Nam Định: Vi phạm pháp luật - Giám đốc KBNN coi là chuyện “bình thường”

(KDPL) - Báo Kinh doanh & Pháp luật đã phản ánh những sai phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước, rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi của Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh Nam Định (BQLDA) có sự tiếp tay của Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định (KBNN). Vậy mà Giám đốc KBNN Nam Định - Vũ Văn Yên lại cho rằng những sai phạm đó là chuyện bình thường. Có phải vì thế nên ông vẫn cố tình làm, bất chấp những quy định của Pháp luật?

Trong cuộc làm việc với Phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật, Giám đốc KBNN Nam Định - Vũ Văn Yên đã thừa nhận sai lầm của việc rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi. Vậy mà khi hỏi tại sao đã có Thông tư 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính, Điều 14 quy định rất rõ việc sử dụng tài khoản: “Nghiêm cấm các đơn vị sử dụng ngân sách rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mình” thì ông Yên vẫn chống chế: Trong Luật nó mênh mông lắm! Đấy là một câu bình thường trong những cái bình thường, chứ tài khoản nó rất nhiều loại…Luật pháp mình nó như thế, nếu không có hồ sơ, không có khối lượng thì xích tay ông luôn."

Do nghĩ đó là chuyện “bình thường” đã dẫn đến KBNN Nam Định vi phạm nghiêm trọng trong việc trích tiền từ TK dự toán của BQLDA tỉnh Nam Định về TK tiền gửi khác của KBNN Nam Định. Kéo theo việc kiểm soát chi tùy tiện, vô trách nhiệm đến mức ngày 25/01/2014, Giám đốc KBNN Nam Định - Vũ Văn Yên đã ký tờ trình thanh toán tiền bảo hành công trình Tu bổ tôn tạo Đình Đệ Tứ; Đồng thời, ký chấp nhận Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư số 17 bằng “Chứng từ mệnh lệnh” với số tiền 930.000.000 đồng để chuyển vào TK 3713.0.9071142 (Tài khoản tiền gửi khác của KBNN Nam Định).

Nam Định: Vi phạm pháp luật - Giám đốc KBNN coi là chuyện “bình thường” - Ảnh 1
Từ 01/2014 đến 04/11/2014 khoản tiền 930.000.000 đồng mới được đánh thức.

Theo tài liệu KBNN Nam Định cung cấp thì Kho bạc đã căn cứ công văn số 04A/CV-BQLDA ngày 20/01/2014 của Ban QLDA Đề nghị mở tài khoản và chuyển tiền bảo hành công trình đình Đệ Tứ - Dự án Văn hóa Trần. Nội dung công văn đã nêu “Nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân đầu tư PT xây dựng mỹ thuật Gia Linh đã hoàn thành khối lượng 4 tỷ 165 triệu đồng; BQLDA đã thanh toán cho nhà thầu số tiền 3 tỷ 180,3 triệu đồng; số tiền còn lại chưa thanh toán cho nhà thầu là 984,7 triệu đồng và đề nghị mở TK và chuyển 930 triệu đồng nguồn vốn kế hoạch năm 2013 để bảo hành công trình tu bổ di tích đình Đệ Tứ - Dự án Văn hóa Trần”.

Thực tế, Hợp đồng số 25/2010/HĐXD ngày 10/12/2010 của Ban QLDA xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định với DN tư nhân Gia Linh ký kết giá trị hợp đồng là 6.237.000.000 đồng. Theo Mục 2, Điểm a, Điều 29 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hành công trình xây dựng: 2. Mức tiền bảo hành công trình xây dựng. a) Nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm nộp tiền bảo hành vào tài khoản của chủ đầu tư theo các mức sau:

- 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng hoặc hạng mục công trình xây dựng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này; 

- 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng hoặc hạng mục công trình xây dựng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này. 

Còn mới hơn theo Mục b, Điểm 7, Điều 35 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, mức tiền bảo hành tối thiểu được quy định như sau:

a) 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I;

b) 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại;

c) Mức tiền bảo hành đối với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo các mức tối thiểu nêu tại Điểm a và Điểm b khoản này để áp dụng.

Đối chiếu với các quy định cụ thể nêu trên thì tiền bảo hành công trình Tu bổ tôn tạo Đình Đệ Tứ chỉ được tính 6.237.000.000 x 5% = 311.850.000 đồng. Vậy tại sao KBNN Nam Định kiểm soát chi thế nào mà chuyển 930.000.000 đồng vào TK tiền gửi khác của mình? Đây là một hành vi vi phạm không những trái với quy định của Thông tư 61, mà còn sai phạm cả việc kiểm soát chi - Một việc làm có động cơ, mục đích rõ ràng, có dấu hiệu của tội tham nhũng, lợi ích nhóm. Bởi nguyên tắc, nội dung và kết cấu tài khoản kế toán (Ban hành kèm theo công văn số 388/KBNN-KTNN ngày 01/03/2013 của KBNN) về Thủ tục kiểm soát chi từ TK tiền gửi tại KBNN quy định các đơn vị thuộc đối tượng mở TK tiền gửi tại KBNN thực hiện theo trình tự: Khi thanh toán (hoặc tạm ứng) thì đơn vị gửi hồ sơ thanh toán cho KBNN; KBNN thực hiện việc kiểm soát thanh toán và được thực hiện trực tiếp tại trụ sở KBNN; Thành phần, số lượng hồ sơ tùy theo tính chất của từng khoản chi, từng loại tài khoản, tùy yêu cầu kiểm soát theo các quy định của pháp luật đối với các tài khoản tiền gửi (tài khoản tiền gửi đơn vị dự toán; tài khoản tiền gửi Ban quản lý, tài khoản tạm thu, tạm giữ; Tiền gửi khác của đơn vị sự nghiệp có thu, tiền gửi các quỹ, tài khoản tiền gửi khác)...Hồ sơ có thể bao gồm: Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi (Mẫu C4-09/KB) hoặc ủy nhiệm chi chuyển khoản; Chuyển tiền điện tử (Mẫu C4-02/KB); Bảng kê chứng từ thanh toán (nếu có).

Một sự thật không thể chối cãi, suốt từ tháng 01/2014 đến tháng 04/11/2014 khoản tiền 930.000.000 đồng đã bị rơi vào quên lãng và tuyệt nhiên không hề được đối chiếu. Chỉ đến khi có sự xuất hiện Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư số 18 của Ban QLDA thanh toán số tiền 600.000.000 đồng từ TK 3713.0.9071142 tại KBNN, thì khoản tiền 930.000.000 đồng đó mới được đánh thức. Chủ TK 3713.0.9071142 này là ông Vũ Văn Yên - Giám đốc KBNN Nam Định đã ký “Chứng từ mệnh lệnh” chấp nhận chuyển 930.000.000 đồng vào TK tiền gửi khác của KBNN Nam Định và sau khi đã trừ thuế 18.600.000 đồng, còn 911.400.000 đồng đang “nín thở” nằm ở đâu? Việc quên không đối chiếu này hoàn toàn có sự mờ ám! Không thể cho đó là “sơ suất hay nhầm lẫn” như ông Vũ Văn Yên nói. Nếu hàng tháng đối chiếu TK 3713.0.9071142 chắc chắn ông Yên phải phát hiện ra số tiền 911.400.000 đồng này ở đâu ra, sao nằm trên TK Tiền gửi khác của KBNN Nam Định? Và ông Yên chẳng lạ lẫm gì, bởi ông quá biết rõ đó là tiền gửi trích từ TK tiền gửi dự toán Ngân sách Nhà nước đưa “lòng vòng” vào TK tiền gửi khác của Kho bạc do ông chỉ đạo. Theo đúng Luật khi phát hiện thấy sai phạm, ông phải xử lý thu hồi về cho Ngân sách Nhà nước, mà trái lại ông không làm. Ngay cả, Ban QLDA từ tháng 01/2014 đến tháng 11/2014 cũng không biết tiền của mình ở đâu? Còn nếu có phải thanh toán tiền bảo hành công trình Tu bổ tôn tạo Đình Đệ Tứ thì theo quy định mức tiền chỉ có 311.850.000 đồng, nhưng tại sao lại là 911.400.000 đồng? Hay phải đợi đến khi “lồi” ra 600 triệu đồng chuyển từ TK tiền gửi khác của KBNN Nam Định thì đề nghị Thanh toán mới được thực hiện? Như vậy, ông Vũ Văn Yên đã vi phạm Điểm 1, Điều 17, Thông tư 61/2014/TT-BTC về Đối chiếu TK tiền gửi và TK có tính chất tiền gửi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Vũ Văn Yên không thực hiện đối chiếu tài khoản tiền gửi khác 3713.0.9071142 hoặc thực hiện đối chiếu? Tại sao ông Yên và Ban QLDA lại không biết số tiền đó là mồ hôi nước mắt của bao người lao động đóng góp cho Ngân sách Nhà nước mà cố tình chuyển lòng vòng như vậy - Để rồi bản thân ông Yên, Giám đốc Kho bạc lại quên đi trách nhiệm của mình là người gác cổng Ngân sách Nhà nước? Liệu Giám đốc KBNN Nam Định và Ban QLDA có nhớ đến chuyện 2 đứa trẻ lấy cắp 2 cái bánh mỳ trị giá khoảng một vài chục ngàn đồng phải bị đi tù không? Thế mà số tiền 911.400.000 đồng này lại vòng vo đi đâu và để làm gì thì các ông là những cán bộ được hưởng lương từ NSNN cấp sẽ suy nghĩ gì? Liệu có còn xứng đáng là công bộc của dân, có còn để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định tin tưởng giao phó trọng trách gác cổng cho ngân sách Nhà nước nữa hay không? Vấn đề này rất cần Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng và Bộ công an sớm vào cuộc điều tra làm rõ.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.

Nhóm PV Điều tra

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục