Nghệ An: Anh vợ vẽ quy hoạch 'chia lô' mặt nước để em rể bán?

Một bản vẽ quy hoạch chia lô bán đất nằm ngay trên mặt nước đập Đồng Bù được đại diện UBND huyện Nghi Lộc ký duyệt khiến dư luận vô cùng khó hiểu.

Năm 2015, ông Nguyễn Tiến Dũng, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (nay là Chủ tịch UBND huyện) đã ký tên đóng dấu của UBND huyện Nghi Lộc trên bản vẽ “Quy hoạch, cắm mốc quy hoạch chia lô đất ở xã Nghi Lâm – Mặt bằng hạ tầng, khu chia lô đất ở” tỷ lệ 1/500 quy hoạch chi tiết xây dựng tại địa điểm vị trí số 1 và 9, xóm 6 xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc.

Nghệ An: Anh vợ vẽ quy hoạch 'chia lô' mặt nước để em rể bán? - Ảnh 1
Đập Đồng Bù đang bị xã lấp đất, hiện nay hơn 100 hộ dân xóm 6 đang viết đơn đề nghị nạo vét trả lại hiện trạng ban đầu.

Đây là một bản vẽ quy hoạch chia lô đất ở nhưng không có một điểm nào có mốc, vị trí số 9 được ghi 3.380m2: Phía Đông giáp đất giao thông, phía Tây giáp đất thủy lợi, phía Nam giáp đất thủy lợi, phía Bắc giáp đất nông nghiệp; diện tích khu đất 3.380m2 trong đó diện tích đất ở là 3.000m2, diện tích quy hoạch thủy lợi và giếng làng là 380m2 với tổng số là 12 lô đất.

Vậy Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch số 1519/QĐUBND ngày 26/8/2015 của UBND huyện Nghi Lộc về việc Phê duyệt Quy hoạch chia lô đất ở tại xã Nghi Lâm để làm "bảo bối" che chắn và thông báo là quy hoạch 14 lô đất ở trên mặt nước đập Đồng Bù có đúng pháp luật hay không?

Để tìm hiểu thêm về công ty tư vấn quy hoạch, nhóm phóng viên đã tìm đến “trụ sở” Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khánh Bình tại xóm 5, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và thật bất ngờ với văn phòng của Công ty CP Tư vấn Đầu tư Khánh Bình như một tiệm photocopy với một nhân viên và được biết “Giám đốc đang đi uống rượu ngoài xóm…” (?). Nhưng không hiểu sao mà ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện cho UBND huyện Nghi Lộc “ký” với công ty tư vấn này lập quy hoạch đất ở ngay trên mặt nước đập Đồng Bù?

Nghệ An: Anh vợ vẽ quy hoạch 'chia lô' mặt nước để em rể bán? - Ảnh 2
Bản đồ được Sở TN và MT tỉnh Nghệ An cung cấp nơi vẽ quy hoạch chia lô hiện tại đang là mặt nước đập Đồng Bù.

Ngoài ra còn bao nhiêu dự án trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã được công ty này lập quy hoạch thì liệu có đúng quy định của pháp luật? Và số tiền ký hợp đồng tư vấn quy hoạch này là bao nhiêu? Không hiểu vị đại diện UBND huyện có biết Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07/05/0227 của Chính phủ về quản lý an toàn đập:

"Điều 2. Giải thích từ ngữ: Trong Nghị định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau: Thứ nhất: Đập là công trình làm nhiệm vụ ngăn nước và các công trình có liên quan, tạo hồ chứa nước nhằm thực hiện các mục đích tích trữ nước, cung cấp cho các nhu cầu dùng nước; Điều tiết hoặc phân chia dòng chảy lũ, giảm ngập lụt cho vùng hạ du;…".

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì Điều 5, Chương I nêu rõ: “Các hành vi bị cấm trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ: Các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường, làm biến dạng địa hình, làm mất cảnh quan môi trường hồ chứa; Hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình liên quan của hồ chứa, làm tổn hại đến nguồn nước hồ chứa, không bảo đảm an toàn và tính bền vững của hồ chứa; Lấn chiếm, xây dựng mới các công trình, nhà ở không theo quy hoạch; Đổ đất đá, cát sỏi, chất thải rắn, nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường vào hồ chứa.

Và Điều 7 ghi rõ: "Khai thác tài nguyên đất trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ: ...Phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết và kế hoạch sử dụng đất chi tiết phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư các xã ven hồ và chủ đập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; Quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chậm nhất là 30 ngày phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình hồ chứa để nhân dân biết, thực hiện".

Sau khi báo bài “Nghệ An: Xẻ thịt lòng hồ thủy lợi phân lô bán nền” và bài “Phân lô bán nền ở lòng đập Đồng Bù có hợp lòng dân?”, báo đã được Văn phòng đăng ký QSD đất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cung cấp bản đồ số 23 từ hồ sơ lưu của xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc đến thời điểm hiện tại tháng 11/2018 vẫn thể hiện nơi được vẽ quy hoạch chia lô vị trí số 9 là mặt nước đập Đồng Bù, tuy nhiên không hiểu UBND xã Nghi Lâm dùng kinh phí nguồn nào để đắp đất lấp đập Đồng Bù?

Qua bản đồ cho thấy UBND xã Nghi Lâm đã bất chấp những quy định của UNBD tỉnh Nghệ An về bảo vệ công trình thủy lợi mà trước đó ngày 20/7/2012 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND “Ban hành quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” nêu rõ tại Điều 8 mục 3: "Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình thủy lợi phối hợp với đơn vị quản lý công trình, tổ chức tuyên truyền Pháp lệnh Khai thác công trình thủy lợi số 32/2011/PL-UBTVQH ngày 10/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ; Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật khi để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi do địa phương mình quản lý".


Nghệ An: Anh vợ vẽ quy hoạch 'chia lô' mặt nước để em rể bán? - Ảnh 3
Bản quy hoạch rất sơ sài năm 2015 không có mốc quy hoạch được ông Nguyễn Tiến Dũng đại diện cho UBND huyện Nghi Lộc ký tên đóng dấu.

Nhiều ngày mục sở thị tại khu vực xóm 6 xã Nghi Lâm, chúng tôi đã thấy sự quản lý của địa phương về địa chính với 02 công chức có hiệu quả hay không? Ví dụ như ngôi nhà tại thửa 471 bản đồ số 23 đã cơi nới lớn hơn diện tích 106m2 và đóng thêm cọc bê tông đang lấn chiếm lòng đập Đồng Bù, hoặc như thửa đất số 466, 468 là đất 2 lúa đã được xây dựng nhà đổ bằng kiên cố để hộ gia đình sinh sống, và những hộ xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp sát đập Đồng Bù thửa 28…

Trong khi làm dự án nước sạch thì chính quyền xã đã lấy đất nơi đây để đắp vào phần đập Đồng Bù và chính vì cản dòng chảy đã làm ngập lụt toàn bộ đất màu của các hộ dân xóm 6 xã Nghi Lâm (các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ lụt gây ra vụ đông năm 2016 diện tích cây hành tăm là 69.115m2 và ngô là 10.471m2, và thiệt hại do mưa lụt các ngày 09-10/10/2017 thiệt hại cây ngô 33.778m2, diện tích rau màu 38.196 m2, diện tích ao hồ nhỏ 25.500m2, gia cầm trên 28 ngày tuổi là 322 con) nhìn vào số liệu thiệt hại của các hộ dân xóm 6 thì có thể thấy thiệt hại rất lớn do sự ngập lụt.

Trong khi đó nguồn tiền ngân sách về thủy lợi được cấp cho huyện Nghi Lộc rất lớn: Theo số liệu của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An - Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 “Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020” riêng huyện Nghi Lộc phần nông nghiệp công trình trả nợ được nêu rõ kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 với những dự án:

Xây dựng trạm bơm xã Đoài, xã Nghi Diên là 790 triệu đồng (năm 2016); sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước đường Trẽ xã Nghi Kiều là 368 triệu đồng (năm 2016); sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Bàu Cơm xã Nghi Kiều là 1,6 tỷ đồng (năm 2016); công trình chuyển tiếp: Chủ đầu tư là UBND xã Nghi Lâm với dự án xây dựng Trạm bơm Ba Cây là 3,5 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm Cồn Trường là 3,3 tỷ đồng; dự án nâng cấp hệ thống tưới tiêu xã Nghi Trung là 3 tỷ đồng; dự án xây dựng Trạm bơm số 02 là 7 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp Trạm bơm Trường Xuân là 10,3 tỷ đồng; chủ đầu tư là UBND huyện với dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương loại III của các hồ đập và trạm bơm là 26,8 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh tiêu nội đồng xã là 2,7 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Bàu Gà 10 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Khe Xiêm, xã Nghi Đồng chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An là 6,5 tỷ đồng.

Đây là chưa tính nguồn ngân sách hàng năm các hồ do Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An chi mỗi năm. Tại xóm 6, xã Nghi Lâm có Trạm bơm Ba Cây đã hoạt động thực sự đúng nguồn tiền đầu tư hay không? Với nguồn tiền năm 2016 là 1,3 tỷ, năm 2017 cũng 1,3 tỷ đầu tư cho trạm bơm, những người dân nơi đây xác nhận năm 2017 không hề xây dựng gì mà hiện tại trạm đang xuống cấp, lượng nước chỉ bơm được ít ruộng xung quanh vì máy quá yếu…

Với nhiều bất cập tại địa phương, qua tìm hiểu của nhóm phóng viên được biết, ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm là em rể của ông Nguyễn Xuân Tý - Bí thư xã Nghi Lâm (ông Tý đã có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch xã, 01 nhiệm kỳ Bí thư kiêm Chủ tịch xã, hiện tại đang tiếp tục là Bí thư xã Nghi Lâm).

Dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng những nhiệm kỳ làm Chủ tịch xã của anh vợ đã vẽ ra và nay được ông Hiếu kế thừa những việc trước đó?! Với những dư luận về việc trong gia đình cùng nắm nhiều chức vụ trong xã và việc cán bộ xã đang sở hữu nhiều lô đất rừng trên địa bàn mà nhân dân phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tới…

Thái Quảng - Sao Mai/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục