Dự án Villa ‘ma’ ở Vĩnh Phúc: Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng

Kêu gọi đầu tư thực tế không tồn tại, hàng loạt giấy tờ bị công ty này công bố mập mờ, hô biến để các khách hàng tin tưởng đưa tiền cho công ty.

Ký hợp đồng góp vốn đầu tư từ năm 2011, nhưng cái mà Vinanlink gọi là “dự án Casablanca Villa” đề kêu gọi đầu tư thực tế không tồn tại, hàng loạt giấy tờ bị công ty này công bố mập mờ, hô biến để các khách hàng tin tưởng đưa tiền cho công ty. Những việc làm của công ty Vinalink đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều khách hàng bằng việc làm gian dối của mình.

Liên quan đến dự án, nguồn tin của PV thu thập được, đã có khoảng 20 người ký hợp đồng mua bán đất được ký dưới dạng “hợp đồng góp vốn” với Công ty CP Công nghiệp Việt Nam liên kết (Vinalink), mỗi hợp đồng góp vốn có giá trị từ 1 đến 2 tỷ đồng.

Dự án Villa ‘ma’ ở Vĩnh Phúc: Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng - Ảnh 1

Công ty Vinalinks có dấu hiệu gian dối với khách hàng.

Như đã phân tích ở các kỳ trước về hàng loạt những “bất bình thường” tại dự án ma “Casablanca Villa 4 sao” như công bố mập mờ giấy chứng nhận sử dụng đất rừng, hô biến thông báo 974 của UBND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thành quyết định, công bố và kêu gọi đầu tư vào dự án khi chưa được cấp quản lý nhà nước nào phê duyệt dự án.

Việc vẽ ra dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng 4 sao Casablanca Villas Đại Lải trên đất lâm nghiệp để bán cho nhiều người là hành vi vi phạm pháp luật. Như đã viện dẫn ở các bài phân tích trước, diện tích đất 37ha ở lô S3 khoảnh 2 khu Thanh Cao xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) là đất lâm nghiệp. Khi chưa có sự cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất (câp tỉnh đối với tập thể, cấp thị xã đối với cá nhân) mà công ty Vinalinks dám rêu rao là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tại thời điểm năm 2011 công ty Vinalink chưa được phép ký hợp đồng góp vốn gắn với chuyển quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tại điểm b Khoản 1, điểm a, Điểm e Khoản 3, Khoản 4 Điều 9, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP đã quy định rõ về việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.

Dự án Villa ‘ma’ ở Vĩnh Phúc: Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng - Ảnh 2

Dự án ma biến đất lâm nghiệp thành biệt thự 4 sao.

Theo đó, để được phép ký hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư cấp II nhằm mục đích chuyển nhượng QSDĐ có hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư cấp II phải tuân thủ các điều kiện như: Đã giải phóng mặt bằng của dự án và đã thực hiện khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án. Sau khi đã có các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng với nội dung và tiến độ của dự án thì chủ đầu tư cấp I được ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho chủ đầu tư cấp II.

Phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở biết trước ít nhất 15 ngày, tính đến ngày ký hợp đồng huy động vốn, trong văn bản thông báo phải nêu rõ hình thức huy động vốn, số vốn cần huy động, phải nêu rõ diện tích đất sẽ chuyển nhượng… Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng dự án phát triển nhà ở đó, không được dùng số vốn đã huy động vào mục đích khác hoặc sử dụng cho các dự án phát triển nhà ở khác.

Quá trình điều tra xác minh cho thấy, Công ty Vinalinks đã không tuân thủ các quy định trên. Kể từ khi ký hợp đồng huy động vốn với khách hàng đến nay, khu đất thực hiện dự án trên vẫn trong tình trạng đắp chiếu và không được phép san lấp thêm.

(Còn nữa...)

Theo Xuân Hòa/Người đưa tin

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục