Động cơ nào khiến Công ty Hòn Thị bị 'buộc dừng' hoạt động? (29)

Khi thực sát khu vực cũng như tiếp cận thông tin từ nhiều phía, chúng tôi lại thấy ẩn chứa sau chủ trương này là động cơ chiếm lĩnh mỏ đá Hòn Thị của một doanh nghiệp khác (?).

Như đã phản ánh về Dự án khai thác khoáng sản đất đá làm vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị bị UBND tỉnh Khánh Hòa buộc dừng hoạt động trước thời hạn với lý do mở rộng thành phố Nha Trang khiến Công ty này lâm vào cảnh khốn cùng trong suốt nhiều năm nay. Theo đó, mỏ đá Hòn Thị sẽ biến thành Khu đô thị với nhiều hạng mục công trình phục vụ dân sinh. Tưởng chừng như đây là một chủ trương đúng đắn của tỉnh Khánh Hòa, vậy nhưng khi thực sát khu vực cũng như tiếp cận thông tin từ nhiều phía, chúng tôi lại thấy ẩn chứa sau chủ trương này là động cơ chiếm lĩnh mỏ đá Hòn Thị của một doanh nghiệp khác (?).

Động cơ nào khiến Công ty Hòn Thị bị 'buộc dừng' hoạt động? (29) - Ảnh 1

 

Động cơ nào khiến Công ty Hòn Thị bị 'buộc dừng' hoạt động? (29) - Ảnh 2
Bản đồ quy hoạnh sử dụng đất đến năm 2020 xã Phước Đồng vẫn có ví trí khai thác đá Hòn Thị.

 

Khu đô thị Hòn Thị không hiện hữu trong bản đồ quy hoạch thành phố Nha Trang mở rộng?

Việc UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (gọi tắt là Công ty Hòn Thị) chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Hòn Thị từ năm 2011 đã khiến Công ty này đang từ đơn vị có quyền làm Chủ đầu tư trở thành “kẻ đi xin”. Khi ấy, lãnh đạo Công ty đã cầm đơn kiến nghị gõ cửa khắp các Sở, ngành cùng các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để xin họ ban cho một ân huệ là được tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ đá khi Giấy phép đầu tư, Giấy phép khai thác khoáng sản vẫn còn hiệu lực hoạt động tới gần 05 năm.

Tuy nhiên, không một lãnh đạo hay Sở, ngành nào để tâm đến khó khăn tột cùng của doanh nghiệp. Trong bản báo cáo của ông Võ Tấn Thái năm 2012 (khi ấy ông Thái là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) gửi UBND tỉnh Khánh Hòa còn ghi rõ: “Không có đủ cơ sở, điều kiện để xem xét đến kiến nghị của doanh nghiệp (Công ty Hòn Thị)”; còn tại Văn bản số 384/TB-UBND ngày 21/07/2014, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: “Không đồng ý gia hạn thời gian khai thác và yêu cầu Công ty thực hiện theo Kết luận của UBND tỉnh tại Thông báo số 20/TB-UBND ngày 17/01/2013 (tức chỉ cho phép khai thác đến hết ngày 31/12/2014) là phải chấm dứt”.

Như vậy, với lý do cực kỳ chính đáng là “mở rộng thành phố Nha Trang về phía Tây” nên UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các Sở, ngành đã tạo nên tình thế gần như “tước đoạt” quyền của Chủ đầu tư là Công ty Hòn Thị đối với dự án Khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hòn Thị một cách dễ dàng và không tốn kém một xu nào để đền bù cho doanh nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là: Vì động cơ nào?

Trong bản báo cáo Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh của ông Võ Tấn Thái cuối năm 2018 với tư cách là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông này có đề cập đến việc đã loại bỏ Công ty Hòn Thị ra khỏi vùng quy hoạch khai thác khoáng sản và cho rằng việc dừng khai thác đất đá làm VLXD tại mỏ đá Hòn Thị không làm ảnh hưởng đến tình hình cung cấp đất, đá làm VLXD chung trên toàn tỉnh.

Vậy nhưng thật bất ngờ khi phóng viên tìm hiểu thì được biết là quy hoạch mỏ đá Hòn Thị vẫn tồn tại trên Bản đồ quy hoạch sử dụng đất của thành phố Nha Trang và của cả xã Phước Đồng và được chính ông Lê Đức Vinh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) phê duyệt cuối năm 2013 (Căn cứ theo Bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Phước Đồng đến năm 2020 (tỷ lệ 1/10000) được UBND tỉnh phê duyệt ngày 07/04/2014 và Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang đến năm 2020 (tỷ lệ 1/25000) được UBND tỉnh phê duyệt ngày 11/11/2013).

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cả hai tấm Bản đồ quy hoạch sử dụng đất này đều thể hiện rõ vùng quy hoạch khai thác khoáng sản mỏ đá Hòn Thị của Công ty Hòn Thị do chính ông Lê Đức Vinh ký duyệt mà lại buộc Công ty này dừng hoạt động khai thác khoáng sản trước thời hạn? UBND tỉnh buộc Công ty Hòn Thị dừng hoạt động khai thác mỏ đá vào năm 2011 với lý do mở rộng quy hoạch thành phố Nha Trang.

Vậy tại sao năm 2013 và 2014 mỏ đá Hòn Thị vẫn được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã Phước Đồng nói riêng và thành phố Nha Trang nói chung? Thể hiện quy hoạch khai thác mỏ đá như vậy mà sao trong các văn bản báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2018, ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở vẫn cho rằng: “Không có cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh cho Công ty Hòn Thị được thuê đất phục vụ dự án?”. Phải chăng có ai đó trong bộ máy chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang muốn dồn ép Công ty Hòn Thị vào “con đường chết” bằng hình thức “bẻ cong quy hoạch”? Họ làm như vậy nhằm mục đích gì?

Nhập nhèm quy hoạch vùng khoáng sản tại xã Phước Đồng, doanh nghiệp nào được chính quyền tỉnh ưu ái?

Khi tiếp cận Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 19/03/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Phóng viên luôn thắc mắc là xã Phước Đồng cũng được đưa vào danh sách được phép thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản. Tuy nhiên lại dưới danh nghĩa là tên của một địa danh thuộc xã khác.

Rất nhiều lần phóng viên đặt câu hỏi này đối với Phòng Khoáng sản – Sở Tài nguyên và Môi trường. Câu hỏi đó là: “Tại sao địa danh Đất Lành lại được quy hoạch là vùng khoáng sản của xã Phước Đồng trong khi địa danh này thuộc xã Vĩnh Thái?”.

Trước câu hỏi này cả ông Nguyễn Thanh Minh – Trưởng phòng Khoáng sản và một chuyên viên của phòng có tên là Dũng đều ú ớ, né tránh không trả lời. Thậm chí có những khi phóng viên đề nghị mang bản đồ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt ra để phòng Khoáng sản chỉ cho phóng viên được biết vùng quy hoạch có tên “VLXDTT Đất Lành” thuộc vị trí nào ở xã Phước Đồng, thì không ai có thể chỉ ra được. Bởi lẽ trên Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang đến năm 2020 (tỷ lệ 1/25000), địa danh Đất Lành tồn tại ở xã Vĩnh Thái chứ hoàn toàn không dính dáng một chút nào đến xã Phước Đồng cả.

Đây cũng chính là lý do mà ông Minh – Trưởng phòng Khoáng sản luôn tìm cách né tránh tiếp xúc với phóng viên, ngay cả khi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản chỉ đạo vơi nội dung: “Giao Lãnh đạo phòng Khoáng sản làm việc trực tiếp với phóng viên để giải đáp về lĩnh vực chuyên môn (Văn bản số 1910/STNMT-VP) (?!).

Qua quá trình tác nghiệp và tìm hiểu, chúng tôi phần nào hiểu được tại sao xã Phước Đồng vẫn được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong khi lại tước quyền khai thác khoáng sản trước thời hạn của Công ty Hòn Thị tại mỏ đá Hòn Thị nằm trên địa bàn xã Phước Đồng.

Động cơ nào khiến Công ty Hòn Thị bị 'buộc dừng' hoạt động? (29) - Ảnh 3
Động cơ nào khiến Công ty Hòn Thị bị 'buộc dừng' hoạt động? (29) - Ảnh 4
Bản đồ quy hoạnh sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Nha Trang vẫn có vị trí khai thác đá Hòn Thị.

 

Phải chăng là bởi vì UBND tỉnh đã ưu ái cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa khai thác khoáng sản đất đá làm VLXD dưới danh nghĩa “Khai thác khoáng sản san lấp trong diện tích Khu kinh tế trang trại Đất Lành mở rộng tại xã Vĩnh Thái và xã Phước Đồng” với tổng diện tích sử dụng đất gần 20.000 m2. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là nếu chiểu theo Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang đến năm 2020 (tỷ lệ 1/25000) thì Khu kinh tế trang trại Đất Lành này nằm gọn trong quy hoạch sử dụng đất xã Vĩnh Thái chứ không hề lấn sang diện tích đất xã Phước Đồng một chút nào cả.

Thế nhưng với Bản Xác nhận của UBND tỉnh phê duyệt, thì Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa lại được độc quyền khai thác khoáng sản đất đá làm VLXDTT tại xã Phước Đồng, trong khi doanh nghiệp có quyền khai thác khoáng sản chính đáng như Công ty Hòn Thị lại bị tuýt còi buộc dừng khai thác mỏ.

Câu hỏi được đặt ra là Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa có lợi thế gì mà tỉnh Khánh Hòa lại ưu ái, thậm chí bỏ qua những quy định để cho phép khai thác như vậy? Chúng tôi xin nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Theo Hiền Anh và Nhóm PVĐT/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục