Hà Nội: Công ty điện lực Phúc Thọ bị “tố” lắp đặt đường điện cao thế sai quy định?

(Kinhdoanhnet)- Lắp đặt đường dây điện cao thế 22kV ngay cạnh khu dân cư; sử dụng loại dây điện có hệ số nguy hiểm cao, không theo quy định… Đó là một số nội dung trong đơn phản ánh mà bạn đọc gửi tới tòa soạn báo Kinh doanh & Pháp luật, tố cáo hành vi sai phạm trong thi công công trình của Công ty điện lực Phúc Thọ và các đơn vị liên quan.

Nhiều hộ dân sống ven đường QL32, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đã gửi đơn thư phản ảnh đến báo Kinh doanh & Pháp luật tố cáo: Công ty điện lực Phúc Thọ xây dựng đường dây 22kV lộ 474-E10.6 từ trạm E10.6 đến thị trấn Phúc Thọ với phương án đi trên hành lang đường QL32 gần các khu vực đông dân cư ở các xã Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Thị Trấn Phúc Thọ, Thọ Lộc là sai quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, người dân tại đây cho biết: “đường dây 22kV (thuộc loại nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại điều 623 Bộ Luật Dân sự - PV) đi qua trước cửa các hộ dân trên QL32 không đảm bảo những nguyên tắc về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại mục 5.5 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN06/2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình”.


Hà Nội: Công ty điện lực Phúc Thọ bị “tố” lắp đặt đường điện cao thế sai quy định? - Ảnh 1
Người dân bức xúc trước việc EVN Phúc Thọ lắp đặt đường đây điện trái với các quy định của pháp luật hiện hành

Theo đó, phải đảm bảo đường cho các xe chữa cháy tiếp cận đến các nhà ở và công trình công cộng, đường và bãi đỗ cho xe thang hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà cho phép từ 5m đến 8m đối với nhà cao đến 10 tầng, và từ 8m đến 10m đối với nhà cao trên 10 tầng. Trong các vùng có khoảng cách này không cho phép bố trí tường ngăn, đường dây tải điện trên không. Tuy nhiên, trên thực tế đường dây 22kV lắp đặt cách mép đường QL32 chỉ khoảng 1m, điều này hoàn toàn sai quy định.

Hơn nữa, theo phản ánh của các hộ dân tại đây, “đường dây 22kV chạy qua khu vực huyện Phúc Thọ thuộc loại dây trần, không đúng quy định và không đảm bảo độ an toàn”. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ, dây cấp điện trong đô thị phải được bố trí hợp lý trên nguyên tắc thay dây trần bằng dây có bọc cách điện, tiến tới ngầm hóa toàn bộ (huyện Phúc Thọ đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Đô thị sinh thái – PV).

Người dân nơi đây còn cho rằng, chủ đầu tư công trình là Công ty điện lực Phúc Thọ đã vi phạm điều 19 pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường khi cố tình che giấu thông tin về việc lắp đặt đường dây điện cao thế 22kV.


Hà Nội: Công ty điện lực Phúc Thọ bị “tố” lắp đặt đường điện cao thế sai quy định? - Ảnh 2
EVN Phúc Thọ bị tố phối hợp với chính quyền cưỡng chế một số hộ dân trong khi không có quyết định cưỡng chế?

 “Đường dây 22kV là nguồn rất nguy hiểm đi qua cửa nhà nhiều hộ dân của các xã Ngọc Tảo, Thị Trấn Phúc Thọ, Phụng Thượng, Thọ Lộc nhưng chúng tôi không hề biết gì. Khi thi công chủ đầu tư không thông báo cho các hộ dân bị ảnh hưởng, che dấu thông tin về công trình. Ban đầu họ chỉ nói là đường dây điện bình thường, sau khi chúng tôi phản đối mới tổ chức họp dân và nói đây là đường cao thế”, một hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng bức xúc.

Theo thông tin từ nhiều hộ dân sống ven QL32, nơi đường điện 22kV chạy qua, hiện tại suốt 8,5km đất đường ven QL32 đi qua các xã Tích Giang, Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Thọ Lộc đều là đất lúa. Trên thực tế, đã có một đường dây 35kV đi qua khu vực cánh đồng tồn tại hơn 20 năm, và được người dân nơi đây hoàn toàn ủng hộ. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao khi thi công, đường dây cao thế 22kV bắt buộc phải nằm trên hành lang QL32, mà không phải là khu vực cánh đồng, nơi không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân?

Nguy hiểm hơn, nội dung trong đơn thư phản ánh gửi tới tòa soạn báo Kinh doanh & Pháp luật có “động” tới một số dấu hiệu cưỡng chế thi công công trình (dù không có quyết định cưỡng chế), bất chấp sự phản đối mãnh liệt của người dân: “Ngày 2/8/2014, công ty điện lực Phúc Thọ tổ chức đông người bao gồm máy xúc, nhiều công nhân dưới sự hỗ trợ của chính quyền xã và các phòng, ban của UBND huyện tới khu vực Phố Từa, xã Thọ Lộc để cưỡng chế lắp đặt, dùng máy móc tấn công vào các khu vực có người cản trở không cho làm”, một người dân xã Thọ Lộc cho biết.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Quán Dũng – Nam Hưng 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục