Không thể để vụ "quan" thanh tra Lê Sỹ Bảy chìm xuồng

(Kinhdoanhnet) - Trở lại chuyện học hành khuất tất của ông Lê Sỹ Bảy. Làm phó và trưởng của 4 đoàn thanh tra đi công cán trong miền Nam, cùng lúc đó, làm sao anh ta có thể đến những 2 trường để học ngành ngân hàng và chính trị?

Nói đến thanh tra, người ta nghĩ ngay đến sự minh bạch, nghiêm túc, công bằng, rạch ròi trắng đen. Và bao trùm lên tất cả phải là phẩm chất trong sạch, trung thực của người hành nghề. Vì sao vậy? Rất đơn giản. Vì như vậy mới có thể có được niềm tin nơi người dân. Họ luôn trông chờ, gửi gắm vào người làm nghề thanh tra sự tử tế, đàng hoàng, có lương tâm để tìm ra mọi sự thật. Tìm ra được rồi thì lại phải có dũng khí để công bố đúng sự thật mà không run sợ trước bất cứ thế lực nào – dẫu mạnh đến đâu – muốn che dấu, ém nhẹm.

Sở dĩ tôi lạm bàn về nghề thanh tra hơi dài dòng một chút bởi vì vừa rồi, qua báo Kinh doanh & Pháp luật, được biết một chuyện không hay ho, có thể nói là bê bối, quá phản cảm, làm mất niềm tin của dân xảy ra ở Thanh tra Chính phủ - cơ quan giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật cao nhất của Nhà nước. 

Lê Sỹ Bảy
Ông Lê Sỹ Bảy.

Chuyện rằng có một “quan thanh tra” tên Lê Sỹ Bảy, ngồi ghế Vụ Trưởng một vụ, 48 tuổi – nghĩa là còn trên 10 năm nữa mới về hưu – đã sở hữu tới 6 căn nhà (theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối). 

Anh ta và phu nhân đi 2 chiếc ô-tô trị giá gần 5 tỷ đồng. Khối bất động sản “khủng” và 2 chiếc xe nếu của một đại gia kinh doanh lớn thì có thể hiểu được. Nhưng của một cán bộ Nhà nước với mức lương chưa tới 10 triệu đồng/tháng thì quả là một dấu hỏi lớn. Và dĩ nhiên là có ngay câu trả lời: Anh ta giàu có, phất lên nhanh chóng như vậy là nhờ công việc, chiếc “ghế” của mình. Nhưng cũng có nhiều người còn quyền cao chức trọng hơn anh ta nhiều, song, không như vậy, không có gì khiến dư luận dị nghị. 

Vậy là do ông quan Thanh tra này làm ăn khuất tất, lợi dụng chức vụ, lợi thế quyền lực của mình để “đi đêm”, “ăn đêm”. Khẳng định điều này chỉ có thể là các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Không ai dám kết luận. Nhưng cái lo-gic rõ ràng như ban ngày như vậy sẽ khiến ai cũng có quyền suy ra, đặt câu hỏi. Tôi cũng là một công dân nằm trong số này.

Làm ăn mờ ám thế nào thì như đã nói là chưa thể kết luận 3 năm rõ mười. Nhưng khuất tất thì quá rõ. Đó là việc mù mờ về học hành, biển lận về bằng cấp nhưng lại được thăng tiến khá nhanh trong bước hoạn lộ (Mời các bạn đọc báo Kinh doanh & Pháp luật số 103 ra ngày 17/9 sẽ rõ điều này). 

Học hành, phấn đấu để tiến bộ trong cuộc sống là quyền của mỗi công dân được hiến định trong Hiến pháp của nước ta. Nhưng nếu ai không chịu khó, phấn đấu để vươn lên, đạt những bằng cấp cao thì cũng không thể ép buộc. Có nghĩa người ta cũng có quyền “trung bình chủ nghĩa”, không có ý vươn lên do thể tạng yếu về sức khỏe, kém thông minh, cũng có thể do không có nhu cầu gì cao hơn sự bình lặng, mà ta vẫn quen nói là những người “ngồi phệt xuống đất” hoặc “không có tóc”. 

Theo quy định của Chính phủ, để trở thành thanh tra chính thì phải tốt nghiệp đại học, có bằng lý luận chính trị trung cấp, phải đủ thời gian thâm niên ngạch thanh tra viên tối thiểu là 9 năm… Vậy mà Lê Sỹ Bảy vẫn được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ưu ái để vượt qua những quy định đó, tức là khi không có tất cả những điều kiện như trên, anh ta vẫn được bổ nhiệm từ thanh tra viên thành thanh tra chính để rồi từ vị trí này tiến nhanh vùn vụt qua Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ I. 

Đã được bổ nhiệm rồi thì đương nhiên cả Bảy lẫn những người hùn nhau vào để đưa anh ta lên sẽ phải cùng bàn cách hợp lý hóa, nghĩa là phải lấp lỗ hổng về bằng cấp, thâm niên, lương bổng. Để có bằng thì phải đi học. Để có đủ thâm niên và lương thì phải tìm cách ăn gian. Nhưng rồi thì tất cả cũng sẽ phải đến lúc lòi đuôi như câu châm ngôn “giấu đầu hở đuôi” và “cái kim trong bọc sẽ có lúc phải lòi ra”. 

Ấy là việc người ta phát hiện có thời gian trong quá khứ, cùng một lúc, anh ta làm 3 việc ở 3 nơi: Học tập trung tại 2 trường Đại học Ngân hàng hệ chuyên tu và Cao cấp Lý luận Chính trị hệ tập trung. Đó đã là điều lạ. Nhưng còn lạ hơn khi đúng lúc này, Bảy còn có mặt ở 4 nơi khác tại các tỉnh phía Nam với tư cách trưởng hoặc phó các đoàn thanh tra. 

Quả là phép biến hóa thần thông để anh ta… xẻ thân mình làm 3. Vậy là tổ chức ở Thanh tra Nhà nước đã tìm cách phù phép để anh ta có được bằng đại học và bằng Cao cấp lý luận chính trị. Khi người ta đã “cố đấm ăn xôi”, muốn đạt hoặc cho người khác đạt bằng được điều cần đạt thì sẽ không từ bất cứ cách gì. Trách ông Lê Sỹ Bảy là kẻ cơ hội gian trá một thì phải trách tổ chức, những người có trách nhiệm ở TTCP mười. Sao lại có thể làm điều gian dối, phi pháp lộ liễu đến như thế. 

Bổ nhiệm lấy được một người không có bất cứ một điều kiện nào. Vậy ai thanh tra việc này đây? Không lẽ đề nghị cần có một tổ chức gọi là Thanh tra Quốc tế để thanh tra tình trạng làm ăn biển lận của thanh tra các quốc gia? Nhân đây, xin được nói đôi điều về tình trạng học giả bằng thật ở nước ta mà dư luận đã lên án từ rất lâu. Bằng thật vì là bằng giống như mọi tấm bằng khác, có chữ ký của người có trách nhiệm và con dấu của nhà trường đào tạo ra đương sự. 

Nhưng học giả là kẻ đi học không đến trường hoặc là thuê người học hộ, hoặc là bỏ tiền ra “chạy”để có bằng được. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các lớp thuộc hình thức học gọi là chuyên tu. Không phải ngẫu nhiên hoặc vô cớ mà từ lâu đã lan truyền trong xã hội một câu “châm ngôn thời hiện đại”: “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. 

Tất nhiên không phải ai học 2 hình thức trên cũng như vậy và không phải cứ học hệ chính quy là giỏi hơn. Thực tế học hành dễ dãi, tùy tiện, không có sự quản lý nghiêm túc của các trường đại học mở lớp chưa bao giờ được ngành GD-ĐT để tâm khắc phục dẫn tới tình trạng càng ngày chất lượng đào tạo kiểu chuyên tu, tại chức, giáo dục từ xa càng tồi tệ. 

Biết rõ thực trạng này nhưng các trường đại học vẫn cứ mở vì nhiều người vẫn có nhu cầu học. Kẻ học để tìm cơ hội thăng tiến trong khi mình không thực sự có năng lực tương xứng như lông Lê Sỹ Bảy. Các trường đua nhau chiêu sinh vì là một nguồn thu nhập đáng kể. Vì tiền và những lợi ích cá nhân khác, người ta có thể làm mọi thứ, bất chấp tất cả. 

Trở lại chuyện học hành khuất tất của ông Lê Sỹ Bảy. Làm phó và trưởng của 4 đoàn thanh tra đi công cán trong miền Nam, cùng lúc đó, làm sao anh ta có thể đến những 2 trường để học ngành ngân hàng và chính trị? Cứ tình trạng này, không khéo anh ta còn có thể có bằng thạc sỹ rồi tiến sỹ chỉ trong vòng vài ba năm tới không biết chừng. Bởi cả hai loại bằng này đều có thể mua được. 

Ở trên mạng internet, người ta vẫn rao bán nhan nhản đó thôi. Báo chí từng chẳng đã nói đến chuyện bỏ tiền ra để chạy chọt cho được các tấm bằng trên đó thôi. Và nhỡn tiền là không khó để có thể tìm ra những địa chỉ cụ thể, những tên người cụ thể mang danh thạc sỹ, tiến sỹ mà dốt nát, không có khả năng hoàn tất công việc, còn thua kém những người không có những nhãn hiệu trên. TS khoa học mà không có công trình khoa học nào ngoài cái bằng luận văn do nhiều thày cùng ưu ái giúp đỡ để đương sự hoàn thành bằng được. TS báo chí mà không viết nổi một bài báo ra hồn …

Không thể để vụ ông Lê Sỹ Bảy “chìm xuồng”. Cần nhanh chóng làm rõ những điều: 1/ Ai ký quyết định bổ nhiệm anh ta khi không có đủ các điều kiện theo quy định? 2/ Ai ký vào bằng tốt nghiệp, thanh tra lại việc thanh tra của anh ta với tư cách 4 lần làm phó hoặc trưởng đoàn đối với các tỉnh phía Nam trong quá khứ. Phải chăng từ những phi vụ thanh tra như thế này mà anh ta tậu được 6 ngăn nhà và mua được 2 xe ô-tô? Từ đâu anh ta có nhiều nhà cửa, xe cộ và giàu có như vậy?

Thanh tra Chính phủ không phải là không có nhiều thành tích. Nhưng từ vụ ông Truyền hạ cánh trong bê bối, đề bạt vô tội vạ để lấy ơn đến vụ ông Lê Sỹ Bảy – và chắc chắn không chỉ như vậy – đã làm giảm sút đi nhiều niềm tin của nhân dân. Và như vậy, ngành Thanh tra đã tự vô hiệu mình. Thật đáng tiếc và xót xa.

Nguyễn Đình San

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục