DRH Holdings và những lùm xùm tại dự án Lạc Việt

Ngoài việc dùng cát mặn để san lấp mặt bằng, DRH Holdings còn báo cáo lên chính quyền sai sự thật về nguồn cát san lấp tại dự án Lạc Việt.

Dùng cát mặn san lấp

Theo thông tin giới thiệu, dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư, toạ lạc tại xã Thắng Hải, hụyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Dự án có tổng diện tích 738.571,9 m2, bao gồm: 10.828,1 m2 đất hành lang an toàn đường sông; 5.080 m2 đất hành lang và đường N7; 2.479,5 m2 đất tín ngưỡng (đình thần Nam Hải); 720.184,3 m2 đất quy hoạch.

DRH Holdings và những lùm xùm tại dự án Lạc Việt - Ảnh 1
Ống hút cát được nối thẳng xuống biển.

Trong 720.184,3 m2 đất quy hoạch để thực hiện khu du lịch thì có 385.914,1 m2 đất thương mại dịch vụ du lịch, 161.136,3 m2 đất công viên cây xanh, 1.769,9 m2 đất hạ tầng kỹ thuật và 171.364 m2 đất giao thông.

Theo tìm hiểu của PV, dù đứng tên chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, thế nhưng trên thực tế, hiện nay dự án này đã rơi vào tay DRH Holdings thông qua việc mua bán, sát nhập công ty.

Theo phản ánh của người dân địa phương, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã có dấu hiệu sử dụng cát mặn, được hút trực tiếp từ biển lên để san lấp mặt bằng.

Ghi nhận thực tế, tại bờ biển khu vực ven dự án có một số tàu thuyền, sà lan đang có dấu hiệu thực hiện việc hút cát ngoài khơi. Bên cạnh đó là hệ thống đường ống bơm cát chằng chịt được trải khắp dự án, có đường ống thông thẳng xuống dưới biển. Dự án được rào chắn bởi nhiều tấm tôn cỡ lớn, bên trong dự án hiện tại vẫn có công nhân làm việc.

DRH Holdings và những lùm xùm tại dự án Lạc Việt - Ảnh 2
Hệ thống ống bơm chằng chịt, trải dài dọc bờ biển kéo lên mặt bằng dự án Lạc Việt.

Các chuyên gia lĩnh vực xây dựng khuyến cáo rằng, việc sử dụng cát mặn trong việc san lấp mặt bằng, xây dựng công trình sẽ làm cho kết cấu công trình mau xuống cấp, vì khi dùng cát mặn có thể khiến công trình bị rỉ sắt thép, làm giảm sức bền, tạo ra nứt, hoặc gãy công trình sau một thời gian dài sử dụng.

Báo cáo sai sự thật về nguồn cát san lấp

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận tại công văn số 4059/UBND - KGVX ngày 25/9/2018 và Công văn số 5631/VP-KGVX ngày 18/10/2018, nội dung “giao Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Hàm Tân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động bơm hút cát vào san lấp mặt bằng tại khu vực dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt”. Qua triển khai thực hiện, ngày 10/12/2018 Sở TN&MT đã có báo cáo số 5866/STNMT-TNKS gửi UBND tỉnh.

Trong báo cáo nêu rõ, hoạt động mua bán cát của các doanh nghiệp theo các hợp đồng tại thị xã La Gi và tỉnh Đồng Tháp vận chuyển đến khu vực san lấp Dự án thông qua 04 hợp đồng mua bán cát của 05 doanh nghiệp nên việc xác minh nguồn gốc các hóa đơn, chứng từ gặp nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt báo cáo nguồn cát chủ yếu từ Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tâm nhưng qua xác định ban đầu thì việc khai báo này là không phù hợp.

Cụ thể, Công ty Tuấn Tâm khai thác tổng khối lượng cát đã nạo vét khoảng 6.500m3 và đã bán cho Công ty Kiến Thành 3.000 m3 đưa về san lấp mặt bằng tại Tp.Phan Thiết, trong khi đó các doanh nghiệp báo cáo đã mua 10.000 m3 cát để san lấp mặt bằng tại Dự án Lạc Việt.

Bên cạnh đó, trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12/9/2018 tại Quyết định số 2377/QĐ-UBNĐ chưa có đánh giá cụ thể tác động nhiễm mặn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn: Khoe365/GD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục