Ngăn chặn tội phạm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng

Từ tháng 5 đến nay, cơ quan chức năng TP Hải Phòng liên tiếp triệt phá nhiều vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thực trạng này cảnh báo sự gia tăng hành vi phạm tội trong lĩnh vực kinh tế, gây thiệt hại lớn cho ngân sách và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ngăn chặn tội phạm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng - Ảnh 1
Ngành Thuế sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử
để hạn chế hành vi phạm tội liên quan tới hóa đơn
(Ảnh minh họa).

Nhiều thủ đoạn để mua bán hóa đơn

Ngày 9-7 vừa qua, tại văn phòng Công ty Suvinco Việt Nam ở số 32 lô 11B Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải (quận Hải An), Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố) phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang Nguyễn Thị Lương, sinh năm 1994, ở Thư Trung, phường Đằng Lâm (quận Hải An) bán hóa đơn GTGT cho Vũ Bích Loan, sinh năm 1979 ở đường 208 An Đồng (huyện An Dương). Qua đấu tranh, lực lượng công an phát hiện đối tượng cầm đầu “đường dây” này là Nguyễn Văn Sức, sinh năm 1981, ở số 280 đường Trường Chinh, phường Lãm Hà (quận Kiến An). Sức trực tiếp thành lập hoặc thuê thành lập 15 công ty phục vụ việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng doanh số bán hàng, dịch vụ khống khoảng 5 tỷ đồng. Tang vật cơ quan chức năng thu giữ tại trụ sở các công ty của Sức là 70 quyển hóa đơn GTGT, 27 con dấu các loại cùng nhiều tang vật liên quan.

Vào ngày 1-7-2020, qua việc bắt quả tang Ngô Thị Phượng, sinh năm 1985 trú ở xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên) bán 2 tờ hóa đơn GTGT trái phép cho Vũ Văn Ánh (trú ở huyện Thủy Nguyên), cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi của đối tượng thành lập, điều hành 3 công ty để xuất hóa đơn GTGT mua đi bán lại khoảng 10.000 hóa đơn với doanh số gần 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 20-6-2019, TAND thành phố xét xử phúc thẩm hình sự vụ án Đỗ Xuân Hoạch, sinh năm 1982, trú tại thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) và Nguyễn Minh Ngọc, sinh năm 1991, trú tại số 374 Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Tại phiên tòa, các bị cáo khai rõ thủ đoạn phạm tội. Theo đó, do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bị cáo Hoạch chuyển sang mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Với tư cách giám đốc công ty, Hoạch chỉ đạo cho Ngọc là kế toán của công ty viết khống 87 tờ hóa đơn với doanh số hơn 18,1 tỷ đồng bán cho 27 doanh nghiệp và 1 cá nhân để thu lời hơn 181 triệu đồng (khoảng 1% doanh số). Thấy làm ăn được, Hoạch tiếp tục thành lập thêm một doanh nghiệp không kinh doanh hàng hóa có thật mà chỉ hoạt động mua bán hóa đơn GTGT khống, rồi thuê một người phụ nữ trung tuổi ở xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) làm giám đốc. Dưới sự chỉ đạo của Hoạch, bà giám đốc “hờ” này hoàn tất các giấy tờ pháp lý để các đối tượng tiêu thụ 56 hóa đơn khống cho 30 đơn vị, doanh nghiệp thu lời hơn 50 triệu đồng (tương ứng với 1% doanh số chưa tính thuế ghi trên hóa đơn). Với thủ đoạn này, chỉ trong hơn 1 năm, Hoạch và đồng bọn mua bán trái phép 194 hóa đơn khống cho 65 đơn vị, doanh nghiệp, thu lời bất chính hơn 263 triệu đồng.

Đẩy nhanh chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử

Luật sư Đào Văn Bảy, Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành nhận xét, trước đây, thủ đoạn của tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT chủ yếu là thuê người đứng tên để thành lập doanh nghiệp rồi mua bán khống hóa đơn. Đến nay, do chính sách thông thoáng trong thành lập doanh nghiệp, tội phạm thành lập nhiều công ty “ma” phục vụ mục đích phạm tội của mình. Các công ty này hầu hết không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có cũng rất cầm chừng, mục đích chỉ để che mắt cơ quan chức năng là chính. Mục tiêu hoạt động chính là xuất và giao dịch trái phép hóa đơn.

Nếu như trước đây, việc thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán trái phép hóa đơn mang tính chất tự phát, nay xuất hiện các doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Việc phân chia nhiệm vụ giữa các nhóm đối tượng cũng rất rõ ràng, chuyên nghiệp: từ nhóm đứng ra thuê người thành lập doanh nghiệp ảo; nhóm tìm kiếm địa bàn, đầu mối tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào… Thậm chí có những nhóm đối tượng còn cấu kết cả với nhân viên ngân hàng hoặc các cán bộ cơ quan Thuế ở địa phương khác để hỗ trợ hợp thức hóa việc tiêu thụ hóa đơn khống nhằm trục lợi. Bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng có thể che mắt cơ quan chức năng một thời gian dài và thu lời bất chính hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng; đồng thời làm thị trường bất ổn.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do còn một số kẽ hở trong quy định về thành lập doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, thay đổi địa điểm, đổi tên, thậm chí bỏ địa chỉ kinh doanh không đóng mã số thuế mà không được kiểm soát kịp thời, cũng tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để mua bán trái phép hóa đơn.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT, các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế. Cùng với đó, lực lượng Công an các địa phương tăng cường rà soát, nắm tình hình kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, ngành Thuế thành phố đẩy nhanh việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn truyền thống sang hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ để qua đó tăng cường chất lượng công tác quản lý, sử dụng hóa đơn của các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần kịp thời ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này.

Theo Thành Lê/Báo Hải Phòng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục