Thái Hòa - Nghệ An: Việc giải phóng mặt bằng có thực sự minh bạch?

(KDPL) - Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) có lập hồ sơ, kê khai đất và kiểm đếm hoa màu của những hộ dân trong diện bị GPMB một cách minh bạch, công khai hay không? Các hộ này có được biết việc kê khai kiểm đếm chưa? Phương án bồi thường hoa màu, mức giá đền bù có được họp dân, thông báo chi tiết hay không? Những thông tin về dự án và thông báo về sự việc được thông tin công khai ở đâu? Và nếu tất cả những câu hỏi trên đều minh bạch thì sao giờ vẫn còn có đơn khiếu nại? Hàng loạt những câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi cần phải tìm ra sự thật.

Như các bạn đã biết, báo Kinh doanh và Pháp luật đã đăng bài “Cần làm rõ khuất tất xung quanh việc giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 48” và tiếp 2 số phản hồi thông tin nêu rõ cụ thể những văn bản và những điểm chưa rõ ràng của cán bộ UBND thị xã Thái Hòa trong công tác kê khai, kiểm đếm, đo đạc và đền bù trên QL 48 thuộc gói thầu B3- 40, Dự án Tín dụng ngành Giao thông vận tải (GTVT) để cải tạo mạng lưới đường Quốc gia lần thứ 2.

Thái Hòa - Nghệ An: Việc giải phóng mặt bằng có thực sự minh bạch? - Ảnh 1
Ông Mai Viết Hùng - Phó chủ tịch xã Đông Hiếu làm việc với phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật

Ngày 24/4 chúng tôi đã có buổi làm việc UBND xã Đông Hiếu, tiếp phóng viên chúng tôi là ông Mai Viết Hùng - UVBCH Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã. Trao đổi về nội dung mà ông đã phát biểu trên báo địa phương ngày 30/3 nội dung “Khẳng định quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án nâng cấp, cải tạo cầu Làng Mẹ là đầy đủ, công khai minh bạch; UBND xã Đông Hiếu và Ban cán sự xóm Đông Hiếu hiện lưu trữ đầy đủ tài liệu...”

Chúng tôi xin phép được UBND xã cung cấp những tài liệu lưu trữ đó để báo chí có tư liệu tuyên truyền phổ biến cho nhân dân hiểu đúng, đảm bảo tính minh bạch thì được ông trả lời là hiện tại không có? Nhưng ông Hùng vẫn khẳng định việc kiểm đếm là có biên bản và việc đo đạc, kiểm đếm có địa chính xã tham gia và hẹn chúng tối đến ngày 27/4 sẽ cung cấp. Vậy lời phát biểu với báo chí trên có thực sự đủ tư liệu hay không? 

Cũng trong buổi làm việc này, ông Đinh Văn Ty - Cán bộ địa chính xã cho biết thêm quy trình của Ban GPMB là “kiểm đếm của Ban GPMB chỉ có viết sổ tay, hồ sơ gia đình kê khai là phải có và việc hồ sơ là do bên Ban GPMB, còn những thông tin được dán tại xóm và xã...” khi phóng viên xin được xem hồ sơ mà công bố tại xã thì được ông Ty rất cởi mở đồng ý và mở tủ lấy một cặp giấy đựng hồ sơ, sau một lúc mở các văn bản ra đọc chỉ thấy một tờ giấy mời, lúc này vị địa chính mới nói: “Tôi là địa chính chủ yếu nhận giấy mời và công văn, còn hồ sơ thì trên thị xã và tổ GPMB chứ địa chính xã không có hồ sơ lưu, tôi đã ý kiến nhiều lần vẫn chưa có...” . Phóng viên đã hỏi lại không có hồ sơ lưu thì làm sao UBND xã có hồ sơ để dán bảng công khai được thì vị này địa chính im lặng (?!).

Trước đó, cơ quan Báo Kinh doanh và Pháp luật đã nhận được đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của hộ gia đình ông Phạm Xuân Thành và Nguyễn Thị Thơ với nội dung gia đình ông bà ở ổn định từ năm 1990 đến nay và bụi tre được gia đình trồng đã bị ông Phạm Văn Thạch trực tiếp chỉ đạo cho máy xúc phá hết bụi tre hất xuống suối, vậy ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa đã áp dụng mốc hành lang giao thông thời điểm năm nào để khẳng định tài sản trên đất trong phạm vi hành lang giao thông mà không có mặt gia đình ông bà cùng kiểm đếm, đo đạc để đền bù tuy rằng trước đó gia đình đã làm đơn kiến nghị 2 lần nhưng không thực hiện (Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự tham gia của một đơn vị tại Tp Vinh đang nhận thi công Cầu Làng Mẹ và cầu Khe Son có máy xúc để phá dỡ bụi tre theo chỉ đạo trực tiếp của ông Phạm Văn Thạch cùng một số nội dung có liên quan đến gói thầu dự án). 

Ngoài ra báo cũng đã được nhận một số đơn phản ánh về việc chưa rõ ràng trong đo đạc, kiểm đếm và tiền đền bù GPMB trong việc thu hồi đất phục vụ mở đường tại xã Nghĩa Thuận như hộ ông Hoàng Văn Cần thửa đất số 380 và 429 bản đồ 29 gia đình tự khai hoang và sử dụng sản xuất từ năm 1983; ông Nguyễn Văn Lạc - xóm 5B có thửa đất số 856 bản đồ 29 nguồn gốc đất khai hoang và sử dụng vào mục đích nông nghiệp năm 1982; hộ Lê Đăng Thuận xóm 7A có thửa đất số 335 bản đồ số 29 nguồn gốc do gia đình khai hoang và làm nhà ở, sản xuất từ năm 1987 đến năm 1995 gia đình được UBND huyện Nghĩa Đàn cấp GCNQSD đất; còn tại xã Đông Hiếu như hộ ông Đỗ Văn Chung có thửa đất số 40 bản đồ số 65 đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất năm 1997, hiện nay ông Chung đang làm Xóm trưởng và tiếp tục khẳng định với phóng viên chiều ngày 25/4 là: “Các hộ nơi đây chưa có nhà nào làm giấy kê khai kiểm đếm, đo đạc để đền bù, còn ai nói xóm đã dán công khai tại địa phương là không đúng sự thật, bản thân tôi là cán sự xóm còn không có hồ sơ thì lấy đâu ra dán công khai, chính tôi cũng làm đơn kiến nghị mấy lần trực tiếp đưa đơn tại các buổi họp nhưng ông Phạm Văn Thạch không nhận đơn,vừa rồi tôi đã viết đơn khiếu nại đến tờ báo địa phương đã viết sai sự thật và bịa đặt lời nói của tôi nhưng chưa có thông tin phản hồi, hiện tại tôi đã gửi tiếp đơn khiếu nại đến các cấp về việc đo đạc, kiểm đếm và tiền đền bù mặt bằng...”.

Chiều ngày 24/4/2017, phóng viên đã đăng ký lịch làm việc với UBND thị xã Thái Hòa về nội dung quy trình kiểm đếm cùng công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu vực cầu Làng Mẹ (km 24+477) trên QL 48 tại xã Đông Hiếu và xã Nghĩa Thuận (Thị xã Thái Hòa - tỉnh Nghệ An). “Làm rõ thêm Công văn số 209/UBND-GPMB ngày 27/3/2017 của ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa đã phản hồi tới báo cùng một số cơ quan ban ngành không đúng với tài liệu mà nhóm phóng viên của báo đang có. Ngoài ra đề nghị được cung cấp tài liệu có đóng dấu bản sao liên quan đến quy trình kiểm đếm cùng công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại buổi làm việc”. Nhưng mãi đến hơn 18h phóng viên mới được Văn phòng thông báo sẽ làm việc ngoài 15h ngày 25/4, tuy nhiên đến đúng 15h ngày hôm sau, chúng tôi đã có mặt tại UBND thị xã Thái Hòa để làm việc theo lịch hẹn, sau khi liên lạc với Văn phòng thì được thông báo là hoãn đến ngoài lễ 30/4 và 1/5??? 

Với những chặng đường từ Hà Nội về Tp Vinh công tác và để tìm hiểu thông tin chúng tôi lại từ Tp Vinh đi lên thị xã Thái Hòa trên 80km và nhiều ngày đi lại để phối hợp với chính quyền địa phương làm rõ những nội dung nhân dân khiếu nại. Nhưng tiếc thay chính chính quyền địa phương lại không thiện chí làm việc với báo chí như quy định của pháp luật khiến chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng đây là cách làm việc để cố tình gây khó khăn với cơ quan báo chí khi tiếp cận thông tin mà ông Phạm Văn Thạch đã nói và trả lời trong công văn tới tòa soạn là những việc đã làm đó là đúng trình tự, minh bạch và công khai???!. 

Thái Hòa - Nghệ An: Việc giải phóng mặt bằng có thực sự minh bạch? - Ảnh 2
Công văn của UBND tỉnh Nghệ An gửi Chủ tịch UBND TX Thái Hòa giải quyết và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 15.5.2017 

Trước đó tại buổi làm việc với phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 28/3/2017, tại UBND thị xã Thái Hòa có ông Hoàng Nghĩa Thái - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Trung Dũng - chuyên viên quản lý giải phóng mặt bằng; ông Phạm Tiến Dũng - chuyên viên phòng TN&MT; ông Trần Thanh Hải - Ban QLDA GPMB và tại phòng làm việc của ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND phóng viên đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan đến việc đo đạc, kiểm đếm và đền bù tại cầu Làng Mẹ trên QL 48, tuy nhiên về phía UBND thị xã Thái Hòa vẫn không cung cấp những hồ sơ liên quan theo đề nghị của phóng viên và chưa chứng minh được những thắc mắc trong công tác đo đạc, đền bù của 15 hộ dân tại khu vực cầu Làng Mẹ (km 24+477) trên QL 48.

Ngày 27/4, nhóm phóng viên chúng tôi lại tiếp tục hành trình từ Tp Vinh với chặng đường gần 80km để có mặt tại UBND xã Đông Hiếu theo lịch hẹn của ông Mai Viết Hùng để mong có được tài liệu trong công tác GPMB, nhưng tại đây chúng tôi lại chỉ nhận được Quyết định số 2583/QĐ - UBND ngày 21/12/2016 của UBND thị xã Thái Hòa “Về việc phê duyệt phương án chi tiết bồi thường....” và Bảng 01 “Nguồn gốc và quá trình sử dụng đất”, Bảng 02 “Tổng hợp khối lượng tài sản của các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng...” , Bảng 03 “Tổng hợp giá...”, Bảng 04 “Tổng hợp kinh phí...”, còn tài liệu liên quan đến GPMB như những tờ kê khai, kiểm đếm của các hộ dân không hề có như lời hứa của Phó Chủ tịch xã, khi phóng viên hỏi trong bài báo địa phương ông có nói “phóng viên viết bài đã không làm việc với xã để nắm thông tin đầy đủ mà phản ánh một chiều nên nội dung hoàn toàn sai lệch” vậy thực tế chúng tôi phản ánh cần làm rõ sự khuất tất theo tài liệu chúng tôi có ví dụ một mục nhỏ của một hộ gia đình là sổ ghi chép có 100 cây tre các loại nhưng trong bảng 02 khối lượng tài sản lại là 150 cây tre, hoặc có hộ Sân nền láng vữa xi măng trong sổ ghi chép là 6,8 x 6 nhưng tại bảng 02 được kê lên thành 8,6 x 6... đã được xã Đông Hiếu ký xác nhận có cán bộ địa chính Đinh Văn Ty và bà Nguyễn Thị Lộc chủ tịch UBND xã, phía chính quyền thị xã có Văn phòng đăng ký QSDĐ giám đốc Nguyễn Đức Vân, phòng Tài chính - Kế hoạch có đồng chí Trần Văn Hảo, phòng Quản lý đô thị có đồng chí Lưu Hồng Đức, phòng TN & MT có đồng chí Hoàng Nghĩa Thái, phụ trách GPMB có đồng chí Lê Trung Dũng và Trần Thanh Hải, Hội đồng BTHTĐCGPMB có ông Phó Chủ tịch UBND Phạm Văn Thạch đã được ký nâng khống số lượng đền bù, khi phóng viên nêu ra ví dụ cụ thể trên cùng văn bản đối chiếu xem thực tế thì ông Mai Viết Hùng đẩy sang đó là do bên Ban GPMB và giới thiệu phóng viên đến làm việc với anh Hải trên thị xã chứ ông không biết gì???. Vậy việc kê khai kiểm đếm kê khống thêm như vậy ai sẽ chịu trách nhiệm? Thì chỉ nhận được sự im lặng và đẩy trách nhiệm cho thị xã là nơi quản lý và nói phóng viên lên đó làm việc!

Trong công tác GPMB tại thị xã Thái Hòa có những nội dung chưa phù hợp với thực tế và với quy định của pháp luật khiến nhân dân gửi đơn đến tòa soạn phản ánh và báo chí đã vào cuộc tìm hiểu để thông tin tới bạn đọc, khi đăng bài thì đều có căn cứ và cơ sở với những tài liệu đã được kiểm chứng, nhưng phía ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa lại phản hồi công văn tới các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và cơ quan báo chí với một công văn hoàn toàn không đúng sự thật, ngoài ra còn cung cấp những nội dung trái chiều với thực tế cho một số cơ quan báo chí khác khiến dư luận và những hộ dân trong diện có đất bị thu hồi bức xúc. Sáng qua, khi chúng tôi về địa phương, một số người dân đã cho chúng tôi biết là họ sẽ đồng hành cùng chúng tôi để vạch mặt những kẻ đã bôi nhọ danh dự phóng viên khi viết lên sự thật. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và thông tin tới bạn đọc.

Thái Quảng và nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục