Về những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật Việt Nam: Kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ

(Kinhdoanhnet) - Không rõ, số tiền lớn nói trên do các hội viên góp hiện đang nằm ở đâu? Việc này cùng các sai phạm mà ông Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật cung cấp rất mong được các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương và Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ.

Báo Kinh doanh & Pháp luật số ra ngày 13/1/2016 đã đăng bài: "Về những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Việt Nam - Cần sớm điều tra làm rõ". Nội dung bài báo phản ánh các thông tin được nên trong đơn đề nghị gửi báo Kinh doanh & Pháp luật và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội của ông Trần Xuân Thủy, một Cựu chiến binh, một thương binh 1/4, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật Việt Nam. Cùng với lá đơn đề nghị này, ông Thủy cũng đồng thời gửi cho báo Kinh doanh & Pháp luật nhiều tài liệu, văn bản, chứng từ, giấy vay tiền, hóa đơn v.v... Minh chứng cho những điều mà ông Thủy đề cập trong văn bản gửi báo Kinh doanh & Pháp luật là hoàn toàn chính xác.

Sau khi báo phát hành, chiều ngày 13/1/2016, Cựu chiến binh Trần Xuân Thủy lại chủ động đến trụ sở tòa soạn để trao đổi và cung cấp thêm một số tài liệu phản ánh về những dấu hiệu tiêu cực xẩy ra ở Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật Việt Nam. Một lần nữa ông Thủy khẳng định rằng các vụ việc mà ông cung cấp đều được minh chứng bằng các tài liệu, chứng từ và rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, mọi việc sẽ bị phanh phui. Trong số những vụ việc tiêu cực mà ông Thủy đề nghị làm rõ là việc lãnh đạo Hiệp hội đã chỉ đạo Trung tâm dậy nghề I cắt 30% kinh phí dậy nghề cho người khuyết tật vào các năm 2006, 2007 và 2008 với số tiền lên đến 427.958.000 đồng. Theo ông Thủy thì tại một cuộc họp Ban thường vụ, ông đã đưa vấn đề này ra để làm rõ; vì đó là khoản tiền ngân sách do Nhà nước cấp chi cho việc dậy nghề người tàn tật. Đây là một chủ trương có tính nhân văn và nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với một đối tượng trong cộng đồng xã hội bị thiệt thòi và tổn thương khi họ phải mang trên người những thương tật. Đáng ra toàn bộ số tiền ngân sách Nhà nước cấp phải đến đúng địa chỉ và đối tượng; đúng với số tiền mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt; song thật tiếc số tiền đó đã bị những người có trách nhiệm ở  Hiệp hội này làm biến dạng. Họ đã chỉ đạo Trung tâm dậy nghề I cắt 30% trong tổng số tiền được phê duyệt vào những công việc không đáng có như chi cho các đoàn đi Mỹ và Singapo... Theo ông Thủy, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội thì khi thực hiện việc này, họ đã dấu Thanh tra Tổng cục dậy nghề. Do vậy Cơ quan Thanh tra, Tổng cục dậy nghề không hề hay biết và lẽ dĩ nhiên món tiền lớn đó đã được thực hiện trót lọt. Nhưng rồi "Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra". Đó là vào thời điểm tháng 11/2009, ông Giám đốc Trung tâm dậy nghề I, kiêm Phó Văn phòng Hiệp hội tự báo cáo trước phiên họp của thường trực Hiệp hội về đường đi, lối lại của khoản tiền này thì mọi người mới ngã ngửa về những sai phạm trong việc xâm phạm tiền ngân sách Nhà nước ở đây ra sao?. Sau khi vụ việc tiêu cực nói trên bị vỡ lở; Bộ Tài chính; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tổng cục dậy nghề đã đình chỉ việc cấp chỉ tiêu dậy nghề và cắt kinh phí hoạt động thường xuyên của Hiệp hội từ năm 2009 đến nay.

Về những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật Việt Nam: Kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ - Ảnh 1
Ông Trần Xuân Thủy.

Song điều mà dư luận quan tâm như ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội đã chỉ ra là toàn bộ số tiền 427.958.000 đồng được cắt trong khoản 30% kinh phí dậy nghề cho người tàn tật đến nay đã sử dụng hết. Từ sai phạm này như số báo trước, chúng tôi đã phản ánh đã dẫn đến những tiêu cực khác. Đó là việc ông Trần Quang Du, Giám đốc Trung tâm dậy nghề I, Phó Văn phòng Hiệp hội, theo ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội thì "đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 280.000.000 đồng và 255.000.000 đồng của 3 hội viên Hiệp hội qua hình thức viết giấy vay tiền và đóng dấu trung tâm". Toàn bộ hai khoản tiền này đến nay đã 8 năm trôi qua, ông Trần Quang Du vẫn chưa trả.

Tại buổi tiếp xúc với Ban biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Trần Xuân Thủy đã phản ánh thêm một sự việc mà hệ lụy của nó xem ra cũng khá nghiêm trọng. Đó là khoản tiền huy động đóng góp xin đất xây dựng Trụ sở Hiệp hội. Về việc này, theo ông Thủy thì từ năm 2005, Hiệp hội đã có chủ trương làm văn bản gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội để xin đất xây trụ sở. Khi có chủ trương này, từ năm 2005 đến hết năm 2005, Hiệp hội đã thu của 6 hội viên với tổng số tiền là 6.090.000.000 đồng. Thực chất như ông Thủy thì 6 hội viên này đóng tiền để mong được nhận từ 1 đến 2 suất đất với diện tích 280m2/ suất; mỗi suất 1 tỷ đồng. Chuyện tưởng yên ả, nào ngờ lãnh đạo thành phố Hà Nội không phê chuẩn việc cấp đất cho Hiệp hội nên đến nay có người ngay từ năm 2005 đã bán vàng hoặc vay tiền lãi suất cao để ném vào "phi vụ" này, nhưng 12 năm trôi đi suất đất đó vẫn ở "trên trời". Do đã trót trao tiền mà "cháo chưa múc" nên có hội viên đã rơi vào thảm cảnh phải bán nhà mà họ đang ở để trả nợ và phải chấp nhận cuộc sống đi ở nhờ, ở lều ven sông.

Không rõ, số tiền lớn nói trên do các hội viên góp hiện đang nằm ở đâu? Việc này cùng các sai phạm mà ông Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội Thương binh và Người tàn tật cung cấp rất mong được các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương và Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ.

Quang Minh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục