Đại Tràng Tâm Bình “giỏi hơn” Bác sĩ và Bệnh viện?

Công ty dược TNHH SX&TM Dược phẩm Tâm Bình một trong những đơn vị “cộm cán” trong lĩnh vực Dược, Thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe) đang có những dấu hiệu “moi tiền” người tiêu dùng sản phẩm trái với quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tài chính Doanh nghiệp về công ty Dược phẩm này thì ngoài website tambinh.vn (nơi đăng quảng cáo các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng của công ty) còn xuất hiện thêm 2 trang website như: chuakhoibenhgout.net và daitrang.net, đăng tải chung thông tin liên hệ như; hotline; mục tư vấn online hiển thị quảng cáo, giới thiệu là thông tin về thực phẩm Viên Gout Tâm Bình, Đại Tràng Tâm Bình,… cùng với rất nhiều những dòng chia sẻ của bệnh nhân về sản phẩm.

Đại Tràng Tâm Bình “giỏi hơn” Bác sĩ và Bệnh viện? - Ảnh 1

Chi tiết tại website chuakhoibenhgout.net quảng cáo sản phẩm Viên Gout Tâm Bình một loại thực phẩm chức năng do công ty TNHH SX & TM Dược phẩm Tâm Bình sản xuất và phân phối. Điều đáng lưu ý hơn cả là trên website này đăng tải rất nhiều những bài chia sẻ của bệnh nhân (chuyên mục: Câu chuyện bệnh nhân) về sản phẩm viên Gout Tâm Bình, tất cả những bài chia sẻ này đều chung một khuôn mẫu câu chuyện rằng: "Khách hàng bị bệnh gout nhiều năm, có chỉ số acid uric cao, đau liên tục,đi khám – điều trị ở nhiều bệnh viện uy tín tại Việt Nam nhưng tình trạng không bớt,nhưng chỉ uống Viên Gout Tâm Bình sau vài tháng là không còn thấy dấu hiệu bệnh gút xuất hiện nữa".

Đại Tràng Tâm Bình “giỏi hơn” Bác sĩ và Bệnh viện? - Ảnh 2
Ý kiến khách hàng chị Đoàn Thị Thảo được đăng trên website daitrang.net

 

Việc sử dụng những đoạn trích nguyên văn lời của bệnh nhân để quảng cáo sử dụng Viên Gout Tâm Bình sau 2-3 tháng là hết bệnh, hay in đậm cụm từ “điều trị bệnh gout”,…khiến bệnh nhân hiểu nhầm rằng bệnh này khỏi hẳn được, không cần điều trị nữa, rất có thể dẫn tới những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng cho bệnh nhân.

Tại tọa đàm trực tuyến “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội: GS. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định luôn: Thực phẩm chức năng không có công dụng hỗ trợ điều trị. Bởi theo định nghĩa được Bộ Y tế công nhận, TPCN chỉ có tác dụng “tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”

Còn theo hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị các bệnh xương khớp ban hành kèm theo quyết định số 36/QĐ-BYT/2014 của Bộ Trưởng Bộ Y Tế thì bệnh gout không thể khỏi hẳn được, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng tái phát cơn gút cấp, cũng như dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức, dự phòng biến chứng bởi biến chứng của bệnh gout.

Đại Tràng Tâm Bình “giỏi hơn” Bác sĩ và Bệnh viện? - Ảnh 3
Đại trang Tâm Bình quảng cáo sai quy định "viêm đại tràng mãn tính" lâu năm đều khỏi bệnh

 

Tương tự trang website daitrang.net cũng đăng tải rất nhiều chia sẻ của bệnh nhân về sản phẩm Đại tràng Tâm Bình cũng cùng 1 nội dung hướng khách hàng, người bệnh như sau: “Khách hàng bị bệnh viêm đại tràng co thắt nhiều năm, đi chữa nhiều bệnh viện, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi, nhưng chỉ khi uống Đại Tràng Tâm Bình là khỏi được bệnh viêm đại tràng co thắt (không những hết bệnh mà còn có những tiến triển về sức khỏe và cân nặng – một câu trong bài viết chia sẻ của cô Hồ Thị Thương (ngõ 95, phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội), hiện đang là Chuyên gia cố vấn dược sĩ cao cấp của Tâm Bình).

Đặc biệt hơn khi đọc, trong nội dung các bài quảng cáo nhắc rất nhiều từ “thuốc” và in đậm cụm từ “điều trị bệnh gout” khi nói về sản phẩm Đại Tràng Tâm Bình.

Luật Quảng cáo quy định rõ: “Không sử dụng uy tín, hình ảnh của cơ quan y tế, người bệnh, người nổi tiếng… để quảng cáo cho các sản phẩm”. Tuy nhiên, với những dấu hiệu nêu trên, Công ty Dược phẩm Tâm Bình có đang cố tình vi phạm?

Đại Tràng Tâm Bình “giỏi hơn” Bác sĩ và Bệnh viện? - Ảnh 4
Viên Gout Tâm Bình "bắt bệnh" giỏi hơn cả Bác sĩ và Bệnh viện

 

Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Trước những thông tin nêu trên, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, tính mạng, người tiêu dùng, tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, vi phạm những quy định của pháp luật…, đề nghị Bộ Y tế, Cục VFA và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

 

Theo Bảo Ngọc/Taichinhdoanhnghiep

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục