Duy Xuyên - Quảng Nam: Tùy tiện thu hồi đất đã giao cho dân trồng rừng để phát triển kinh tế

(KDPL) - Trong buổi làm việc sáng ngày 26/4/2017, phóng viên hỏi chính quyền đã có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất và ban hành Quyết định thu hồi đất trước khi thu hồi tổng diện tích đất trồng rừng của 11 nhóm hộ dân tại khu vực Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn hay chưa? Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - cho biết là chưa có!?

Khi thực hiện việc thu hồi đất, các quy định của pháp luật nêu rất rõ, như tại Chương 4, Điều 17 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì việc thông báo thu hồi đất, thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, kinh phí cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thực hiện theo quy định theo trình tự như sau: Thứ nhất: Cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, gồm các nội dung: Lý do thu hồi đất; Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất; Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư; Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thứ hai: Thông báo thu hồi đất bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.

Duy Xuyên - Quảng Nam: Tùy tiện thu hồi đất đã giao cho dân trồng rừng để phát triển kinh tế - Ảnh 1

Duy Xuyên - Quảng Nam: Tùy tiện thu hồi đất đã giao cho dân trồng rừng để phát triển kinh tế - Ảnh 2
Biên bản cuộc họp ngày 27/4.

Tuy nhiên, theo ghi nhận ban đầu của phóng viên khi tiếp cận thông tin về việc thu hồi đất ở khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn từ UBND huyện Duy Xuyên thì việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật chưa được thể hiện. Cũng có lẽ bởi vậy mà chính quyền huyện Duy Xuyên đã né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí?. Hành trình để tiếp cận tìm hiểu thông tin sự việc từ các cơ quan chức năng của huyện cũng khá gian nan, mặc dù phóng viên đã liên hệ qua điện thoại trước với ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch và ông Trần Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Duy Xuyên để đặt lịch làm việc nhưng đến ngày 25/4 vẫn không có hồi âm nên phóng viên đã đến trụ sở UBND huyện, khi đến nơi thì gặp cả các phóng viên Truyền hình Nhân đạo của Đài Truyền hình Việt Nam. Trao đổi với cán bộ Văn phòng UBND huyện mới biết là UBND huyện đã có lịch làm việc với báo chí vào sáng ngày 26/4/2017. Rất may chứ nếu như không đến thì chắc phóng viên cũng không thể biết thông tin về lịch làm việc theo kế hoạch tuần của UBND huyện Duy Xuyên và khi có lịch mà không đến làm việc thì khó có cơ hội được tiếp cận thông tin sự việc từ những người có trách nhiệm tại địa phương được… Trong lịch làm việc với báo chí của UBND huyện Duy Xuyên có các thành phần tham dự gồm ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chủ trì cuộc họp; Đại diện các phòng, ban liên quan như: Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thanh tra, Hạt Kiểm lâm và Văn phòng UBND. Tuy nhiên tại buổi làm việc vào sáng 26/4/2017 thì thành phần tham dự đã được mời theo kế hoạch làm việc lại không có đại diện của Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Thanh tra huyện. Phóng viên hỏi về sự vắng mặt của ba đơn vị này thì được ông Cường giải thích là do bận việc đột xuất.

Duy Xuyên - Quảng Nam: Tùy tiện thu hồi đất đã giao cho dân trồng rừng để phát triển kinh tế - Ảnh 3
Các phòng, ban thuộc huyện Duy Xuyên làm việc với báo chí.

Khi phóng viên đặt các câu hỏi liên quan đến vụ việc thì ông Cường khá lúng túng vì không nắm bắt được nội dung do ông Cường là Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối Văn xã. Điều này khiến chúng tôi đặt nhiều câu hỏi: Phải chăng ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phân công người chủ trì cuộc họp chỉ để tiếp đón các cơ quan báo chí? Khi các cơ quan báo chí đã nhiều lần đặt lịch làm việc cụ thể về công tác thu hồi đất trồng rừng của 11 nhóm hộ dân tại khu vực Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn thì các cơ quan chức năng thuộc huyện liên quan đến sự việc lại “bận đột xuất” đến nỗi  không thể cử được người có chuyên môn liên quan đến sự việc, cho dù chỉ là chuyên viên hay thanh tra viên để làm việc với báo chí? Qua trao đổi, phóng viên được biết thông tin sơ bộ về sự việc từ ông Nguyễn Trí - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Duy Xuyên - Nông Sơn, ông Trí nói: “Thực chất của vụ việc này là cho đến nay về phía UBND huyện Duy Xuyên chưa có một thủ tục pháp lý hợp pháp nào liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng và thu hồi đất rừng (ước chừng 56 ha - theo lời ông Trí) của người dân ở khu vực Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cả!”. Câu hỏi được đặt ra là: Vậy việc thu hồi đất khi chưa đủ các thủ tục pháp lý gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của 11 nhóm hộ dân trồng rừng theo chương trình 661 thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các cơ quan chức năng của tỉnh đã biết chưa? Sự việc sẽ được giải quyết ra sao để ổn định cuộc sống cho các nhóm hộ dân có đất bị thu hồi???

Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra xung quanh sự việc nên phóng viên đã quyết tâm tìm hiểu, làm rõ sự việc để đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến” trong việc tùy tiện thu hồi đất đã giao cho các hộ dân trồng rừng để phát triển kinh tế. Sáng 09/5/2017, phóng viên đã có buổi tiếp xúc với ông Phạm Văn Sang - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Duy Xuyên. Khi được hỏi là dựa trên cơ sở nào để Phòng tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện thu hồi đất trồng rừng của 11 nhóm hộ dân tại khu vực Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, ông Sang khẳng định: “Phòng chúng tôi không biết về vụ việc này, các anh liên hệ với bên Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ rõ”. Câu trả lời thiếu trách nhiệm này khiến chúng tôi nghĩ về chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan  chuyên môn về lĩnh vực đất đai lại không nắm bắt được sự việc? Liệu câu trả lời báo chí của ông Sang có trung thực không trong khi trước đó, vào ngày 27/4 tại cuộc họp giải quyết khiếu nại của người dân ở xã Duy Phú - huyện Duy Xuyên lại có mặt ông Nguyễn Văn Việt - Chuyên viên Phòng do ông Sang làm lãnh đạo?.

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc tỉnh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc theo đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân và có biện pháp kiên quyết xử lý những sai phạm nếu có trong việc thu hồi đất trồng rừng của 11 nhóm hộ dân tại khu vực Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Võ Việt - Lương Phong

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục