Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: Vận dụng tùy tiện pháp luật để kết luận giám định?

(Kinhdoanhnet)- Trong đơn kêu oan, bà Đàm Thị Hòa trú tại thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Con trai bà là Đàm Thuận Thao - người bị TAND thị xã Từ Sơn tuyên phạm tội “Cố ý gây thương tích” và phạt 30 tháng tù giam, trong vụ án này có rất nhiều điểm bất thường.

Vận dụng tùy tiện để cho ra kết quả giám định pháp y?

Bà Đàm Thị Hòa cho biết, xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần nên giữa bà và chủ nợ là bà Hoàng Thị Hoa, có xảy ra xô xát, đánh nhau vào khoảng 18g ngày 27/9/2013. Trong lúc hai bên túm tóc, xô đẩy giằng co khiến bà Hoàng Thị Hoa bị trượt ngã, xây xước và chảy máu đầu. Mặc dù, con trai bà là Đàm Thuận Thao, không tham gia vào sự việc, nhưng từ đơn tố cáo của bà Hoa, mà Thao bị cho là thủ phạm dùng hung khí là chiếc dùi đục bằng gỗ kích thước 60x4x6 cm, bất ngờ từ phía sau vụt vào đầu bà Hoa, khiến nạn nhân ngã ngửa gây thương tích ở vùng đỉnh đầu trái, và ở vành tai phải.

Để có căn cứ khởi tố vụ án nêu trên, CQCSĐT Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y đối với thương tích của bà Hoàng Thị Hoa.

Đến ngày 24/12/2013, Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh ban hành Bản giám định pháp y số: 75/2013/GĐPY kết luận thương tật của bà Hoàng Thị Hoa như sau:

“Căn cứ vào thông tư liên bộ số: 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH ký ngày 27/9/ 2013 của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.

Căn cứ vào kết quả nghiêm cứu hồ sơ, khám giám định và các xét nghiệm.

Chúng tôi thống nhất kết luận tỷ lệ thương tật của đương sự như sau:

Một sẹo vùng đỉnh trái KT 02cm x 01 cm = 3% vĩnh viễn.

Một sẹo vành tai phải KT 01 cm x 0,5cm = 2% vĩnh viễn

Điện não đồ có sóng bất thường tương ứng với vùng tổn thương = 8% tạm thời.

Tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể toàn bộ theo phương pháp cộng lùi bằng: 13 % (Mười ba phần trăm). Vĩnh viễn: 05%; Tạm thời: 08% …”

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: Vận dụng tùy tiện pháp luật để kết luận giám định? - Ảnh 1
Bản cáo trạng có nhiều dấu hiệu bất thường của Viện KSND thị xã Từ Sơn

Sau khi TAND thị xã Từ Sơn ra Quyết định trả hồ sơ cho VKSND thị xã Từ Sơn để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định lại thương tích của bà Hoàng Thị Hoa. Ngày 15/10/2014, bà Đàm Thị Hòa có đơn đề nghị Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh trả lời cho bà Hòa được biết:  một số nội dung liên quan đến Bản giám định pháp y số: 75/2013/GĐPY. Cụ thể, tỷ lệ thương tật của bà Hoàng Thị Hoa, có đúng không và căn cứ vào đâu?

Ngày 22/10/2014, Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 19/2014/GĐPY trả lời như sau:

“…Việc kết luận giám định căn cứ vào thông tư 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH ký ngày 27/9/2013. Tỷ lệ thương tật tại bản giám định pháp y số: 75/2013/GĐPY ký ngày 24/12 /2013 hoàn toàn phù hợp và chính xác với các thương tích mà trong giấy chứng thương được cơ quan điều tra cung cấp.

Trên cơ thể của chị Hoàng Thị Hoa có bị tổn thương và tổn thương đó phải được tính tỷ lệ thương tích, do thông tư 28/2013/TTLB-BYT-BL ĐTBXH ký ngày 27/9/ 2013 có nhiều điểm chưa cụ thể vì vậy phòng giám định pháp y phải vận dụng để tính tỷ lệ thương tích cho chị Hoa. Trong năm 2014 đã có thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/ 6/ 2014 quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp lý. (Như vết thương vành tai phải tai thông tư 20/2014/TT-BYT quy định rõ tỷ lệ từ 1% - 3%). Tất cả các thương tích đều đảm bảo, chính xác phù hợp với chứng thương đã được cơ quan điều tra cung cấp …”

Tuy nhiên, trên thực tế qua kiểm tra, đối chiếu với các danh mục thương tật tại Thông tư số 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH lại không hề có tên thương tật nào là sẹo ở vành tai cũng như thương tật sau khi Điện não đồ cho sóng bất thường.

Về điểm “bất thường” trên, luật sư Trương Anh Tú, người bào chữa cho bị cáo cho biết: Theo quy định của pháp luật, nếu Thông tư số 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH không có quy định về một loại thương tích cụ thể, thì sẽ được vận dụng quy định tại thông tư 20/2014/TT-BYT, và Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã “vận dụng” theo để tính tỷ lệ thương tật của bà Hoa.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, cả hai thông tư trên đều không hướng dẫn những thương tật kể trên (nên trường hợp vận dụng để tính thương tật cho người hưởng chế độ chính sách vẫn còn phải xem xét, thì trường hợp vận dụng mà có thể khiến một người khác vào tù lại càng phải xem xét).

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: Vận dụng tùy tiện pháp luật để kết luận giám định? - Ảnh 2
Vết thương trên tai bà Hoàng Thị Hoa là do dùi đục gây ra?

“Như vậy, việc vận dụng để tính thương tích cho bà Hoa như cách làm của phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tôi cho là việc vận dụng tùy tiện, không phù hợp, không chính xác với quy định của pháp luật, làm sai lệch bản chất vụ án. Từ chưa đủ hậu quả của thương tật thành đủ hậu quả thương tật lớn hơn hoặc bằng 11% để cấu thành tội phạm. Và như vậy Bản Giám định pháp y này không thể được xem là chứng cứ của vụ án, chứng cứ để buộc tội đối với bị cáo” – luật sư Trương Anh Tú nói.

Từ chối vô lý yêu cầu giám định lại thương tật

Ngày 30/9/2014, TAND thị xã Từ Sơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Kết thúc quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, cũng như tranh luận giữa Đại diện Viện kiểm sát và Luật sư, HĐXX xét thấy: “Tỷ lệ thương tật đối với vết thương ở đầu và ở tai của người bị hại được kết luận trong bản giám định pháp y không có trong bảng quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của Thông tư liên bộ số 28/2013/TTLB-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/ 2013, tại phiên tòa bị cáo đề nghị trưng cầu giám định lại tỷ lệ thương tật của người bị hại”. Nên HĐXX vụ án đã ra quyết định trả hồ sơ cho VKSND để điều tra bổ sung, và yêu cầu:“Giám định lại thương tích đối với người bị hại Hoàng Thị Hoa”.

Bản giám định pháp y kết luận tỷ lệ tổn thương của người bị hại là một trong những tài liệu vô cùng quan trọng để giải quyết đúng đắn một vụ án về xâm phạm tính mạng sức khỏe. Do vậy, tài liệu này cần phải đảm bảo được tính khách quan, chính xác. Việc đưa ra kết luận phải dựa trên hồ sơ và căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, Bản giám định pháp y số 75/2013/GĐPY do Phòng giám định pháp y thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh ban hành có rất nhiều nội dung bất hợp lý.

Để làm sáng tỏ những vẫn đề bất hợp lý trong Bản giám định pháp y này, luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đã yêu cầu giám định viên giải thích cho HĐXX được biết nhưng Giám định viên đã không thể làm rõ, không thể chứng minh Bản giám định pháp y là đúng đắn, có căn cứ. Do vậy việc cho bị hại đi giám định lại thương tích bằng một Hội đồng giám định pháp y khác là vô cùng cần thiết.

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: Vận dụng tùy tiện pháp luật để kết luận giám định? - Ảnh 3
Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với mẹ bị cáo Đàm Thuận Thao

Tuy nhiên, đối với yêu cầu Giám định lại thương tích đối với người bị hại Hoàng Thị Hoa của HĐXX thì VKSND thị xã Từ Sơn đã không thực hiện. Mặt khác, thay vì làm thủ tục đưa người bị hại đi giám định lại thì người bị hại đã “chủ động” làm đơn và yêu cầu Phòng giám định trả lời bằng công văn, sau đó cung cấp công văn trả lời cho VKS, đây là việc làm chưa từng có tiền lệ.

Trên quan điểm trả lời của Phòng giám định pháp y đối với người bị hại, VKSND thị xã Từ Sơn đã có quan điểm về yêu cầu điều tra bổ sung của TAND thị xã Từ Sơn  (nêu tại Công văn số 878/CV-VKS ngày 30/10/2014) như sau: “Viện kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn thấy rằng việc giám định lại là không cần thiết. Vì vậy, VKSND thị xã Từ Sơn giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển lại hồ sơ vụ án Đàm Thuận Thao bị truy tố về  tội “Cố ý gây thương tích” đến Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền”.

“Quan điểm nêu trên của VKSND thị xã Từ Sơn là không phù hợp với quy định của pháp luật, không vô tư khách quan bởi lẽ, việc giám định bổ sung hoặc giám định lại phải dựa trên quy định của pháp luật chứ không phải dựa trên ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định tại khoản 2, Điều 33 của BLTTHS thì: Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung”, luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục