Nhân viên 115 "rút ruột" bảo hiểm y tế

(Kinhdoanhnet) - Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bị phát hiện dùng mã thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh nhân, lập khống hồ sơ khám chữa bệnh để chiếm đoạt thuốc.

Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.

Qua kiểm tra việc thu chi của bảo hiểm y tế trong năm 2012 và 6 tháng 2013, lực lượng chức năng phát hiện 49 hồ sơ khống được dựng lên để rút ruột thuốc bảo hiểm y tế với số tiền hơn 19,7 triệu đồng.

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bị phát hiện dùng mã thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh nhân, lập khống hồ sơ khám chữa bệnh để chiếm đoạt thuốc.

Với những thẻ BHYT không phải trả bằng tiền mặt (thẻ dành cho người có công), hóa đơn khống để "ăn cắp thuốc” được nhân viên 115 “ghi khống” có khi lên tới 500.000 đồng. Có những bệnh nhân trong vòng một tháng đi khám tới 3 lần tại 115 mà không hề hay biết. Đã có hàng trăm phiếu rút thuốc BHYT của 115 Hà Nội mang tên Tạ Thị Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Hùng, Lê Thị Thuấn Anh... nhưng thực chất người lĩnh không phải là những người trên.

Không những thế, tại trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn tồn tại một dịch vụ dùng thẻ BHYT để rút thuốc tốt đi phục vụ công tác “ngoại giao”. Việc này được GĐ Trần Văn Nam tin tưởng giao cho kế toán trưởng thực hiện.

Những hồ sơ chứng từ bị lập khống
Những hồ sơ chứng từ bị lập khống

Khi BHXH rà soát lần đầu phát hiện ra 33 bộ hồ sơ có thuốc tương đương với tổng số tiền là 8.656.079 đồng, dược sĩ Hương nói là không đủ tiền đóng, lập tức GĐ Nam đã rút ví đưa 3.800.000 đồng để bù vào. Khi BHXH rà soát lần 2, phát hiện thêm 16 bộ hồ sơ, GĐ Nam đã gọi dược sĩ Hương tới phòng riêng Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh khuyên tiếp tục nhận và bồi thường số tiền tương ứng 7 triệu đồng cho xong chuyện...

Trước đó, kết quả kiểm tra vụ tiêu cực tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho thấy, dù người bệnh không đến khám, nhưng nhờ mối quan hệ quen biết và sự cả nể của đồng nghiệp, Dược sĩ Lê Thị Thu Hương (Phòng Khám thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội) đã thực hiện trót lọt 49 hồ sơ khống với tên người bệnh, chẩn bệnh và kê thuốc với số tiền trên 19 triệu đồng chỉ trong vòng 6 tháng.

Trước đó, tại Hải Phòng, cơ quan chức năng cũng phát hiện Phòng khám đa khoa thuộc Công ty cổ phần dịch vụ y tế Quang Thanh, địa chỉ tại xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng do Vũ Thị Đừng, sinh năm 1950, làm Giám đốc; thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lập khống chứng từ giả.

Theo lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến nay, các đối tượng thuộc 2 cơ sở khám chữa bệnh nêu trên đã tổ chức, bàn bạc thống nhất, phân công thực hiện các thủ đoạn lập chứng từ giả để thanh toán bảo hiểm y tế và đã chiếm đoạt tiền của Nhà nước với giá trị lớn (theo lời khai và kết quả điều tra ban đầu, ước tính mỗi cơ sở chiếm đoạt khoảng trên 10 tỷ đồng), gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Báo Kinh doanh và pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đức Hoan (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục