Gần 10 năm HUD "ngâm" quỹ bảo trì chung cư Việt Hưng

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù cư dân ở một số tòa chung cư tại khu đô thị mới Việt Hưng đã vào ở được nhiều năm nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được đầy đủ kinh phí bảo trì từ chủ đầu tư.

Gần 10 năm cư dân "đỏ mắt" đòi quyền lợi

Phản ánh bức xúc của mình tới báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Đinh Công Toán, Trưởng Ban quản trị cụm 15 (gồm các tòa P6, P7, P8, P9) khu đô thị mới Việt Hưng, cho biết nhiều năm qua, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà & đô thị (HUD) đã tìm đủ mọi cách nhằm trốn tránh việc bàn giao đầy đủ 2% kinh phí bảo trì cho cư dân nơi đây. Cũng trong từng ấy thời gian, những lời kêu cứu nhằm đòi quyền lợi chính đáng của người mua nhà dần chìm vào vô vọng. 

Theo ông Toán, các tòa của cụm 15 đã được HUD bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2007, tới khoảng giữa năm 2008, hầu hết căn hộ đều đã có người dân đến định cư. Cũng từ thời điểm này cho đến nhiều năm sau đó, các hộ dân nơi đây liên tục lên tiếng yêu cầu HUD tổ chức Hội nghị chung cư nhằm bầu ra Ban quản trị nhưng hết lần này đến lần khác đều bị chủ đầu tư tìm mọi cách từ chối.

Tuy nhiên, với sự đấu tranh gay gắt của cư dân, tới tháng 10/2013, HUD đã bắt buộc phải tổ chức tổ chức Hội nghị chung cư và lập ra Ban quản trị sau gần 6 năm tìm đủ mọi cách "hoãn binh". 

Đáng lưu ý, tại thời điểm đó, Luật Nhà ở (2005) đang có hiệu lực đã có quy định rất rõ ràng về việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Cụ thể, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị. Mặc dù vậy HUD vẫn cố tình lờ đi những quy định pháp luật này.

Gần 10 năm HUD "ngâm" quỹ bảo trì chung cư Việt Hưng  - Ảnh 1
Các khối nhà cao tầng thuộc cụm 15 khu đô thị mới Việt Hưng

Lý giải về sự trì hoãn kéo dài đằng đẵng nhiều năm trên, ông Toán cho rằng, có nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như HUD tranh thủ thời gian để đơn vị thành viên của mình có thể "tận thu" thông qua việc cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho cư dân nơi đây. Nhưng quan trọng hơn là nằm ở những lợi ích trực tiếp về tài chính từ số kinh phí bảo trì 2% (tạm gọi là quỹ bảo trì) mà người mua phải đóng khi nhận nhà. Càng kéo dài thời gian bàn giao quỹ bảo trì, chủ đầu tư càng có lợi, chỉ tính riêng lãi gửi ngân hàng của số tiền này đã là một khoản lớn, ông Toán nói. 

Ông Trưởng Ban quản trị cụm 15 cho biết thêm, mặc dù cư dân đã nhiều lần yêu cầu HUD công khai thông tin về quỹ bảo trì như số tiền ban đầu là bao nhiêu, cách tính thế nào, đã và đang được sử dụng vào mục đích gì... nhưng cũng giống như việc thành lập Ban quản trị, phía chủ đầu tư luôn tìm đủ mọi cách để không công khai những thông tin liên quan sát sườn tới quyền lợi của cư dân này. 

Suốt 2 năm đằng đẵng "đỏ mắt" đợi HUD công bố thông tin về quỹ bảo trì cùng vô số lần kiến nghị lên các cơ quan quản lý Nhà nước, phải tới tháng 8/2015, sau một cuộc họp khá gay gắt giữa Sở Xây dựng, đại diện cư dân và chủ đầu tư, HUD mới chịu đưa ra lộ trình bàn giao quỹ bảo trì. Cụ thể, đến tháng 9/2015, HUD sẽ bàn giao 50% và sau đó đến hết 2015 sẽ chuyển giao toàn bộ quỹ bảo trì cho cho các Ban quản trị của 9 tòa nhà 5 tầng và 3 tòa cao tầng, trong đó có cụm 15.

Đến ngày 13/10/2015, HUD đã bàn giao số tiền 731 triệu đồng cho các Ban quản trị. Theo phía chủ đầu tư, số tiền này tương đương với 50% quỹ bảo trì. Tuy nhiên khi ông Toán yêu cầu phía HUD công khai các thông tin như quỹ này được tính thế nào, trải qua một thời gian dài được chủ đầu tư giữ thì lãi suất ngân hàng ra sao... đều không nhận được câu trả lời xác đáng. 

Và tính cho đến giữa tháng 6/2016, hơn nửa năm sau thời điểm cam kết hoàn trả 100% quỹ bảo trì, Ban quản trị cụm 15 và một số cụm khác vẫn chưa nhận được nốt 50% còn lại cũng như rất "mịt mờ" về các thông tin xung quanh số tiền này. 

HUD “khư khư” ôm quỹ bảo trì ?

Theo quy định của pháp luật, người mua, thuê mua nhà ở và chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì (tạm gọi là quỹ bảo trì) phần sở hữu chung của nhà chung cư khi tòa nhà bắt đầu được đưa vào hoạt động. Quỹ bảo trì được sử dụng cho mục đích duy tu, bảo trì các phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư nếu xảy ra xuống cấp, hỏng hóc khi đã hết hạn bảo hành.

Phải chăng HUD đang muốn "ngâm" số tiền này càng lâu để được hưởng lợi từ lãi suất ngân hàng hoặc mang tiền đi đầu tư nhưng thua lỗ nên không thể trả cho cư dân? ông Toán đặt ra hàng loạt câu hỏi về sự minh bạch của quỹ bảo trì mà chủ đầu tư đang giữa của cư dân cụm 15.

Quá chán nản với thái độ chây ỳ của HUD, một số thành viên trong Ban quản trị cụm 15 cũng như đa phần dân cư đã có ý định "đầu hàng", không tiếp tục đòi số tiền còn lại. Nhưng quỹ bảo trì này lại gắn liền với quyền lợi trực tiếp cũng như ảnh hưởng về lâu dài đối với cư dân nơi đây nên dù có còn một mình thì tôi vẫn quyết tâm theo đuổi tới cùng nhằm minh bạch hóa số tiền đáng nhẽ phải thuộc về phía cư dân, ông Toán khẳng định.

Qua trao đổi với ông Toán, chúng tôi được biết, khi thực hiện thủ tục mua căn hộ, chị thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đóng phí bảo trì 2% trước khi nhận nhà tại đây. Có thể thấy, mặc dù là một trong những khu căn hộ được quảng cáo rầm rộ tại Hà Nội, thế nhưng mức độ hài lòng của người dân sống tại đây vẫn là "vấn đề" đáng quan tâm.

Theo Nghị định 99/2015/NĐ –CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, chủ đầu tư có trách nhiệm mở tài khoản tại tổ chức tín dụng để nhận tiền phí bảo trì và quản lý theo quy định của pháp luật. Đến khi ban quản trị chung cư được thành lập và có yêu cầu thì chủ đầu tư sẽ phải chuyển khoản số tiền phí bảo trì sang cho ban quản trị trong khoảng tối đa là 7 ngày nếu đã quyết toán số liệu hoặc 10 ngày nếu chưa quyết toán số liệu. Nếu xảy ra trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao thiếu, không đúng thời gian quy định, thì ban quản trị tòa nhà có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì.

Trong vòng 45 ngày, UBND cấp tỉnh, nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì sẽ phải thực hiện các công việc cưỡng chế và chuyển giao khoản kinh phí này cho các ban quản trị tòa nhà.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thì UBND cấp tỉnh phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Trang Nhi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục