Khuất tất việc trúng thầu hàng trăm tỷ thuốc nhập siêu rẻ của VN Pharma?

(Kinhdoanhnet) - Khi ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Pharma đứng trước tội danh buôn lậu, khối lượng thuốc khổng lồ trúng thầu với giá siêu rẻ tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng của toàn bộ số thuốc do Công ty này cung cấp.

Những khuất tất trong việc trúng thầu thuốc nhập giá siêu rẻ

Cơ quan điều tra cho biết, ông Nguyễn Minh Hùng đã lấy pháp nhân Công ty VN Pharma liên kết với một số đối tượng nhập khẩu số lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc. Vào tháng 5/2014, Pharma đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc của Sở Y tế TP HCM.

Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Minh Hùng còn là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV dược Nam Anh (Nam Anh) và công ty này cũng trúng thầu cung ứng cho 17 mặt hàng thuốc cho Sở Y tế TP.HCM trị giá hơn hơn 208,4 tỉ đồng. Như vậy, 2 công ty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng.

Đặc biệt trong danh sách các loại thuốc trúng thầu của 2 công ty này có rất nhiều loại thuốc có giá thầu siêu rẻ. Ví dụ như H-Capita caplet 500mg (chỉ định điều trị các bệnh ung thư vú, dạ dày và đại trực tràng). Giá của Sở Y tế mời thầu là 66.000 đồng/viên, nhưng đơn vị trúng thầu (LD Cty Nam Anh - Pharbaco) đã đưa ra mức giá chỉ 31.000 đồng/viên. Thuốc kháng sinh dạng tiêm Vancomycin 1gr có giá đề nghị là 147.000 đồng/lọ, Pharma đưa ra giá thầu 110.000 đồng/lọ. Thuốc kháng sinh dạng tiêm Enrovan 2gr, giá đề nghị 44.000 đồng/lọ được Công ty VN Pharma đưa ra giá 28.200 đồng/lọ.

Những nghi vấn được đặt ra về nguồn gốc và chất lượng thuốc do VN Pharma cung cấp
Những nghi vấn được đặt ra về nguồn gốc và chất lượng thuốc do VN Pharma cung cấp


Với gói trúng thầu lớn trong khi VN Pharma không đủ khả năng sản xuất mà phải đi lấy thuốc từ các công ty khác khiến nhiều người đặt nghi ngại có nhiều “khuất tất” trong việc này. Những công ty “khó” trúng thầu thuốc vào BV buộc phải bán hàng lại cho Pharma.

Hiện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang xác minh nguồn gốc một số loại thuốc nhập khẩu của Công ty VN Pharma.

Theo Người Lao Động ngày 22/9, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đề nghị làm rõ phạm vi hoạt động của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada). Trên hồ sơ, công ty này là nhà cung ứng nhiều loại thuốc cho VN Pharma, trong đó có nhiều thuốc đã trúng thầu vào bệnh viện.

Sau khi có trả lời, cục sẽ rà soát các mặt hàng dược phẩm của VN Pharma. Về nguyên tắc, hồ sơ cấp phép đối với các mặt hàng dược nhập khẩu phải trải qua 3-5 quy trình, tùy từng nhóm thuốc. Mỗi năm có khoảng 5-6 đợt cấp đăng ký lưu hành đối với thuốc nhập khẩu, với số lượng vài trăm loại thuốc được cấp trong mỗi đợt xét duyệt hồ sơ.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý dược, từ trước đến nay chưa từng phát hiện VN Pharma có sai phạm nào liên quan đến chất lượng thuốc phải rút đăng ký lưu hành. Liên quan đến việc thâu tóm thuốc trúng thầu, một quan chức của cục này cho rằng quy định về đấu thầu thuốc không cấm việc một doanh nghiệp đứng tên để cung ứng nhiều mặt hàng đấu thầu, điều quan trọng là thuốc đấu thầu phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng và được phép lưu hành trên thị trường.

Trước vụ việc Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma - ông Nguyễn Minh Hùng - bị bắt, ông Ngô Anh Quốc - Phó Tổng Giám đốc - khẳng định rằng, việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện tại TPHCM và các địa phương trên toàn quốc vẫn sẽ duy trì và đảm bảo ổn định, không có bất cứ một thay đổi, biến động nào.

VN Pharma đã cung cấp cho những bệnh viện nào?

Được biết, thông qua việc mở thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TP HCM, công ty trúng thầu sẽ cung cấp những loại thuốc có trong danh mục đấu thầu cho tất cả các bệnh viện công trên địa bàn. Hiện ở TP HCM có khoảng hơn 70 bệnh viện công lập, như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Nhân dân Gia định...

Tuy nhiên, hiện Công ty CP VN Pharma đã cung cấp thuốc cho những bệnh viện nào, lượng thuốc cung cấp cụ thể ra sao thì chỉ những người trong ngành mới biết được. Có điều, công việc này vẫn đang được tiếp tục duy trì vì mới đây, đại diện công ty đã phát đi thông báo "việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện tại TP HCM vẫn đảm bảo ổn định", dù sếp tổng công ty bị bắt giữ vì tình nghi liên quan tới việc làm giả hồ sơ, giấy tờ và buôn lậu thuốc.

Ông Quốc cũng cam kết việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện tại TP HCM và các địa phương trên toàn quốc sẽ được duy trì và đảm bảo ổn định, không có bất cứ một thay đổi, biến động nào.

Nguồn tin từ Bộ Y tế ngày 20/9 cho biết, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Đại sứ quán Canada tại VN đề nghị hỗ trợ xác minh một số hồ sơ đăng ký thuốc nhập khẩu do Công ty VN Pharma và công ty có liên quan đứng tên đăng ký.

Hiện Cục Quản lý dược đã nhận được văn bản trả lời hồ sơ đăng ký thuốc không đúng sản phẩm của Canada, do đó Cục Quản lý dược sẽ rút số đăng ký lưu hành của các sản phẩm có giả mạo về hồ sơ.

Theo khảo sát, ít nhất đã có sáu sản phẩm kháng sinh đóng mác Heath, 2000 Canada trúng thầu vào các bệnh viện T.Ư trong năm 2013, còn nhóm bệnh viện địa phương cũng không dưới 10 sản phẩm.

Trong số này có ciprofloxacin loại 200mg/100ml giá trúng thầu là 79.000 đồng/chai, levofloxacin 500mg/100ml giá 130.000 đồng/chai... số lượng trúng thầu mỗi sản phẩm lên đến hàng chục ngàn lọ.

 

Hoàng Dương (tổng hợp)

 


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục