Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn: Bắt tạm giam nhưng…không để làm gì

(Kinhdoanhnet)- Trong quá trình tiếp xúc với bị cáo trong trại giam, luật sư phát hiện một điều bất thường, đó là kể từ ngày bị cáo bị tạm giam ngày 20/10 /2014, cho đến nay, Cơ quan tiến hành tố tụng(CQTHTT) chưa một lần tiếp xúc bị cáo để lấy lời khai…

Trong quá trình các CQTHTT thị xã Từ Sơn giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích”, ở giai đoạn Điều tra, Truy tố, bị cáo Đàm Thuận Thao được cho tại ngoại.Tuy nhiên, bất ngờ sau phiên tòa sơ thẩm ngày 30/9/2014 (tại phiên tòa này, HĐXX sơ thẩm đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với yêu cầu cho người bị hại đi giám định lại- PV), VKSND thị xã Từ Sơn ra lệnh bắt tạm giam Đàm Thuận Thao để tạm giam. Qua nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ, người viết được biết căn cứ để VKSND thị xã Từ Sơn đưa ra quyết định này là do người bị hại, người làm chứng có đơn đề nghị.

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn: Bắt tạm giam nhưng…không để làm gì - Ảnh 1
Bản cáo trạng có nhiều dấu hiệu bất thường của Viện KSND thị xã Từ Sơn

Luật sư Trương Anh Tú- Trưởng VP Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)- người bào chữa cho bị cáo cho rằng trong vụ án này, hoạt động bắt tạm giam bị cáo (căn cứ vào đơn đề nghị của người bị hại và những người làm chứng) là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 88 BLTTHS về biện pháp ngăn chặn tạm giam thì:1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.…”

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn: Bắt tạm giam nhưng…không để làm gì - Ảnh 2
Vết thương trên tai bà Hoàng Thị Hoa là do dùi đục gây ra?

Luật sư Tú nhận định: “Xét trong trường hợp của Đàm Thuận Thao, Thao là người chưa từng có tiền án, có nơi cư trú ổn định, tội danh Thao đang bị truy tố không phải là tội đặc biệt nghiêm trọng hay tội rất nghiêm trọng, Thao cũng không bất kỳ có biểu hiện sẽ bỏ trốn… do vậy việc VKSND thị xã Từ Sơn căn cứ vào thông tin một chiều của người bị hại và những người làm chứng (những người đang có những mâu thuẫn, thù hằn sâu sắc với gia đình Thao) để từ đó ra lệnh tạm giam đối với Thao là một việc làm tùy tiện, vô lý (đối với yêu cầu bắt tạm giam của người làm chứng) và không phù hợp với quy định pháp luật”.

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn: Bắt tạm giam nhưng…không để làm gì - Ảnh 3
 Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với mẹ bị cáo Đàm Thuận Thao

“Hơn nữa, quá trình tiếp xúc với bị cáo trong trại giam, tôi phát hiện một điều bất thường, đó là kể từ ngày bị cáo bị tạm giam ngày 20/10/ 2014, cho đến ngày 9/6 /2015 CQTHTT chưa một lần tiếp xúc để lấy lời khai. Việc chấp thuận đơn đề nghị của người bị hại một cách dễ dàng, bắt tạm giam nhưng… không để làm gì, phải chăng VKSND thị xã Từ Sơn ra lệnh bắt tạm giam Đàm Thuận Thao là có động cơ, mục đích khác?” - luật sư Tú đề ra nghi vấn. 

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com


 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục