Sông Hồng số 36 “kêu nghèo kể khổ” vì kinh doanh bết bát và đang chờ phá sản?

(Kinhdoanhnet)- Một cán bộ chủ chốt của Công ty CP Sông Hồng số 36 (Sông Hồng 36) kiện đơn vị này ra toà. Và hé lộ đằng sau nó là cả “bức tranh u tối” về tương lai của Sông Hồng 36(Tổng Công ty CP Sông Hồng) trước những yếu kém kinh doanh trong thực tại.

Sự việc bắt đầu khi ông Lê Viết Cường, Trợ lý Tổng Giám đốc của Công ty CP Sông Hồng số 36 (địa chỉ tại 70 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, trực thuộc Tổng Công ty CP Sông Hồng – Bộ Xây dựng) đâm đơn khởi kiện công ty này ra TAND quận Tây Hồ vào tháng 8/2014.

Trong đơn kiện, ông Cường cho rằng từ tháng 11/2011 đến nay, Công ty CP Sông Hồng số 36 không chịu thanh toán tiền lương, đồng thời không đóng bảo hiểm xã hội cho ông tại Bảo hiểm quận Tây Hồ. Không chỉ như thế, khi ông Cường xin chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị này không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho ông. Được biết, số tiền ông Cường yêu cầu Sông Hồng 36 phải thanh toán lên tới hơn 300 triệu đồng.

Sông Hồng số 36 “kêu nghèo kể khổ” vì kinh doanh bết bát và đang chờ phá sản? - Ảnh 1

    Danh sách tạm ứng lương cho lãnh đạo Sông Hồng 36 tháng 12/2013 với số tiền “còm cõi”

Ông Cường cho biết, mình bắt đầu về làm việc cho Sông Hồng 36 từ thời điểm 6/1/2011. “Trong quá trình công tác, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và lần lượt trải qua các vị trí như Chuyên viên phòng đầu tư, Kế toán trưởng, Trợ lý Tổng giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh số 36.1. Việc Sông Hồng 36 luôn bố trí thay đổi công việc, nhưng không trả lương từ tháng 11/2011, không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi tại Bảo hiểm quận Tây Hồ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi vì tôi không có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh”, ông Cường bức xúc.

Liên quan đến việc khởi kiện của ông Lê Viết Cường, trao đổi với PV báo điện tử Kinh doanh & Pháp luật, ông Tạ Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Hồng số 36 cho rằng, khiếu nại của ông Cường là hoàn toàn vô lý: “Từ năm 2013 đến nay, ông Cường đi làm không thường xuyên, có tháng chỉ đi làm 1, 2 ngày rồi lại chạy đi làm bên ngoài. Vì không đi làm đầy đủ 23 ngày trở lên nên không thể hưởng 100% lương mà tính theo cách chấm công. Trong thời gian từ năm 2013 đến nay, công ty có nợ lương ông Cường, nhưng chỉ hơn 10 triệu thôi chứ không thể nhiều như ông Cường phản ánh. Còn từ năm 2011 đến 2013, thời điểm ông Cường làm Kế toán trưởng thì tôi không nắm được do lúc đó tôi chưa về đây”, ông Tuấn Anh lý giải.

Sông Hồng số 36 “kêu nghèo kể khổ” vì kinh doanh bết bát và đang chờ phá sản? - Ảnh 2

   Trụ sở Tổng Công ty CP Sông Hồng tại số 70 An Dương, Tây Hồ

Cũng theo ông Tuấn Anh: “Về vấn đề bảo hiểm của ông Cường, toàn bộ hồ sơ bảo hiểm của ông ấy đều vẫn còn nằm bên Công ty Coma 18 (đơn vị ông Cường làm việc trước khi chuyển sang Công ty CP Sông Hồng số 36 – PV) và họ không cho rút. Chính vì vậy, cho dù có muốn làm sổ bảo hiểm cho ông Cường tại Sông Hồng 36 thì chúng tôi cũng không thể làm được. Hơn nữa, chuyện ông Cường cho rằng công ty không ký quyết định cho ông nghỉ việc là không đúng. Trước đơn xin chấm dứt hợp đồng của ông Cường, ngày 30/5, ông Nguyễn Duy Tới- Tổng Giám đốc Sông Hồng 36 đã ký Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Cường, có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2014”.

Khi được hỏi về hướng xử lý vụ việc của ông Cường, ông Tuấn Anh cho biết: “Do đã chấm dứt hợp đồng lao động, nên giờ chúng tôi sẽ mời ông Cường lên công ty làm việc để kết toán các khoản nợ. Khi nào đến đây làm việc với tài chính kế toán, có bảng công nợ rõ ràng, và có chữ ký của công ty thì ông Cường mới có cơ sở pháp lý để kiện chúng tôi”.

Việc kiện cáo, đúng sai còn phải chờ các cơ quan luật pháp vào cuộc làm rõ, nhưng vụ việc của ông Lê Viết Cường đã hé lộ tình trạng làm ăn bết bát của Công ty CP Sông Hồng số 36, thậm chí đã đến mức “sơn cùng thuỷ tận”, chỉ còn chờ ngày phá sản!

Như để minh chứng cho điều đó, trong suốt buổi làm việc với PV báo điện tử Kinh doanh & Pháp luật, ông Tuấn Anh liên tục “kêu nghèo kể khổ”, nghèo đến cái mức mà một Chủ tịch HĐQT như ông còn phải “bỏ tiền túi ra đóng tiền điện cho công ty nếu không Tổng Công ty sẽ cắt điện”!

Sông Hồng số 36 “kêu nghèo kể khổ” vì kinh doanh bết bát và đang chờ phá sản? - Ảnh 3
Ông Tạ Tuấn Anh- Chủ tịch HĐQT Sông Hồng 36  và bà Nguyễn Thu Nguyệt- Phó Chánh văn phòng Tổng Công ty CP Sông Hồng trong buổi làm việc với PV

Vị Chủ tịch than thở: “Hai năm nay, do hoàn cảnh kinh tế công ty cực kỳ khó khăn, nên chúng tôi chỉ đóng cho Bảo hiểm Tây Hồ 50 triệu, còn vẫn nợ bảo hiểm 800 triệu đồng. Kể cả cá nhân tôi cũng chưa có thẻ bảo hiểm. Thời gian vài năm qua, chúng tôi không nhận được hợp đồng, phải làm nhà thầu B “phụ”. Tất cả các anh em công nhân đều chịu chung cảnh làm việc không lương, chỉ nhận tạm ứng hàng tháng nếu công ty có khả năng chi trả. Tổng giám đốc và tôi cũng chỉ nhận tạm ứng 1 triệu đồng, có người được 500 nghìn/tháng. Năm ngoái, chúng tôi còn nợ anh em 3 tháng lương, còn năm nay, từ tháng 3 tới giờ chúng tôi vẫn còn nợ lương cán bộ nhân viên”.

Và cũng để chứng minh rằng Sông Hồng 36 không sai, ông Tuấn Anh cho rằng: “Công ty đã họp toàn bộ công nhân viên và thông báo rằng do thời điểm khó khăn nên đồng chí nào muốn chuyển đi làm chỗ khác thì tôi sẽ ký cho chuyển, còn ai ở lại với công ty thì chúng tôi tạm ứng, chờ khi nào có nguồn sẽ chi trả đầy đủ. Tất cả đều là tự nguyện, tôi không ép ai cả. Ngay cả 2 Phó Giám đốc, 1 trưởng phòng của Sông Hồng 36 đều xin tạm nghỉ không lương để đi làm ngoài.

Công ty tôi không chỉ bị mỗi ông Cường kiện ra toà, mà giờ tôi còn giữ 3-4 bản án đây này. Thứ nhất là thuế, thứ hai là các con nợ kiện chúng tôi. Giờ tôi chỉ còn cách ngồi chờ đến lúc nó phá sản thôi”!

Báo điện tử Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục