Thái Bình: Không cấp sổ đỏ cho thương binh Đoàn Hữu Uẩn - Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy nói gì?

(KDPL) - Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, nhiều người nghĩ rằng: Hàng chục năm qua thương binh nặng Đoàn Hữu Uẩn ở xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy (Thái Bình) long đong, vất vả đi xin cấp sổ đỏ, thì chắc lần này sẽ được giải quyết. Vì đây cũng là dịp không những để Chính quyền sửa được sai sót, mà còn có một việc làm tình nghĩa, tri ân với người đã công đóng góp một phần máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước… Nhưng sự thật không phải như thế!

Những người có trách nhiệm được Đảng tin, dân bầu lại không hề động lòng trước nỗi đau và sự mong đợi từng ngày của thương binh Đoàn Hữu Uẩn. Đã gián tiếp đẩy gia đình thương binh Đoàn Hữu Uẩn đến những khó khăn, bế tắc ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của người vợ có thể tính bằng ngày, đang mắc bệnh hiểm nghèo không chạy đâu ra tiền để chữa trị. Cho dù, vụ việc đã được Thanh tra kết luận từ năm 2004, nhưng vẫn không được thi hành, không được xử lý sau Thanh tra, mà cứ kéo dài đến tận hôm nay. Có lẽ quãng thời gian đó vẫn “chưa đủ” để cấp ủy, Chính quyền huyện Thái Thụy “thấu hiểu” và giải quyết dứt điểm chăng?

Thái Bình: Không cấp sổ đỏ cho thương binh Đoàn Hữu Uẩn - Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy nói gì? - Ảnh 1
Trụ sở HĐND - UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Chia sẻ với những khó khăn và bức xúc của thương binh Đoàn Hữu Uẩn, những người làm báo chúng tôi đã về huyện Thái Thụy không dưới 10 lần. Nhưng để làm việc được với Chủ tịch UBND huyện, thì thật không dễ. Nhiều lần PV đăng ký trực tiếp với VP HĐND - UBND (kể cả gọi điện) cũng khó được gặp vì Chủ tịch rất bận. Gần đây nhất ngày 17/7/2017, khi về huyện gặp ông Nguyễn Quang Vinh - Phó VP HĐND - UBND chúng tôi đề nghị: Nếu sáng nay Chủ tịch bận, thì bố trí cho chúng tôi làm việc vào buổi chiều. Khi chúng tôi đang làm việc với Công an huyện thì ông Vinh điện báo trưa nay Chủ tịch bận tiếp khách. Qua điện thoại chúng tôi đề nghị ông Vinh nói với Chủ tịch cho gặp vào buổi chiều, có gì thông tin lại. Đến hơn 15giờ, vẫn không thấy ông Vinh điện, chúng tôi buộc phải “mạn phép” vào thẳng phòng Chủ tịch, với mục đích làm rõ nguyên nhân: Vì sao huyện Thái Thụy không giải quyết cấp sổ đỏ cho ông Uẩn, trong khi đất đai của ông được cơ quan có thẩm quyền giao cấp hợp pháp từ năm 1990. 

Gặp gỡ và tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy - Phan Đình Dực cho biết: “Trong vụ việc này trách nhiệm trước hết thuộc về UBND xã Thái Thượng, huyện đã có văn bản chỉ đạo xã phải kiểm điểm và gặp gỡ trao đổi làm rõ các nội dung mà dân có ý kiến, quyền lợi các hộ gia đình và có biện pháp để tháo gỡ; báo cáo về Ủy ban huyện vào ngày 30/6. Nhưng đến giờ xã vẫn chưa báo cáo, huyện đã phê bình; nếu không khẩn trương giải quyết, tới đây chắc chắn sẽ chỉ đạo cho anh em xuống kiểm điểm. Trên cơ sở kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, thì mới có phương án xử lý các vấn đề sai phạm từ trước đến giờ. Nhưng nó vướng là các việc này từ thế hệ trước để lại, tất nhiên thế hệ nào để lại đi chăng nữa thì bây giờ ông đương nhiệm phải giải quyết chứ không thể không có trách nhiệm. Ông là Chủ tịch xã ông phải giải quyết tồn tại ở xã, tôi là Chủ tịch huyện tôi giải quyết những tồn tại ở huyện chứ không né tránh. Còn theo quy định đất đai đang có tranh chấp thì chưa cấp được giấy CNQSDĐ”.

"Xin thưa ông Dực! Thái Thụy không thể vin mãi vào lý do đất ông Uẩn đang có tranh chấp để không giải quyết. Là Chủ tịch huyện ông phải cho xác định rõ việc tranh chấp đó như thế nào, nguyên nhân xảy ra tranh chấp và tranh chấp đó có đúng không?" Thì ông Dực trả lời: "Muốn biết được việc tranh chấp đó có đúng hay không đúng, phải qua Thanh tra". Nghe Chủ tịch nói mà thấy lạ! Rõ ràng, Thanh tra huyện Thái Thụy đã 2 lần kết luận: "Chấm dứt việc tranh chấp đất; Việc sử dụng đất của bà Đinh Thị Huệ là không hợp pháp, chuyển nhượng đất của bà Hà chưa đảm bảo các quy định; Công nhận quyền sử dụng đất của ông Đoàn Hữu Uẩn có đủ hồ sơ quy định theo Quyết định giao cấp đất của UBND huyện năm 1990”. Lúc này, Chủ tịch Dực thừa nhận “Đúng là Thanh tra đã kết luận rồi, nhưng chưa có Quyết định giải quyết”- Vậy tại sao với trách nhiệm là Chủ tịch UBND, ông Dực lại không căn cứ vào các quy định của Pháp luật để chỉ đạo xem xét, rà soát lại Kết luận Thanh tra? Nếu Kết luận Thanh tra đúng thì ban hành Quyết định giải quyết tranh chấp; nếu không tin vào Kết luận Thanh tra thì đề nghị tỉnh tiến hành thanh tra lại, hoặc thấy vụ việc tranh chấp có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét giải quyết theo quy định Pháp luật, chứ không nên “Đánh trống, bỏ dùi”.

Tại kỳ họp HĐND huyện vừa qua khi đại biểu chất vấn việc này, Chủ tịch Phan Đình Dực đã trả lời: Việc này sai là ở địa phương, trước đây đã chia vùng này ra thành 11 lô rồi cấp đất cho người ta. Sau đó, rút ra chia lại thành 19 lô cấp cho người khác, nên có sự chồng chéo. Đất của ông Thức và bà Hà nhận chuyển nhượng trùng lên lô đất của ông Uẩn đang ở hiện nay, thì không thể nào cấp bìa đỏ được khi mà đang tranh chấp. Ông Thức và bà Hà, 2 người đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho địa phương. Bây giờ không có đất, trách nhiệm đó thuộc về xã Thái Thượng. Để giải quyết vấn đề này, xã Thái Thượng phải chịu trách nhiệm giải quyết đất cho ông Thức và bà Hà đã mua của ông Nghĩa. Bởi vì, người ta nộp tiền cho xã, xã không giải quyết nên ông Thức, bà Hà cứ có đơn đề nghị xem xét lô đất của ông Uẩn. Tôi đề nghị xã Thái Thượng tập trung cao vào việc này, trước đó UBND huyện đã yêu cầu các đ/c phải tiến hành kiểm điểm. Còn nếu không giải quyết được thì huyện sẽ thường xuyên nhắc nhở trên các hội nghị. Bây giờ, xã bảo đã giải quyết rồi nhưng không xong; Không xong phải giải quyết cho bằng xong thì thôi. Sai là sai ở mình, nên mình phải có trách nhiệm, không thể để nhùng nhằng mãi như thế này được. Như vậy nút gỡ đang ở đâu? Nút gỡ là ở cơ sở.

Có thể thấy! Qua nội dung trả lời đại biểu HĐND cũng như trao đổi với báo chí của Chủ tịch Phan Đình Dực, thì vụ việc không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Mặc dù, ông Dực biết rất rõ “Việc này sai là ở địa phương”, nhưng tại sao ông cứ để ông Uẩn - một đối tượng chính sách được giao cấp đất hợp pháp từ nhiều năm nay lại không có sổ đỏ, phải gánh chịu hậu quả từ những việc làm sai trái của Chính quyền. Trong khi đó, việc mua bán, chuyển nhượng đất của ông Thức, bà Huệ, bà Hà không minh bạch, không rõ ràng như Thanh tra đã kết luận, thì ông Dực lại “quyết liệt” Đề nghị xã Thái Thượng tập trung cao vào việc này, phải giải quyết cho bằng xong. Thực hiện sự chỉ đạo của ông Dực, xã Thái Thượng đã nhiều lần động viên, thuyết phục hai bà nhận 2 lô đất ở những vị trí tương đương cũng nằm trên mặt đường 39B, nhưng 2 bà không đồng ý, cứ đòi lấy đất của ông Uẩn. Cho nên, ông Uẩn mới cần đến Chính quyền và các cơ quan chức năng can thiệp giải quyết làm rõ. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này “Nút gỡ” không phải “là ở cơ sở” như ông Dực nói, mà nút gỡ chính là ở Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy. Bởi, thẩm quyền giải quyết là của UBND huyện chứ không phải là của UBND xã Thái Thượng, vì thế không thể đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho cơ sở được.

Thái Bình: Không cấp sổ đỏ cho thương binh Đoàn Hữu Uẩn - Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy nói gì? - Ảnh 2
Thương binh nặng Đoàn Hữu Uẩn.

Trả lời câu hỏi: Bao giờ ông Đoàn Hữu Uẩn được cấp sổ đỏ? Chủ tịch Phan Đình Dực cho biết: Việc này cũng không thể chậm trễ được vì thời gian đã quá dài rồi. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ trao đổi, Bác ấy là một đối tượng chính sách cần được quan tâm, tất nhiên quan tâm không có nghĩa là bỏ qua các quy định của Pháp luật, nên không thể ngày một, ngày hai giải quyết được. Nghe nói thì như thế! Nhưng vụ việc đâu phải bây giờ mới xảy ra, ông Uẩn đã được cấp đất 27 năm nay; Năm 2004, Thanh tra huyện Thái Thụy đã có Kết luận về xác minh giải quyết tranh chấp; Năm 2016, Thanh tra huyện tiếp tục có văn bản số 02/TTr-XKT khẳng định rõ việc tranh chấp, sử dụng và mua bán đất của bà Hà, bà Huệ “không hợp pháp, chưa đảm bảo các quy định”. Vậy tại sao vụ việc cứ để dây dưa hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ khác? 

Trong khi đó, ở huyện Thái Thụy lại có chuyện, hàng chục người dân xã Thụy Hải phản ánh: Bà Tạ Thị Hiện năm 2013, vay mượn tiền, vàng, đô la, sổ đỏ của nhiều người để làm nhà ở. Năm 2016, đến đòi thì thấy bà Hiện không có khả năng chi trả, có dấu hiệu bỏ trốn và ngấm ngầm trao đổi, mua bán nhà với ông Nguyễn Bá Tuấn ở số 81 Trung Kính, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Thì ngay lập tức, bà con đã làm đơn trình báo Chính quyền và các cơ quan chức năng từ xã đến huyện, tỉnh. Đồng thời, đề nghị ngăn chặn việc làm thủ tục chuyển nhượng, cấp sổ đỏ cho bà Hiện, ông Tuấn. Để chắc chắn hơn, ngày 15/01/2017 bà con lại gửi tiếp đơn nữa tới Văn phòng ĐKĐĐ Thái Thụy và trực tiếp gặp Giám đốc Nguyễn Đức Dương đề nghị. Nhưng thật trớ trêu, ngày 14/2/2017, ông Dương vẫn tiếp nhận hồ sơ và chỉ trong 3 ngày, đến ngày 17/02/2017 bà Hiện và ông Tuấn đã chuyển nhượng xong, ông Tuấn  đã có sổ đỏ ngôi nhà của bà Hiện. 

Chỉ so sánh 2 việc xin cấp sổ đỏ của thương binh Đoàn Hữu Uẩn với việc giải quyết “thần tốc” cho bà Hiện, ông Tuấn thì thử hỏi người dân biết tin cậy vào đâu? Và không chua xót, đau đớn làm sao được “Khi giải quyết phải tuân thủ theo quy định của Pháp luật” mà Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy đã nói. Hơn nữa, các vụ việc này không chỉ huyện Thái Thụy biết mà Tỉnh ủy, HĐND - UBND và các ban ngành của tỉnh Thái Bình đều biết. Nhưng tại sao vẫn im lặng, vẫn để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài; Vẫn để trường hợp thương binh nặng Đoàn Hữu Uẩn 27 năm có đất, không được cấp sổ đỏ? Câu trả lời xin nhường lại cho tỉnh Thái Bình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tiến Văn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục