Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn:“Có căn cứ vững chắc để khẳng định bị cáo không phạm tội”

(Kinhdoanhnet)- Trao đổi với PV, Luật sư Trương Anh Tú- người bào chữa cho bị cáo Đàm Thuận Thao đưa ra chứng cứ chứng minh thân chủ của mình không phạm tội.

Luật sư Tú cho biết: Với những tài liệu được Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) thị xã Từ Sơn thu thập có trong hồ sơ vụ án thì không thể khẳng định bị cáo Thao có hành vi dùng dùi đục gây thương tích cho người bị hại. Trong trường hợp Thao có hành vi dùng hung khí gây ra thương tích cho bà Hoa là thật đi chăng nữa thì CQTHTT thị xã Từ Sơn cũng chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi dùng dùi đục đánh vào đầu bà Hoa và hậu quả xảy ra là thương tích được phản ánh trong Giấy chứng thương, bởi lẽ:

Theo Giấy chứng thương số: 22/CN-KHTH ngày 08/11/2013 do Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn cấp cho bà Hoàng Thị Hoa thì thương tích của bà Hoa như sau: “Vết xây xát vùng đỉnh trái rỉ máu, tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh kích thước 5cm x 6 cm. Vết thương vành tai phải kích thước 1 cm chảy máu”. Như vậy, theo Giấy chứng thương này bà Hoàng Thị Hoa bị thương tích tại 02 điểm trên vùng đầu, đó là xây sát vùng đỉnh trái của đầu và 01 thương tích ở vành tai phải.

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn:“Có căn cứ vững chắc để khẳng định bị cáo không phạm tội” - Ảnh 1
Bản cáo trạng có nhiều dấu hiệu bất thường của Viện KSND thị xã Từ Sơn

Theo lời khai, lời trình bày của bà Hoàng Thị Hoa cũng như những “người làm chứng” thì bà Hoàng Thị Hoa bị Thao dùng dùi đục vụt một phát vào đầu từ phía sau khiến bà Hoa ngã ngửa xuống nền sân. Kết hợp lời khai của bà Hoa, lời khai của những người làm chứng khác với kết quả thương tích phản ánh trong Giấy chứng thương cho chúng ta một kết quả đó là: Thao dùng dùi đục vụt một phát vào sau gáy của bà Hoa gây ra hai vết thương ở vùng đầu của bà Hoa: 01 vết xây xát vùng đỉnh trái của đầu (vết này chỉ vết xước, thâm tím, tụ máu nhẹ dưới da) và 01 vết thương ở vành tai trái (vết thương này bà Hoa phải khâu 03 mũi, và để lại sẹo vĩnh viễn).

Hai vết thương độc lập này thuộc hai vùng đầu có khoảng cách tương đối xa nhau (Có bản ảnh kèm theo). Rõ ràng kết quả trên là hết sức vô lý, bởi lẽ theo cơ chế hình thành vết thương, khi tác động một lần, một vật vào một chỗ trên cơ thể thì chỉ có thể cho ra một vết thương. Hơn nữa, một “cú vụt” bằng dùi đục không thể tạo ra vết xước ở lỗ tai. Mặt khác, với một cú vụt mạnh khiến cho người bị vụt ngất đi thì tư thế ngã của người bị vụt phải theo chiều của lực tác động là ngã sấp mặt chứ không thể “ngã ngửa” (ngược với chiều lực tác động) như phản ánh tại Kết luận điều tra, Bản cáo trạng hay Bản án sơ thẩm. Hơn nữa, trong trạng thái ngất (rơi tự do) xuống nền gạch cứng, thì phải tạo ra một vết thương nữa (vết thương thứ 3) ở gáy.”

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn:“Có căn cứ vững chắc để khẳng định bị cáo không phạm tội” - Ảnh 2
 Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với mẹ bị cáo Đàm Thuận Thao

Qua cảm quan, người viết thấy rằng: Về hình thù của vết thương trên đầu bà Hoàng Thi Hoa ghi nhận từ bản ảnh, có thể nhận thấy rõ vết thương này là chỉ là một vết xây xước, hình tròn (mờ), trong khi một thanh gỗ kiểu dùi đục thì khi vụt vào đầu (tác động theo chiều dọc), sẽ cho một vết thương dài. Như vậy, nhiều khả năng vết thương trên đầu bà Hoa không phải do dùi đục gây ra.

Luật sư Tú cũng cho biết: “Thao là một thanh niên to khỏe (nặng 76 kg), thời điểm xảy ra sự việc Thao 22 tuổi. Do vậy với sức vóc của một thanh niên trẻ khỏe như Thao nếu dùng một hung khí nguy hiểm là chiếc dùi đục hay một thanh gỗ kiểu dùi đục để vụt vào đầu bà Hoa từ phía sau (nên nạn nhân sẽ không có khả năng chống đỡ) như mô tả của bà Hoa và những người làm chứng thì chắc chắn sẽ tạo ra một thương tích rất lớn, thậm chí là có thể dẫn tới vỡ hộp sọ và khả năng tử vong là rất cao, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc xây xước nhẹ. Với những phân tích về cơ chế hình thành thương tích nêu trên, tôi cho rằng vết thương trên đầu bà Hoa không thể do dùng dùi đục (đánh vào đầu) gây ra.”

Vụ cố ý gây thương tích ở thị xã Từ Sơn:“Có căn cứ vững chắc để khẳng định bị cáo không phạm tội” - Ảnh 3

Đối chiếu lời khai của người chứng kiến Đàm Thị Hòa tại Bản tường trình (BL 128): “…bà Hoa tóm tóc tôi tóm lại kheo nhau, hai bên xô đẩy bà Hoa ngã xuống sân, bà Hoa chảy máu đầu…”

“Với diễn biến lời khai của bà Đàm Thị Hòa, kết hợp với tất cả tình tiết có trong vụ án thì có thể kết luận rằng lời khai của bà Đàm Thị Hòa là thống nhất và khách quan. Qua những phân tích nêu trên thì có thể thấy việc đánh giá chứng cứ của HĐXX trước đây không đảm bảo tính khách quan, chính xác. Việc thu thập các chứng cứ của 03 CQTHTT thị xã Từ Sơn là không đầy đủ, mặt khác hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các CQTHTT thị xã Từ Sơn có vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Do vậy, việc kết luận các chứng cứ có trong hồ sơ đủ để kết luận Đàm Thuận Thao phạm tội “Cố ý gây thương tích” là không chính xác. Tôi cho rằng không đủ cơ sở để kết luận Đàm Thuận Thao có hành vi cố ý gây thương tích”, Luật sư Tú kết luận.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục