Phòng khám đa khoa Bình Minh (Hà Đông): Không khám vẫn cấp giấy chứng nhận sức khỏe

(Kinhdoanhnet)- Không phải vất vả chạy các phòng để khám tai mắt, nghe tim phổi, đo huyết áp, hay xét nghiệm, chụp chiếu, chỉ cần bỏ ra từ 50.000 – 100.000 đồng và trả lời dăm ba câu hỏi của bác sĩ là có ngay một giấy chứ ng nhận sức khỏe. Đó là thực trạng đang diễn ra tại phòng khám đa khoa Bình Minh 36 (156 – 158 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội)

Theo quy định của Nhà nước, trong hồ sơ đi học, đi làm, xuất khẩu lao động, thi bằng lái xe ô tô – xe máy… phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Và việc để có một tờ giấy chứng nhận đủ sức khỏe hiện không hề khó khăn, thậm chí quá ư “thuận tiện”.

Trong vai một người cần giấy khám sức khỏe để hoàn tất thủ tục hồ sơ công việc của mình, phóng viên (PV) Báo Kinh doanh & Pháp luật đã đến phòng khám đa khoa Bình Minh 36 (156 – 158 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) để đăng ký kiểm tra sức khỏe. Tại đây, PV được nhân viên phòng khám hướng dẫn ra cửa hàng tạp hóa cạnh đó để mua một bộ hồ sơ xin việc. Sau khi mua xong hồ sơ, PV quay lại, đóng lệ phí khám 50.000 đồng và được hướng dẫn vào phòng ngồi đợi bác sĩ. 

Sau khi hỏi người đến khám dăm ba câu về chiều cao, cân nặng, mắt có bị cận hay không… các mục cần khám tiếp theo trong giấy chứng nhận như kiểm tra bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp, huyết áp… đều được bác sĩ đánh giá luôn là “bình thường” mà không phải kiểm tra thực tế.

Không chỉ có phòng khám đa khoa Bình Minh 36, mà tại một số phòng khám khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, cách khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe khá giống nhau về quy trình. Sau khi nộp lệ phí khám, người khám để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe chỉ cần qua bàn của một bác sĩ đa khoa để kiểm tra. Điểm khác nhau trong quy trình này, có chăng là lệ phí, cách thu tiền. Chỗ 50.000 đồng/người/lần hoặc 100.000 – 120.000 đồng/người/lần, có phiếu thu hoặc không có phiếu thu.

Phòng khám đa khoa Bình Minh (Hà Đông): Không khám vẫn cấp giấy chứng nhận sức khỏe - Ảnh 1

Giấy chứng nhận sức khỏe được PKĐK  Bình Minh Hà Đông cấp mà không cần khám


Với quy trình khám bệnh “siêu tốc”, thủ tục khám “đơn giản”, nhóm PV đã có được giấy xác nhận, đóng dấu “đủ sức khỏe học tập và công tác” hay “đủ sức khỏe lái xe” chưa đầy 10 phút. Phải chăng, để tránh “rườm rà” các cơ quan chức năng, sở, bộ y tế đã cơ cấu lại quy trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh về “một cửa” – một bác sĩ để dân đi cho tiện? Thậm chí, chỉ cần dăm ba câu trao đổi để rút ngắn thời gian, thủ tục.

Theo thông tư 14/ 2013 của Bộ y tế quy định  về: ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐƯỢC PHÉP THỰC HIỆN KHÁM SỨC KHỎE nêu rõ:

 

Điều 5. Thủ tục khám sức khỏe

1. Hồ sơ khám sức khỏe nộp tại cơ sở KSK.

2. Sau khi nhận được hồ sơ KSK, cơ sở KSK thực hiện các công việc:

a) Đối chiếu ảnh trong hồ sơ KSK với người đến KSK;

b) Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định tại Điểm a Khoản này đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

c) Kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người được KSK đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

d) Hướng dẫn quy trình KSK cho người được KSK, người giám hộ của người được KSK (nếu có);

đ) Cơ sở KSK thực hiện việc KSK theo quy trình.

 

 

Phan Hưng


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục