Vụ kiện dân sự tại Đông Anh (Hà Nội): “Bỗng dưng” phải chia đất

(Kinhdoanhnet) - Nhiều uẩn khúc của vụ việc mặc dù đã qua hai cấp Tòa xét xử vẫn chưa được làm rõ và cuối cùng phán quyết của Tòa là chia đôi giá trị của lô đất và khối tài sản trên đất cho mỗi bên…Phía bị đơn liên tục có đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí đề nghị xem xét lại vụ việc.

Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình ông Hoàng Văn Bẩy sinh sống ở trong xóm thuộc thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội), gia đình đông người rất khó khăn về chỗ ở, có xảy ra tranh chấp đường đi với hàng xóm, tuy đã được chính quyền các cấp giải quyết nhưng vẫn không dứt điểm. Do có đơn xin cấp đất giãn dân để xây dựng nhà ở nên năm 1990, gia đình ông Bẩy được giao một lô đất ở bãi Nổ. Do ao hồ tại khu vực này quá sâu (từ 4 – 6m) và cách đường quốc lộ 20m lưu không, chưa ai san lấp, gia đình ông Bẩy đã phải tốn rất nhiều tiền của và công sức để san lấp, tạo mặt bằng và sau đó xây dựng nhà ở. Hiện nay chính là ngôi nhà 3 tầng (số nhà 72, phố Cây Đa Bác Hồ).

Vụ kiện dân sự tại Đông Anh (Hà Nội): “Bỗng dưng” phải chia đất - Ảnh 1
Ngôi nhà từng bị Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh tiến hành phá dỡ và ngăn đôi.

Tuy nhiên đã xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông Bẩy với chính em gái ông là bà Hoàng Thị Tám (Hà) – có hộ khẩu tại Bắc Ninh về lô đất này. Vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và hòa giải nhưng không thành. Đến ngày 20/6/2006, bà Hoàng Thị Tám đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh. Tài liệu, chứng cứ mà bà Tám xuất trình, cung cấp cho Tòa án gồm: Quyết định giao đất không số ngày 26/4/1991 của UBND huyện Đông Anh (phô tô) không có công chứng, không có bản gốc để đối chiếu; Giấy phép xây dựng không số ngày 18/10/1991 của UBND huyện Đông Anh không có công chứng, không có bản gốc để đối chiếu; Phiếu thu ngân sách xã ngày 30/10/1990 chỉ đề chị Hà – xóm Nhồi (phô tô) có bản gốc chỉ là cuống phiếu thu không có chữ ký của bà Hà, không có chữ ký của kế toán…

Qua quá trình điều tra, xác minh, TAND Đông Anh đã đưa vụ kiện ra xét xử, theo đó, phán quyết dưa ra là: Lẽ ra buộc gia đình ông Bẩy phải trả lại toàn bộ diện tích đất 150m2 cho bà Hà; và giao cho bà Hà sở hữu tài sản của ông Bẩy có trên diện tích đất 150m2 (gồm: nhà 2 tầng; khu bếp; sân gạch sau nhà; mái vẩy trước nhà – tổng giá trị là 361.197.000 đồng); bà Hà có trách nhiệm thanh toán giá trị tài sản nêu trên cho gia đình ông Bẩy; và xét công sức của gia đình ông Bẩy nên trích một phần công sức để thanh toán trả gia đình ông Bẩy trị giá 50m2 đất (tương đương 400 triệu đồng). Nhưng xét hoàn cảnh của gia đình bà Hà có khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện để thanh toán khối tài sản có giá trị lớn như trên nên quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu đòi quyền sử dụng đất ở của bà Hoàng Thị Hà đối với ông Hoàng Văn Bẩy; gia đình ông Bẩy và gia đình bà Hà mỗi bên được quản lý 75m2 đất và các tài sản, công trình trên đất, hai bên bù trừ cho nhau, đảm bảo mỗi bên đều được hưởng 50% giá trị.

Vụ kiện dân sự tại Đông Anh (Hà Nội): “Bỗng dưng” phải chia đất - Ảnh 2
Ông Bẩy tường trình lại sự việc kinh hoàng ngày ngôi nhà bị đập phá.

Cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm và quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu đòi quyền sử dụng đất ở của bà Hoàng Thị Hà đối với ông Hoàng Văn Bẩy; xác định thửa đất số 23, tờ bản đồ 60 diện tích 150m2 thôn Ao Nổ - Bản đồ địa chính xã Cổ Loa, huyện Đông Anh – Hà Nội thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Hoàng Thị Hà có giá trị 1,2 tỷ đồng; xác định công sức của gia đình ông Bẩy về quản lý, duy trì, bảo vệ…đất là tương đương 50m2 trị giá 400 triệu đồng. Tiền san lấp, các công trình xây dựng trên đất có tổng giá trị là 761.197.000 đồng. Cũng theo bản án thì tài sản trên đất và diện tích lô đất được chia làm 2 phần, hai bên bù trừ cho nhau như án sơ thẩm đã tuyên.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án đã tiến hành cưỡng chế, chia đôi căn nhà và lô đất mà gia đình ông Bẩy đang quản lý và sử dụng giao ½ cho gia đình bà Hà. Sự việc tiến hành phá dỡ của cơ quan Thi hành án huyện Đông Anh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu ngôi nhà; toàn bộ trần của ngôi nhà đã bị nứt, tường cũng bị nhiều vết nứt chạy dài; đáng ngại hơn cả là hầu hết phần móng của ngôi nhà đã bị lún và nghiêng. Hiện nay vì lo ngôi nhà có thể sụp bất cứ lúc nào nên gia đình ông Bẩy không dám ở.

Sau khi phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật tiến hành tìm hiểu, xác minh vụ việc thì thấy vụ việc còn có nhiều vấ đề về pháp lý cần được tiếp tục xem xét đó là:

Trước hết, việc giải thích của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng có thẩm quyền về lý do tại sao bà Hoàng Thị Hà lại có quyết định của UBND huyện Đông Anh giao quyền sử dụng 150m2 đất tại Ao Nổ, Mạch Tràng để xây dựng nhà ở có nhiều nội dung còn mâu thuẫn và tính pháp lý thiếu thuyết phục, nhưng lại được Tòa án chấp thuận, đó là:

Một là, quyết định giao đất không số, nội dung ghi thửa đất số 20 bản đồ số 7, diện tích được sửa từ 50m2 thành 150m2 và chuyển thành thửa số 23 bản đồ số 60, với một cách giải thích đơn giản là điều chỉnh thửa, diện tích, bản đồ theo thực tế. Trong khi đó, những chứng cứ mà ông Bẩy cung cấp đều bị Tòa án bác bỏ.

Hai là, bà Hoàng Thị Hà không có các tiêu chuẩn và điều kiện để cấp đất giãn dân, chỉ có một cuống phiếu thu ngày 30/10/1990 nêu trên. Vấn đề đặt ra ở đây là có hay không việc bà Hà mua đất do UBND xã Cổ Loa bán? Và thửa đất đó không liên quan gì đến thửa đất mà gia đình ông Bẩy đã quản lý và sử dụng, hay nói cách khác thửa đất bà Hà mua của UBND xã Cổ Loa khác với thửa đất của gia đình ông Bẩy. Điều này không được làm rõ và có những mâu thuẫn về tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn và bị đơn cung cấp. Tuy nhiên, những chứng cứ phía ông Bẩy (bị đơn) cung cấp lẽ ra phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan nhưng Tòa án không chấp nhận như: Giấy mời ngày 16/10/1990 của UBND xã Cổ Loa mời ông Bẩy đến UBND xã để giải quyết đất bãi Nổ; trích lục bản đồ, sổ thuế nhà đất, biên bản kiểm tra bản đồ địa chính…liên quan đến quyền quản lý, sử dụng đất của gia đình ông Bẩy.

Ba là, gia đình ông Hoàng Văn Bẩy đã liên tục quản lý và sử dụng, xây dựng nhà ở kiên cố. Làm đầy đủ nghĩa vụ thuế sử dụng đất đối với Nhà nước tại lô đất mà từ khi san lấp, quản lý và sử dụng từ năm 1991 đến nay không thay đổi vị trí sử dụng. Xét cả về lý cũng như tình thì hoàn cảnh của gia đình ông Bẩy đang có 3 cặp vợ chồng với 12 nhân khẩu sinh sống tại số nhà 72, phố Cây Đa Bác Hồ đang rất khó khăn về chỗ ở nên được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, hoàn chỉnh các thủ tục hợp pháp cho gia đình ông Bẩy được quản lý, sử dụng lô đất đó.

Việc bà Hoàng Thị Hà có tranh chấp thì với những tài liệu, chứng cứ hiện có thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở (UBND xã Cổ Loa) cần phải có biện pháp đề xuất và cách giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho bà Hà. Bởi vì, nếu đúng là bà Hà mua đất của UBND xã thì UBND xã Cổ Loa phải có trách nhiệm đối với bà Hà, như đã nêu trên chứ không thể coi việc bà Hà mua đất với việc gia đình ông Bẩy có lô đất đó là một được. Cách giải quyết của Tòa án là…chia đôi chưa thật sự thuyết phục vì ngạn ngữ có câu “nửa sự thật không phải là sự thật nữa”.

Từ những phân tích trên, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiểm tra lại vụ việc này một cách thật sự khách quan, toàn diện, đúng pháp luật để giải quyết thật sự có lý, có tình đảm bảo quyền lợi của các bên.

Đình Dũng

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục