Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (42)

Buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty Hòn Thị diễn ra ngày 5/7 vừa qua đã không được suôn sẻ như mong đợi.

Chiều ngày 05/07/2019, tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh Khánh Hòa diễn ra buổi đối thoại giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (gọi tắt là Công ty Hòn Thị) để giải quyết các khiếu nại theo Đơn mà UBND tỉnh đã thụ lý trước đó. Đây được coi là sự kiện mong mỏi nhất của Công ty Hòn Thị với kỳ vọng đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp lắng nghe và thấu hiểu những bất cập, khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt để từ đó đưa ra phương hướng giải quyết, biện pháp tháo gỡ thấu tình đạt lý nhất. Nhưng buổi đối thoại lại không diễn ra suôn sẻ như mong đợi.

Công ty Hòn Thị bức xúc về cách giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (42) - Ảnh 1
Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (42) - Ảnh 2
Buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty Hòn Thị diễn ra ngày 5/7 vừa qua đã không được suôn sẻ như mong đợi.

 

Như đã phản ánh, thời điểm trước khi diễn ra buổi đối thoại, Công ty Hòn Thị đã có trao đổi và gửi văn bản tới UBND tỉnh Khánh Hòa để đề nghị cơ quan này cho phép thành phần thứ ba tham dự buổi đối thoại. Đó là đại diện của Đại Sứ quán Ai – Len. Tuy nhiên UBND tỉnh và Sở ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa đã từ chối đề nghị này của Công ty Hòn Thị.

Ngoài Đại Sứ quán Ai – Len thì đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng là thành phần được Công ty Hòn Thị đề xuất có mặt trong buổi đối thoại. Tuy nhiên thành phần này cũng bị UBND tỉnh bác bỏ.

Giải thích cho việc từ chối thành phần thứ ba tham dự buổi đối thoại, đại diện Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: “Theo UBND tỉnh Khánh Hòa thì thành phần tham dự đối thoại giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị có hai thành phần được ưu tiên. Thứ nhất là Đại diện pháp luật của Công ty Hòn Thị (hoặc người được Công ty Hòn Thị ủy quyền tham gia đối thoại) và thứ hai là luật sư bào chữa. Vì vậy thành phần thứ 3 là thành phần không được ưu tiên và phải xem xét thông qua. Sau khi Lãnh đạo UBND tỉnh hội ý thông qua thì kết quả là từ chối thành phần thứ ba tham dự đối thoại”.

Về phía Công ty Hòn Thị, ông Ole Bollingtoft – Tổng Giám đốc Công ty tỏ rõ sự bức bối vì những thành phần mà Công ty cũng như Chủ đầu tư nước ngoài của Công ty này dự kiến mời tham dự buổi đối thoại đều bị UBND tỉnh từ chối.

Ông Ole chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đây là một buổi đối thoại công khai để giải quyết những khiếu nại của Công ty Hòn Thị, nên sự có mặt của đại diện VAFIE sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng của buổi đối thoại và chúng tôi mong muốn mọi diễn biến được ghi nhận công tâm bởi các thành phần được tham dự. Chính vì thế mà tôi muốn thuyết phục Chủ tịch UBND tỉnh hiểu và cho phép sự hiện diện của phía VAFIE. Tiếc rằng chúng tôi vẫn bị từ chối và không được phép lựa chọn. Bước vào phòng đối thoại chỉ có tôi, phiên dịch viên và luật sư bào chữa”.

Ông Ole cho rằng mình đã bị một sức ép tâm lý khủng khiếp khi bước vào phòng đối thoại, bởi những thành phần giúp ông củng cố thêm niềm tin để có thể trình bày tốt quan điểm của mình tại buổi đối thoại đã bị UBND tỉnh gạt hết. Toàn phiên đối thoại có tổng cộng 30 người trong đó Công ty Hòn Thị chỉ có vỏn vẹn 3 người. Số lượng người của UBND tỉnh nhiều gấp 9 lần số người của Công ty Hòn Thị, đặc biệt, trong buổi đối thoại này còn có sự hiện diện của Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa mà theo Công ty Hòn Thị thì đáng ra Cơ quan Công an có mặt trong buổi đối thoại là không cần thiết vì đây là việc giải quyết khiếu nại văn bản hành chính do UBND tỉnh ban hành.

Cũng theo chia sẻ của Công ty Hòn Thị thì ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh là người phát biểu mở màn buổi họp. Giải thích về sự chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị, ông Vinh nêu lý do vì tính chất sự việc phức tạp nên các Sở có liên quan phải mất nhiều thời gian xác minh.

Trong phần trình bày của mình, phía Công ty Hòn Thị đã nhấn mạnh các nội dung như sau: “Công ty Hòn Thị giữ nguyên các nội dung khiếu nại; Đề nghị UBND tỉnh để cho Công ty tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Hòn Thị; Đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ Quyết định 9084/UBND-XDNĐ ngày 06/09/2018 và khôi phục quyền Chủ đầu tư thực hiện dự án cho Công ty Hòn Thị; Đồng thời hủy bỏ Quyết định số 3448/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 và hoàn thiện các thủ tục về đất tạo điều kiện cho Công ty sử dụng đất thực hiện dự án hợp pháp”.

Cũng trong phần trình bày của mình, Luật sư bào chữa của Công ty cũng đưa ra những lập luận, căn cứ pháp lý, dẫn chứng cho thấy việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các Quyết định 9084/UBND-XDNĐ và 3448/QĐ-UBND là không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục.

Luật sư cho rằng: “Tại tỉnh Khánh Hòa, có rất nhiều những Dự án đầu tư xây dựng được UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện các bước thủ tục giống như Công ty Hòn Thị. Điều đó chứng tỏ hành lang pháp lý áp dụng cho các nhà đầu tư nơi đây là giống nhau. Vậy tại sao chỉ có mình Công ty Hòn Thị bị nhà chức trách gây khó khăn và cho rằng đã thực thi không đúng quy định?”.

Nhiều câu hỏi, thắc mắc xoay quanh vấn đề của Công ty Hòn Thị được Luật sư bào chữa đưa ra. Tuy nhiên phía UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh không đưa ra lời giải thích mà chỉ một mực cho rằng Công ty này đã vi phạm pháp luật.

Nói về việc này, đại diện Công ty Hòn Thị bức xúc cho biết: “Ông Vinh không đưa ra minh chứng cụ thể về hành vi phạm lỗi của Công ty Hòn Thị, nhưng lại liên tục cho rằng Công ty này đã vi phạm pháp luật. Hơn thế, ông Vinh còn nhấn mạnh Công ty Hòn Thị cần phải thảo luận với Công an tỉnh về hành vi vi phạm của mình. Ông Vinh cũng cho rằng việc ban hành Quyết định phê duyệt tư cách chủ đầu tư cho Công ty Hòn Thị vào năm 2016 là không đúng quy định pháp luật. Cho nên UBND tỉnh đã sửa chữa bằng cách hủy bỏ Quyết định này và tiến hành các thủ tục đầu tư dư án từ bước đầu cho quy chuẩn”.

Một hướng mở được UBND tỉnh đưa ra, đó là UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện cho Công ty Hòn Thị được phép thăm dò, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản ở một vị trí mới, phù hợp với quy hoạch khai thác khoáng sản đã được UBND phê duyệt.

Tuy nhiên phía Công ty Hòn Thị đã bác bỏ phương hướng mới của UBND tỉnh vì cho rằng: “Dự án Hòn Thị là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt tại tỉnh Khánh Hòa (vào năm 1996). Công ty Hòn Thị đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương này, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại đây. Đáng ra Công ty phải được UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận và tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động thay vì bị chèn ép, gây khó đến mức ngưng trệ như hiện nay. Chính vì thế Công ty Hòn Thị không có nhu cầu khai thác khoáng sản tại vị trí mới mà chỉ đề nghị UBND tỉnh cho tiếp tục thực hiện Dự án đang bị ngưng trệ tại mỏ đá Hòn Thị”.

Như vậy có thể thấy, trong buổi đối thoại giải quyết khiếu nại giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty Hòn Thị diễn ra vào chiều ngày 05/07/2019 thì quan điểm cũng như những căn cứ, dẫn chứng pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hòn Thị được Công ty này trình bày rất rõ ràng. Đáp lại quan điểm của Công ty Hòn Thị thì phía UBND tỉnh Khánh Hòa lại thể hiện quan điểm có phần quy chụp, áp đảo cũng như chưa thực sự tuân thủ luật pháp.

Cụ thể trong trường hợp UBND tỉnh cho rằng việc mình ban hành các Quyết định hành chính không đúng cho nên giờ sửa sai bằng cách thu hồi lại, thì đây không phải cách giải quyết theo quy đinh của pháp luật. Bởi Điều 13, Mục 2, Chương II Luật Khiếu nại quy định: “Người bị khiếu nại phải có nghĩa vụ bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do Quyết định hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Nếu chiểu theo Điều khoản này thì có lẽ UBND tỉnh không chỉ đơn thuần là ban hành văn bản sai thì thu hồi lại như ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh đã phát ngôn tại buổi đối thoại giải quyết khiếu nại của Công ty Hòn Thị? Chưa kể đến việc UBND tỉnh đề nghị Công ty Hòn Thị thảo luận với Công an tỉnh trong buổi đối thoại giải quyết khiếu nại liệu có phù hợp và thực sự cần thiết hay không vì đây vì mục đích của buổi đối thoại là giải quyết khiếu nại các Quyết định hành chính chứ hoàn toàn không có yếu tố hình sự tại sự kiện này.

Cũng chính vì sự việc diễn ra có nhiều bất cập đến khó hiểu và thiếu đi tính công bằng, cho nên Công ty Hòn Thị đã không ký vào biên bản ghi nhận nội dung đối thoại khi UBND tỉnh yêu cầu. Vậy thì khiếu nại của Công ty Hòn Thị bao giờ mới được giải quyết? Và nếu không giải quyết một cách thấu tình, đạt lý thì sự việc sẽ đi về đâu?

 

 

Hiền Anh và nhóm PVĐT/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục