Huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn: Gian nan đi đòi đất … có chủ

(Kinhdoanhnet) - Sau nhiều năm đội đơn đi kiện, ông Lý Minh Đệ, trú tại khu 4, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn khiếu nại quyết định thu hồi đất số 318UB/QĐ ngày 28-10-1995 của UBND huyện Đình Lập. Theo Quyết định 318 thì ông Lý Minh Đệ bị thu hồi thửa đất 125, diện tích 570m2 và không được đền bù một đồng nào với lý do mà UBND huyện Đình Lập đưa ra là: thửa đất 125 có nguồn gốc là “ruộng vắng chủ”. Suốt 19 năm trời đi tìm công lý, cuối cùng ngày 25-3-2014, UBND huyện Đình Lập đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Lý Minh Đệ. Tuy nhiên, ông Đệ đã không đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại đó của UBND huyện Đình Lập, ông Đệ đã có đơn khiếu nại quyết định số 571 nêu trên đến UBND tỉnh Lạng Sơn và đề nghị được xác minh lại toàn bộ sự việc.

Đất đã cấp GCNQSD đất bị biến thành đất… vắng chủ!

Quyết định thu hồi đất số 318UB/QĐ ngày 28-10-1995 của UBND huyện Đình Lập về việc thu hồi đất ruộng thuộc xứ đồng Nà Phai, thị trấn Đình Lập của hộ ông Lý Minh Đệ. Theo đó, huyện Đình Lập thu hồi đất thửa số 125, diện tích 470m2 thuộc xứ đồng Nà Phai, thị trấn Đình Lập, có nguồn gốc là ruộng “vắng chủ”, đã cấp giấy CNQSD đất số 0576201, số thứ tự 26, năm 1994 cho hộ ông Lý Minh Đệ.

Sau khi nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đình Lập, ông Đệ đã có đơn khiếu nại quyết định số 318 nêu trên. Ngày 4-1-1996, UBND huyện Đình Lập đã ban hành văn bản số 05CV/UB( tại thời điểm đó, UBND huyện Đình Lập không ban hành QĐ giải quyết khiếu nại theo điều 8 khoản 1, điểm b của Pháp Lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, ngày 07/05/1991) về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Lý Minh Đệ, tuy nhiên nội dung công văn trả lời ông Đệ vẫn giữ nguyên quan điểm là thửa đất đó là “đất vắng chủ”, và yêu cầu ông Đệ phải thi hành theo quyết định 318.

Theo tinh thần quyết định đó, tại điều 2 là buộc ông Lý Minh Đệ sau một tháng phải nộp lại giấy CNQSD đất để cấp có thẩm quyền chỉnh lý lại. Tuy nhiên, ông Đệ đã không đồng tình và phản bác lại quyết định đó của UBND huyện Đình Lập.

Ông Đệ cho biết: thửa đất số 125, tờ bản đồ số 10, diện tích 570m2 đã được UBND huyện Đình Lập cấp giấy CNQSD đất ngày 18-6-1994, được gia đình ông Đệ sử dụng ổn định từ trước năm 1990 và không có tranh chấp . Theo ông Đệ cho biết thì thửa đất này trước khi được cấp giấy CNQSD đất, gia đình ông Đệ vẫn sử dụng vào mục đích là trồng lúa.

Ngày 28-10-1995, UBND huyện Đình Lập thu hồi thửa đất trên với diện tích 470 m2, còn lại 100 m2 chưa thu hồi. Sau khi bị thu hồi, trụ sở của Chi cục thuế huyện Đình Lập đã được xây dựng trên đó, hiện tại Chi cục thuế xây dựng, mở rộng và lấy luôn 100m2 nhưng gia đình ông Đệ cũng không được đền bù hay hỗ trợ.

Không đồng tình với cách giải quyết của UBND huyện Đình Lập, ông Đệ đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại, đến ngày 21-9-2012, UBND huyện Đình Lập ra công văn số 516/CV- UBND về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Lý Minh Đệ. Thế nhưng, nội dung công văn vẫn giữ nguyên quan điểm là “không đủ điều kiện xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.

19 năm đi kiện … vẫn chưa xong!

Sau 19 năm đội đơn khiếu nại, những tưởng sẽ được các cơ quan chức năng huyện Đình Lập giải quyết “ thấu tình, đạt lý”, nhưng cuối cùng Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Đình Lập vấn còn những điều chưa được sáng tỏ: Theo nội dung Quyết định số 571, UBND huyện Đình Lập khẳng định là việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình ông Đệ là “ không đúng quy định”, vì theo như cơ quan tham mưu cho UBND huyện xác minh nguồn gốc thửa đất số 125 thì: “ Diện tích đất ông Đệ yêu cầu đòi bồi thường có nguồn gốc nguyên là của gia đình địa chủ tên là Hoàng Văn Hương( thường gọi là Châu Mẫn), con của ông Hoàng Ngọc Đường, trú tại Khe Luồn, thôn Thượng, xã Định Lập, nha Định Lập, tỉnh Hải Ninh sử dụng từ trước năm 1953. Năm 1953, Nhà nước quản lý và tạm cấp cho gia đình ông Phương Danh, trú tại xã Đình Lập( nay ông Danh đã chết).

Từ năm 1953 đến 1965, gia đình ông Danh trực tiếp quản lý, sử dụng. Năm 1965, vợ chồng ông Danh thoát ly làm công nhân thì thửa đất này được đưa vào hợp tác xã nông nghiệp Hòa Bình, huyện Đình Lập quản lý( sau này là HTX Yên Lập). Đến thời kỳ khoán 10( Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1998 của Bộ Chính trị) thửa đất được giao cho gia đình ông Bế Thăng, trú tại thôn Nà Áng, xã ĐÌnh Lập canh tác, sử dụng cho đến năm 1991, thời kỳ các HTX nông nghiệp nói chung và HTX Yên Lập không hoạt động, trên địa bàn huyện xảy ra việc đòi lại ruộng đất “ ông cha” trước đây đã góp vào HTX.

Ông Đệ đã đưa ra bản văn tự bằng chữ Hán – Nôm để cho đó là bằng chứng thửa đất có nguồn gốc là của gia đình ông và yêu cầu ông Thăng trả lại thửa đất số 125; do không hiểu biết pháp luật nên gia đình ông Thăng đã chấp nhận để ông Đệ sử dụng khu đất này”. Ngày 18/6/1994, ông Đệ có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất 125, diện tích 570m2. Cùng ngày 18/6/1994, UBND huyện Đình Lập đã cấp GCNQSD đất số 26 QSDĐ( số xê ri E0576201) cho ông Đệ, gồm 07 thửa đất nông nghiệp thuộc tờ bản đồ giải thửa số 10, trong đó có thửa số 125, diện tích 570m2”.

Tuy nhiên trên thực tế thì khi ông Đệ có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa 125 thì không có sự khiếu kiện hay tranh chấp của ông Bế Thăng cho nên UBND huyện mới chấp thuận cấp sổ đỏ cho ông Đệ và cũng tại thời điểm đó gia đình ông Bế Thăng cũng đã đồng ý cho ông Đệ được sử dụng thửa đất số 125 đó.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho biết quan điểm như sau:

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo Điều 26 luật đất đai năm 1993 thì: Khi Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này; cá nhân sử dụng đất đã chết mà không có người được quyền tiếp tục sử dụng đất đó.

2. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao.

3. Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép.

4. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

5. Đất sử dụng không đúng mục đích được giao.

6. Đất được giao không theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này. 

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp thuộc đoàn luật sư Hà Nội
Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp thuộc đoàn luật sư Hà Nội 


Và tại Điều 27 của Luật này cũng quy định:

Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.

Đối với vụ việc trên nếu tại thời điểm ông Lý Minh Đệ có đơn xin đăng ký được cấp GCNQSD đất mà không có tranh chấp và ông Đệ đã được cấp sổ đỏ thì khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với người dân thì phải có phương án đền bù, hỗ trợ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Trong một diễn biến mới đây, sau khi nhận được đơn của ông Lý Minh Đệ, ngày 9-9-2014, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 6945/VPCP –V.I về việc chuyển đơn của ông Lý Minh Đệ đến UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét giải quyết và báo cáo Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết.

Thực hiện sự chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, ngày 16-9-2014, UBND tỉnh Lạng Sơn ra công văn số 2401/VP-TCP về việc kiểm tra, rà soát kết quả giải quyết đơn của ông Lý Minh Đệ và giao cho Thanh tra tỉnh Lạng Sơn rà soát và phối hợp với các Ban, ngành kiểm tra, đề xuất phương án giải quyết đối với vụ việc của ông Lý Minh Đệ. Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

Quốc Hưng


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục