Thị trấn Na Dương (Lộc Bình, Lạng Sơn): Cần thẩm định lại phương án đền bù cho hộ gia đình ông Trần Văn Thắng

(Kinhdoanhnet) - Ông Trần Văn Thắng, trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn có đơn gửi báo Kinh doanh và Pháp luật phản ánh về việc đất của gia đình ông khai phá trồng cây từ năm 1983, với diện tích khoảng trên 985m2 . Năm 2003 dự án mở rộng Trường THPT Na Dương, Ban GPMB huyện Lộc bình lấy đến phần đất này nhưng không đền bù về đất, cũng tại thời điểm đó một số hộ dân sống liền kề đều trú tại khu 9, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn lấn chiếm phần đất đó của gia đình ông.

Trao đổi với PV, ông Thắng cho biết:  Từ năm 1982 tôi công tác tại trường cấp 2 Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Do điều kiện khó khăn thời bao cấp,  gia đình tôi làm trong ngành giáo dục, đông con, cuộc sống có nhiều khó khăn  nên gia đình tôi phải tăng gia sản xuất (trồng, cấy cây hàng năm) để nuôi sống gia đình và duy trì công tác dạy học. Trường cấp 3 Na Dương, huyện Lộc Bình (Trường THPT) được thành lập và san ủi từ năm 1981, đã có hàng rào sắt xung quanh trường, bên ngoài  có một tà luy chạy xung quanh Trường trải  dải xuống sát mép ruộng để trống.  Khoảng năm 1983 gia đình tôi và cùng với gia đình ông Nguyễn Trung Quế, Vi Văn Hồng cùng với một số cán bộ, giáo viên, công nhân trong Mỏ than Na Dương đã khai phá diện tích đất tà luy  ngoài hàng rào sắt của trường , sau đó tôi cùng các hộ đó đã chia từng phần theo diện tích khai phá của từng hộ để trồng cây hàng năm nhằm phục vụ gia đình, toàn bộ các diện tích của các hộ khai phá đã được đo vẽ trong bản đồ giải thửa. Trong thời gian tôi cùng các hộ gia đình khai phá, canh tác diện tích đất mà tôi nêu trên mà không hề bị bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào lập biên bản, tranh chấp.

Thị trấn Na Dương (Lộc Bình, Lạng Sơn): Cần thẩm định lại phương án đền bù cho hộ gia đình ông Trần Văn Thắng - Ảnh 1
Phần đất gia đình ông Thắng khai phá từ năm 1983

Năm 1994 do bận công việc giảng dạy nên gia đình tôi và ông Quế không có thời gian để trồng trọt mà chuyển sang trồng cây bạch đàn để giữ đất. Từ đó cây trồng vẫn xanh tốt cũng như diện tích đất của các hộ gia đình vẫn giữ nguyên hiện trạng của từng hộ.

Năm 2000  bản đồ giải thửa khu đất của tôi đã được đo vẽ lại, nhưng quá trình đo vẽ lại bản đồ mới gia đình tôi và các gia đình có đất khai phá không hề được Trưởng khu 9 thông báo đến nhận phần đất của mình từ bản đồ cũ sang bản đồ mới (Trưởng khu 9 lúc đó là ông Viễn, hiện vẫn còn sống )

Đến năm 2003,  Ban GPMB của huyện  đã có thông  báo cho gia đình ông Thắng  biết "gia đình ông chỉ được bồi thường cây cối, hoa màu còn ruộng, vườn đất không được bồi thường với lý do đất lấn chiếm của trường nên không được bồi thường...". (Thời điểm bồi thường,  ông Hoàng Văn Tam, phó Chủ tịch UBND  kiêm Trưởng Ban đền bù GPMB huyện Lộc Bình ra quyết định không bồi thường).

Trao đổi với PV, ông Phạm Gia Hoan ( trú tại khu Phiêng Quăn, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là người được sự ủy quyền của ông  Trần Văn Thắng cho rằng: “ Tại  khoản 6,  Điều 6. Điều kiện để được đền bù thiệt hại về đất, của Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998...  Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này, người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại phải có các giấy tờ chứng minh được đất bị thu hồi là đất đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại mục a, Điều naỳ ghi rõ:  Đất đã sử dụng ổn định trước ngày 08 tháng 01 năm 1988 được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận...”

Trong quá trình ông Thắng đi đòi quyền lợi của mình, cá nhân ông đã "bị" ông Hoàng Văn Tam, nguyên là  Phó Chủ tịch UBND , Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện  Lộc Bình ký Báo cáo ngày 17/3/2004 cho rằng : “ ...đã có 8/11 hộ chấp hành còn 3 hộ là Trần Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Lĩnh và ông Nguyễn Trung Quế không chấp hành, ông Quế không nhận tiền  là do ông Trần Văn Thắng xúi giục,  lôi kéo...".  Ông Thắng cho rằng báo cáo trên nhằm hạ uy tín của ông, đó là sự   "bôi nhọ" có chủ ý. 

Tại thời điểm năm 2003, mặc dù có công khai phá nhưng không được đền bù về đất, hơn thế nữa, Ban GPMB huyện đã nhiều lần mời tôi  và các hộ dân có đất  đến thuyết phục cũng như có nhiều văn bản gửi tới cơ quan của tôi nhằm "ép" tôi nhận là "lấn chiếm" đất rồi nhận tiền bồi thường về cây cối, hoa màu trên đất nhưng không bồi thường về đất  . Cũng là loại đất như của gia đình tôi nhưng ông Lương Trùng Dương, Trưởng khu 9 kiêm bảo vệ trường cấp 3 Na Dương lại được "ưu tiên" bồi thường, hỗ trợ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), thật vô lý, đúng là "bên trọng bên khinh", ông Thắng bức xúc kể thêm!

Phần đất có cây bạch đàn trong khu vực sân trường THPT Na Dương, bức tường hàng rào, cổng phụ khu nội trú, đất trồng cây phượng trong sân trường diện tích khoảng 150m2 là đất của gia đình  tôi và được thể hiện trong bản đồ giải  thửa năm 1999 của UBND thị trấn Na Dương trở về trước, nhưng chưa bồi thường cho gia đình tôi, cơ quan chức năng đã tiến hành san ủi mặt bằng làm mất nguyên trạng của các thửa đất. Khu đất , khoảng 120m2 đất (dài 30m, rộng 04m) là phần đất làm mương thoát nước là đất của gia đình tôi quản lý, khi Trường PTTH Na Dương xây dựng nhà chưa hề bồi thường, hỗ trợ cho gia đình tôi. Toàn bộ diện tích đất của gia đình tôi sử dụng, canh tác từ năm 1983 tới nay là khoảng trên 985m2 bị cơ quan chức năng huyện Lộc Bình "quốc hữu hóa", là trái với Điều 23 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001 qui định. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa..., ông Thắng cho biết thêm!

Một điểm đáng lưu ý là: Tại thời điểm thu hồi đất để mở rộng trường cấp III thị trấn Na Dương năm 2003 ngoài gia đình ông Thắng còn có 10 hộ gia đình cũng bị thu hồi đất. Trong đó phải kể tới hộ gia đình ông Lê Đăng Hanh, ông Hanh được đền bù cả đất đai, hoa màu. Cần phải nói thêm là  khu nhà và đất của ông Hanh là mua lại của ông Hồng năm 1995( người có cùng địa chỉ), trong khi đó ông Hồng cũng là người ra khai phá khu đất đó cùng thời điểm hộ gia đình ông Trần Văn Thắng và một số hộ gia đình khác.

Được biết, tới đây UBND huyện Lộc Bình tiếp tục GPMB để mở rộng trường cấp III thị trấn Na Dương, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình đang lên phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trao đổi với PV về việc này, ông Hoàng Văn Huấn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình cho hay: “ Tại khu vực nằm trong diện GPMB thuộc dự án mở rộng  trường THPH thị trấn Na Dương chúng tôi chưa thể ra phương án cuối cùng được vì đang có sự tranh chấp giữa các hộ dân, UBND thị trấn Na Dương đang tiến hành hòa giải, sau khi xác minh cụ thể chúng tôi mới ra phương án chính thức”. 

Việc gia đình ông Trần Văn Thắng và một số hộ dân có trồng cây từ năm 1983 và năm 2003 đền bù để thực hiện dự án mở rộng trường cấp III thị trấn Na Dương nhưng có người thì được đền bù về đất, người thì không được, hoặc là còn thiếu... Tới đây, đề nghị UBND huyện Lộc Bình tiếp tục rà soát lại để tránh xảy ra trường hợp nhầm lẫn, thiếu sót khi thực hiện dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.   

Dương Quốc

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục