấn đề trên, số phận của những nhà thầu phụ sau khi thi công gói thầu A8 ra sao?

Báo Kinh doanh và Pháp luật tiếp tục thông tin!

Như Thổ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục