Hà Nội: Công ty CP XNK Chuyên gia lao động và Kỹ thuật bị tố “đem con bỏ chợ”?

(Kinhdoanhnet) - Hơn 6 tháng làm việc tại Angola không có lương, không chế độ ăn uống, bảo hiểm y tế…khiến ông Lâm phẫn uất, do Công ty CP Xuất nhập khẩu Chuyên gia lao động và Kỹ thuật đã không thực hiện đúng như hợp đồng ký kết với người lao động.

Thu phí vượt thẩm định?

Theo đơn tố cáo của một số lao động và của ông Nguyễn Hữu Lâm trú tại địa chỉ Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh gửi đến báo Kinh doanh & Pháp luật phản ánh, ông Nguyễn Huy Trọng có cùng địa chỉ thường trú (Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) giới thiệu ông Lâm tìm đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và kỹ thuật (gọi tắt là công ty IMS) (473 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) để đi làm việc tại Angola.

 

 Hà Nội: Công ty CP XNK Chuyên gia lao động và Kỹ thuật bị tố “đem con bỏ chợ”? - Ảnh 1
Bà Nguyễn Lan Hằng – PGĐ và ông Vũ Danh Thắng phó phòng xuất khẩu lao động đại diện công ty IMS làm việc cùng PV

Theo ông Lâm cho biết: Mức phí công ty IMS thu của các lao động cùng đi với ông sang bên Angola làm việc vượt quá thẩm định của Cục quản lý lao động Ngoài nước. Cụ thể, công ty IMS đã thu phí của lao động Nguyễn Văn A 5500USD, Nguyễn T là 112.500.000 đồng... “Chúng tôi không rõ là quy định của Nhà nước về mức tiền phải đóng để đi xuất khẩu lao động là như thế nào, chỉ nghe cán bộ công ty phản ánh là phải đóng hơn 100 triệu, chúng tôi đều phải đóng hơn 100 triệu. Người thì nộp cho kế toán của công ty, người thì nộp cho “cò” môi giới, thế nhưng khi nộp kế toán công ty cũng chỉ ghi cho phiếu thu nhận là 73.720.000 đồng, chúng tôi hỏi tại sao số tiền còn lại không ghi họ nói là không cần thiết, nếu có ai hỏi thì không được nói và họ nói làm như thế để đi cho nhanh…”, ông Lâm, bức xúc cho hay.

Sau khi hoàn thành xong thủ tục, ngày 23/3 lao động được đưa xuống sân bay Angola, tuy nhiên điều làm những lao động ở đây bức xúc là khi xuống sân bay họ đều bị Cục xuất nhập cảnh của Angola thu giữ hộ chiếu. “Chỉ có 3 người trong số 16 lao động cùng chuyến bay sang làm việc tại Angola nhanh chân ra ngoài thì không bị thu hộ chiếu, còn lại tất cả chúng tôi đều bị họ thu giữ lại hộ chiếu, đến hôm chúng tôi về nước cũng không được người của công ty IMS phát lại hộ chiếu, họ chỉ làm cho chúng tôi mỗi người một cái giấy thông hành…”, ông Lâm bức xúc cho biết: sau khi tất cả ra khỏi sân bay, họ được một người phiên dịch của công ty IMS tên là Phong và giám đốc công ty Giabi đón về công trình nơi sẽ làm việc, lao động yêu cầu được ký hợp đồng, tuy nhiên yêu cầu này của họ bị gạt đi.

Làm việc không lương

Theo tìm hiểu của PV báo Kinh doanh & Pháp luật, theo HĐLĐ Công ty IMS ký kết thì mỗi tháng người lao động được cấp 200 USD tiền ăn, tuy nhiên sau tháng đầu tiên phía công ty Giabi chỉ cung cấp cho lao động 15.000 kuanza (tương đương với 100USD), chế độ ăn uống không đảm bảo người thì ốm đau, người thì bệnh tật, người lao động nhiều lần đòi quyền lợi nhưn không được.

 Hà Nội: Công ty CP XNK Chuyên gia lao động và Kỹ thuật bị tố “đem con bỏ chợ”? - Ảnh 2
Phiếu thu với số tiền rất lớn mà ông Lâm đưa cho ông Trọng nộp vào công ty IMS

“Theo hợp đồng thì 7 ngày đầu tiên của tháng kế tiếp chúng tôi sẽ được trả 800 USD/người. Số tiền này sẽ được công ty IMS gửi vào tài khoản của người nhà lao động, nhưng sau 3 tháng làm việc chúng tôi vẫn không nhận được một đồng nào, buộc chúng tôi phải cho người nhà ra trụ sở công ty IMS đòi tiền, thế nhưng công ty cũng chỉ ứng cho mỗi lao động chúng tôi được 30.000.000 đồng. Đồng thời, phía công ty thông báo tất cả chúng tôi phải tiếp tục làm việc không được bãi công…”, lao động phản ánh. Theo những lao động này, trước những vi phạm nghiêm trọng về hợp đồng họ vẫn tiếp tục làm việc không lương đến 5 tháng 15 ngày công thì lao động quyết định nghỉ việc, đồng thời đề nghị công ty đưa về nước.

“Ngày 8/9, người phiên dịch của công ty IMS và giám đốc công ty Giabi đến hứa sẽ mua vé máy bay cho tất cả lao động về nước, thế nhưng đến gần cuối tháng 9, họ vẫn không nói gì, buộc chúng tôi tiếp tục điện cho người nhà ra trụ sở công ty IMS phản đối đề nghị phía công ty can thiệp đưa chúng tôi về. Chúng tôi được phía công ty IMS hứa đưa về trong khoảng thời gian 1/10 đến tối đa là ngày 15/10 thế nhưng cũng phải đến 25/10 chúng tôi mới được đưa về nước…”, nội dung đơn thư phản ánh.

“Về đến nước chúng tôi mới tin mình còn sống, chúng tôi như người từ cõi chết trở về, bởi điều kiện bên đó quá khắc nghiệt. Chúng tôi đi làm về cửa phòng lúc nào cũng phải đóng kín mít bởi tình trạng cướp bóc, trấn lột, việc cướp mang súng vào nhà đánh đập, cướp bóc công nhân lao động diễn ra thường xuyên ở Angola. Tôi từng bị cướp vác súng đuổi theo nhưng may mắn thoát chết…”, H một trong 3 lao động từng bị cướp dí súng vào người cho biết.

“Chúng tôi đều là những lao động chân lấm tay bùn, thấp cổ bé họng việc chúng tôi phải về nước là điều không mong muốn nhưng trước tình hình nợ lương của công ty nếu ở lại thì ngày càng bi đát. Nay chúng tôi về nước phía công ty IMS chỉ hứa sẽ trả số tiền lương tương đương với gần 6 tháng chúng tôi làm việc, số tiền chúng tôi phải đóng cho công ty để đi Angola là hơn 100 triệu đồng nếu trả công ty IMS trả như thế chúng tôi biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Mặt khác việc công ty đưa chúng tôi đi làm Angola vào đúng công ty yếu kém, với kiểu “đem con bỏ chợ” thế này, phía công ty phải đền bù thỏa đáng cho những ngày công lao động và nên trả lại phần phí đã thu của chúng tôi…”.

Đừng đổ lỗi cho nền kinh tế nước bạn

 Hà Nội: Công ty CP XNK Chuyên gia lao động và Kỹ thuật bị tố “đem con bỏ chợ”? - Ảnh 3
Ông Phạm Viết Hương – (bên trái) Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước và ông Lê Thanh Hà – TP Hàn Quốc, Tây Á, Châu Phi trao đổi cùng PV về việc lao động đi Angola.

Nhóm PV báo Kinh doanh và Pháp luật đã có buổi làm việc cùng bà Nguyễn Lan Hằng – PGĐ và ông Vũ Danh Thắng phó phòng xuất khẩu lao động đại diện công ty IMS. Qua trao đổi về nội dung lao động phản ánh công ty IMS không thực hiện đúng hợp đồng dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động thì ông Thắng lại cho rằng đó không phải là lỗi hoàn toàn của công ty mà ông Thắng cho rằng sảy ra sự việc trên là do chính phủ Angola bị sụt giảm kinh tế do giá dầu thô giảm mạnh và ông cũng không quên khi cho biết hợp đồng lao động đi Angola đã được cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định rất kỹ nhưng vẫn để sảy ra sai sót. Còn về việc thu phí cao so với quy định ông Thắng lại khẳng định là những khoản thu của công ty IMS với người lao động là phù hợp với quy định. Nhưng trên thực tế số tiền người lao động nộp cho công ty lại cao hơn nhiều so với bảng kê chi phí đi Angola do công ty IMS đưa ra.

Ngày 8//1/2016, nhóm PV báo Kinh doanh và pháp luật tiếp tục có buổi làm việc cùng ông Phạm Viết Hương - Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước và ông Lê Thanh Hà – TP Hàn Quốc, Tây Á, Châu Phi. Qua trao đổi ông Hương cho biết thị trường lao động đi Angola là thị trường có nhiều rủi ro về vấn đề an ninh vì thế từ giữa năm 2015 đến nay chỉ có 11 lao động đi Angola làm việc. Ông Hương cũng nhận định việc công ty IMS đưa lao động đi Angola nhưng lại để sảy ra tình trạng nợ lương là do nền kinh tế của chính phủ Angola bị suy thoái do giá dầu giảm mạnh. Ông Hương cho biết việc người lao động phản ánh công ty IMS thu phí quá cao so với quy định cục quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị giải trình của công ty IMS nhưng đến nay cục quản lý lao động ngoài nước vẫn chưa nhận được công văn trả lời.

Một thị trường quá rủi ro hay việc công ty IMS đã chọn đối tác quá yếu kém về tiềm lực kinh tế dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn và nguồn ngân sách của chính phủ. Việc công ty IMS đưa người lao động sang Angola làm việc theo kiểu đem con bỏ chợ đang làm mất niềm tin của người lao động vào thị trường Angola. Qua nội dung phản ánh báo Kinh doanh và pháp luật đề nghị cục quản lý lao động ngoài nước cần sớm có phương hướng giải quyết hậu quả và xử lý triệt để tránh gây hoang mang trong dư luận và tình trạng đơn thư kéo dài. 

Báo Kinh doanh và pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục