Ồ ạt đầu tư làm du lịch tâm linh

Trong những năm gần đây, du lịch tâm linh nở rộ thành một phần quan trọng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch tâm linh lại xuất hiện nhiều mặt trái, thiếu sự tính toán lâu dài.

Ồ ạt đầu tư làm du lịch tâm linh - Ảnh 1
Thu phí tham quan vãn cảnh đền chùa khiến nhiều người dân không hài lòng

Du lịch tâm linh – “Mỏ vàng” để khai thác

Đầu năm 2018, hàng triệu khách du lịch đổ về khu du lịch Yên Tử khiến giao thông tắc nghẽn vài cây số sau khi tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thu phí tham quan với khách du lịch.

Với mức phí dự tính này thì Ban tổ chức ước tính số tiền thu được một năm lên tới 70 tỷ đồng. Nhiều người dân không đồng tình với quyết định này, loạt câu hỏi được đặt ra là số tiền thu được đó sẽ được sử dụng vào việc gì? Thành phố Uông Bí cho biết, số tiền này được sử dụng vào việc bù đắp chi phí quản lý, an ninh, bảo vệ môi trường… Đây chỉ là một trong rất nhiều khu du lịch tâm linh ở Việt Nam mang lại lợi ích lớn cho địa phương và khiến cho nhiều tỉnh thành khác cũng muốn có những khu du lịch như vậy.



Ồ ạt đầu tư làm du lịch tâm linh - Ảnh 2


Không chịu thua kém trước các thành phố khác đang có nguồn lợi khổng lồ từ các khu du lịch tâm linh, nhiều tỉnh thành cũng ồ ạt xây dựng. Tuy nhiên, các dự án này lại chưa có sự kiểm định kỹ càng của cơ quan chức năng mà vẫn tiến hành thực hiện. Có những dự án đưa ra bị người dân phản ứng dữ dội nên kịp thời ngăn chặn, và cũng có nhiều dự án hoàn thành mặc kệ ý kiến của người dân.

Gần đây nhất là lùm xùm dự án xây dựng pho tượng Bà Chúa Xứ trên Núi Sam (tỉnh An Giang) gây bức xúc dư luận. Điều đáng nói, dự án này chưa được cấp phép nhưng vẫn được tiến hành. Đến khi pho tượng sắp hoàn thành thì người dân phản ứng dữ dội, trước áp lực dư luận, thái độ của người dân và du khách gần xa, Công ty TNHH MGA Việt Nam đã gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cùng bà con về việc xây dựng tượng trên Núi Sam không đúng quy trình, chưa khảo sát ý kiến cộng đồng và hứa sẽ tháo dỡ tháo dỡ.

Một dự án “khủng” khác là Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc tại tỉnh Thái Nguyên cũng gây bão dư luận ở cuối năm 2017. Tương tự như trường hợp vi phạm của dự án xây dựng tượng Bà Chúa Xứ, siêu dự án được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 2017 với số vốn dự kiến lên tới 15.000 tỷ mà vẫn chưa được sự phê duyệt.

Dự án này được giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Theo công bố dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ gồm nhiều công trình, hạng mục và được xây dựng trong 20 năm. Điều đáng nói, đây không phải dự án đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên được thi công khi chưa có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Phớt lờ ý kiến người dân

Hầu hết các dự án xây dựng khu du lịch tâm linh, chủ đầu tư và chính quyền đều phớt ờ ý kiến người dân. Không có sự thăm dò, khảo sát nhân dân địa phương và du khách, các dự án vẫn hiên ngang thi công. Đến khi vụ việc vỡ lở thì người dân mới biết và bắt đầu lên tiếng phản đối.

Khu du lịch tâm linh để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, hành hương của người dân, vậy mà ý kiến của nhân dân lại bị thờ ơ. Các chủ đầu tư mặc nhiên thi công cũng chỉ vì lợi nhuận khổng lồ sau này khi được đưa vào hoạt động. Và đến khi dư luận lên tiếng thì cũng đã muộn màng, không phải công trình nào khi bị người dân phản đối cũng được dừng lại như vụ việc tượng bà Chúa Xứ trên Núi Sam, nhiều công trình vẫn tiến hành hoàn thiện bất chấp dư luận.

Điều đáng nói, một số dự án xây dựng khu du lịch tâm linh chưa được cấp phép, bị người dân phản đối. Sau khi được đưa ra dư luận thì việc giải quyết hậu quả là vấn đề khó khăn mà chính quyền địa phương, nhà đầu tư phải loay hoay. Có những công trình quy mô lớn hàng nghìn tỷ đồng, chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, xây đựng được nhiều hạng mục nên không thể muốn dừng là dừng, hay tháo dỡ ngay được vì thiệt hại là quá lớn nếu hủy các dự án này. Vì vậy, nhiều dự án vẫn hiên ngang tiến hành đến cùng dù bị nhiều sức ép của dư luận.

Du lịch tâm linh mang lại nhiều lợi ích tích cực là điều đương nhiên nhưng liệu du lịch tâm linh có còn giữ được nguyên vẹn hai chữ “tâm linh” hay không thì vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Phát triển du lịch tâm linh bền vững và hiệu quả là bài toán khó không chỉ của riêng cơ quan chức năng và còn cho tất cả người dân.


Văn Đại/Dansinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục