Nhà đầu tư tự bỏ tiền để làm cầu, đường bị chính quyền địa phương ngăn cản: Luật sư, luật gia nói gì?

(KDPL) - Loạt bài điều tra về việc nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để nâng cấp cầu và đường Tân Thới Nhì nối dài, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh đã được độc giả đón nhận với bao cảm xúc: Vui - buồn.

Vui vì thấy có những người như vợ chồng anh Dũng, chị Hoa tự bỏ tiền túi với mục đích để mở rộng cây cầu và mua đá răm, thuê xe lu, nhân công để tôn tạo con đường vốn lầy lội phục vụ người dân và cộng đồng, giảm thiểu các vụ tại nạn giao thông. Việc làm đó đáng được hoan nghênh và ngưỡng mộ. Nhưng dư luận cũng thật buồn, bởi lẽ việc làm đó đáng ra phải được cổ vũ nhưng chính quyền ở xã này lại ngăn cản và ra các quyết định kỳ quặc và hành dân.

Nhà đầu tư tự bỏ tiền để làm cầu, đường bị chính quyền địa phương ngăn cản: Luật sư, luật gia nói gì? - Ảnh 1

Đương Tân Thới Nhì 16 nối dài trước đây lầy lội...

Nhà đầu tư tự bỏ tiền để làm cầu, đường bị chính quyền địa phương ngăn cản: Luật sư, luật gia nói gì? - Ảnh 2
... và đương Tân Thới Nhì 16 nối dài sau khi được rải đá.


Tiếp theo các ý kiến của người dân, tại số báo này, chúng tôi xin chuyển tải đến bạn đọc ý kiến của các luật sư, luật gia.

Việc tổ chức cưỡng chế hành chính của UBND xã Tân Thới Nhì là trái quy định pháp luật

Trong thời gian qua, chúng tôi đã có loạt bài phản ánh việc người dân tự bỏ tiền riêng để đầu tư chỉnh trang đường giao thông ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn nhằm góp phần tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp từ việc hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo tinh thần Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc Hội Khóa XIII và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 nhưng bị lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tân Thới Nhì gây khó khăn. Đỉnh điểm là quyết định xử phạt hành chính số 266/QĐ-XPVPHC được lập ngày 16 tháng 6 năm 2017 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký, đồng thời tổ chức cưỡng chế bằng cách đào hào sâu giữa đường đi hiện hữu gây khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn những hiểm họa về tai nạn giao thông trong mùa mưa cho người dân tại địa phương là điều hết sức phi lý.

Theo luật gia Đỗ Minh Chánh thì Thông tư 16/2010/TT-BTNMT ngày 26 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Thông tư 16/2010/TT-BTNMT), đối tượng bị cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: Cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau đây gọi chung là đối tượng bị xử phạt) đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định nêu tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 16/2010/TT-BTNMT mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).

Nhà đầu tư tự bỏ tiền để làm cầu, đường bị chính quyền địa phương ngăn cản: Luật sư, luật gia nói gì? - Ảnh 3
Luật gia Đỗ Minh Chánh

Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới trong các trường hợp sau:Đối tượng bị xử phạt bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong các trường hợp sau: 1) Quá thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành, trường hợp người có thẩm quyền xử phạt quyết định cho phép nộp tiền phạt nhiều lần nhưng quá thời hạn nộp tiền của lần cuối cùng mà đối tượng bị xử phạt không chấp hành, 2) Quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (Khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).

1) Cấp dưới không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế,

2) Cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế,

3) Việc thi hành quyết định xử phạt liên quan đến nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hoặc cá nhân bị cưỡng chế là những người có chức sắc tôn giáo, có uy tín trong xã hội, cấp trên xét thấy cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế (quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

Đối với trường hợp tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên đất thì người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.  (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT).

Như vậy, đã đủ cơ sở chứng minh việc tổ chức cưỡng chế hành chính không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thới Nhì và việc cưỡng chế cũng không phải nhằm mục đích khôi phục lại hiện trạng ban đầu theo hiện trạng thực tế như trước khi người dân tự rải đá chống sụt lún (Bản đồ hiện trạng vị trí đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn kiểm tra quy hoạch ngày 30 tháng 9 năm 2015).

Nếu cho rằng người dân vi phạm trong lĩnh vực đất đai thì việc tổ chức cưỡng chế bằng cách đào một đường hào sâu giữa đường đi hiện hữu gây khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn những hiểm họa về tai nạn giao thông trong mùa mưa, nhất là phụ nữ và trẻ em, thì tôi cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận từ hành vi của những người lãnh đạo, cán bộ ở địa phương.

Thời điểm này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, mà trực tiếp là Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị, hành động này đi ngược mục tiêu đổi mới hiện nay của Bộ Chính trị là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từ việc “bồi đắp thường xuyên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân” là điều rất đáng lên án. Cần lắm việc các cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh sớm chủ động kịp thời vào cuộc để tránh rơi vào thế bị động, thiếu sót và sai lầm.

Muôn vàn nghịch lý trong quyết định xử phạt

Đó là ý kiến của Luật sư Khánh Thành (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh). Theo luật sư thì TP. Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa hàng năm. Cứ vào độ này "bài toán" về những con đường trở nên ngập úng, lầy lội lại được đặt ra cho người dân và các cấp chính quyền địa phương. Tại huyện Hóc Môn, con đường Tân Thới Nhì 16 nối dài trên địa bàn xã Tân Thới Nhì cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Con đường đất này tồn tại nhiều năm nay, ngày một xuống cấp và cứ mỗi độ mưa về là trở nên lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của các hộ dân sinh sống tại đây. Xuất phát từ thực tế trên và mong muốn có một con đường sạch sẽ, thuận tiện cho việc lưu thông, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa đã tài trợ 158 triệu đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp con đường đất và được các hộ dân sinh sống tại khu vực này ủng hộ.

Tuy nhiên, ngày 16/6/2017 UBND xã Tân Thới Nhì lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì đã có hành vi "san lấp mương trái quy định" theo điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định 121/2013 đối với ông Dũng (chồng bà Hoa). Điều này chưa đựng muôn vàn nghịch lý! Khái niệm mương và đường có sự khác biệt nhau rõ rệt. Ấy thế mà, trong khi người dân tại khu vực này khẳng định đây là đường đi thì cán bộ xã lại cho rằng đây là con mương dẫn nước, dẫn đến hành vi của vợ chồng chị Hoa là vi phạm pháp luật.

Nghịch lý còn thể hiện trong thái độ của người dân và cấp chính quyền. Trước sự xuất hiện con đường mới thì người dân có thái độ hết sức vui mừng, ủng hộ vì việc đi lại trở nên thoải mái hơn, trong khi đó, cán bộ xã lại cho rằng đây là hành vi cần phải bị xử phạt!.

Cần nói thêm một tình tiết mới trong vụ việc này, vào ngày 15/5/2017, khi mọi việc san lấp hoàn tất, thì đại diện chính quyền địa phương xuống lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng không có ai tại hiện trường ngoài chiếc xe lu san ủi đất, đích thân ông Trần Minh Chiến - Chủ tịch xã Tân Thới Nhì đã tự mình lái chiếc xe lu về trụ sở UBND phường Tân Thới Nhì. Việc tạm giữ chiếc xe lu này là căn cứ điều mấy của Luật Xử lý vi phạm hành chính đồng thời quy trình tạm giữ của ông Chiến đã đúng chưa? Việc áp dụng luật với những vụ việc này cần phải khách quan và chính xác, tránh trường hợp gây bức xúc trong dư luận ảnh hưởng đến niềm tin của dân vào chính quyền địa phương.

Theo đó, cán bộ xã Tân Thới Nhì nên cân nhắc kỹ lưỡng đối với công tác xử phạt hành chính đối với hành vi của bà Hoa để có cái nhìn hợp tình hợp lý, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân. Thêm nữa, công tác xây dựng "nông thôn mới" đã và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, thiết nghĩ việc làm đường này của bà Hoa cũng góp phần làm bộ mặt nông thôn trở nên văn minh, hiện đại cần được phát huy và nhân rộng nhất là đối với một thành phố năng động bậc nhất cả nước như thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm PVĐT KDPL

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục