Thảm thương những vụ người tâm thần gây án

(Kinhdoanhnet) - Những người mắc bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần đang sống tại cộng đồng với sự giám hộ của gia đình và người thân. Song chỉ cần chút “sơ sểnh”, người tâm thần có thể gây án, để lại hậu quả đáng tiếc.

Nỗi bất hạnh của người mẹ

Vừa tròn đôi mươi, bà Nguyễn Thị Đ (Phù Lưu, Ứng Hòa, HN) gá nghĩa với ông Nguyễn Trọng P ở cùng thôn. Những năm kháng chiến, ông P nhập ngũ, có mặt trong nhiều trận chiến ác liệt ở chiến trường Đông Nam Bộ. Kháng chiến thành công, ông P trở về quê hương trong niềm vui đoàn tụ.

Năm 1978, vợ chồng bà Đ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Văn An. An khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Lớn lên, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên An thu xếp đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm sau, An trở về rồi cũng lấy vợ sinh con. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi cũng từ đây An bắt đầu có những biểu hiện bất thường như ăn ngủ kém, ở bẩn, bị kích động. Thuốc men mãi không khỏi, gia đình cũng chạy vạy ngược xuôi vay tiền đưa con đi chữa bệnh nhưng mọi hy vọng đều bị dập tắt.

 

Thảm thương những vụ người tâm thần gây án - Ảnh 1
Mỗi lần Tòa hỏi, An chỉ trả lời cộc lốc: “có”, “không”, “sai”, “đúng”

Từ ngày phát bệnh, An suốt ngày lang thang, lảm nhảm một mình. Anh ta luôn nghĩ mọi người đều là người xấu và có ý định hại mình, trong đó có cụ Trần Văn Xạ (88 tuổi, ở cùng thôn với An) nên nảy sinh ý định giết ông cụ. Khoảng 9h sáng ngày 18/4/2012, An tới nhà người quen lấy trộm một con dao bầu rồi lừ lừ đến nhà cụ Xạ. Lúc này, gia đình cụ Xạ đang có đám giỗ nên tụ tập khá đông người. Thấy anh Trần Văn Quynh (con trai cụ Xạ) đang cùng mọi người làm cỗ, An cầm dao xông tới đuổi chém khiến mọi người bỏ chạy. Cụ Xạ đang ngồi uống nước trong nhà, An cầm dao xông tới đâm một nhát vào giữa ngực khiến nạn nhân gục chết tại chỗ. Thấy máu chảy lênh láng và mọi người la hét, An hoảng sợ vứt dao bỏ chạy về nhà.

Ngày 4/11/2015, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Văn An ra xét xử về tội Giết người. Được triệu tập tới tòa, bà Đ nghẹn ngào kể, dưới An có 3 cô em gái. Cô em gái thứ hai của An vừa sinh ra đã bị méo mồm, lồi mắt, được vài năm thì mất. Người thứ ba thì khiếm thính, chỉ có cô con gái út lành lặn thì phải lấy chồng xa. Sức khỏe ông P ngày càng yếu, tâm trí ngơ ngẩn. Mọi việc trong nhà đều đến tay bà Đ và con dâu. “Mãi sau này, khi thằng An phát bệnh, tôi mới biết các con bị di chứng da cam từ chồng” - Bà Đ nghẹn ngào.

Biên bản giám định pháp y tâm thần kết luận, An mắc chứng tâm thần phân liệt. Trước, trong và sau khi gây án, An bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tháng 10/2012, VKSND thành phố Hà Nội đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi xem xét các yếu tố tăng nặng và giảm nhẹ hình phạt, Tòa tuyên phạt An 10 năm tù về tội Giết người.

Lấy chồng tâm thần, người vợ trẻ suýt chết chỉ sau 3 tháng kết hôn

Vừa học hết lớp 9, chị Nguyễn Thị L (Sóc Sơn, HN) đã phải nghỉ học và bươn chải cuộc sống. 17 tuổi, L quen Nguyễn Văn Thức (SN 1992) ở xã bên qua lời mai mối của một người bạn và nhận lời kết tóc xe tơ với Thức. L nói: “Ở quê em, con gái ngấp nghé 20 mà chưa cưới đã sợ ế chồng. Nghe nói anh ấy hiền lành, chịu khó, em mới đồng ý nhận trầu cau qua vài lần đi chơi mà chưa biết nhiều về người chồng tương lai của mình”.

Mãi đến khi kết hôn được một tháng, chị L mới biết Thức mắc chứng tâm thần. Bình thường, chồng chị hiền lành, chịu khó làm ăn, nhưng đầu óc lúc nào cũng hoang tưởng, hay nghĩ đến cái chết. Đang yên đang lành, tự nhiên Thức mắng chửi mọi người, thậm chí vô cớ đánh vợ. Có hôm, chồng chị còn tự cắt cổ mình, máu me bê bết, mọi người hốt hoảng đưa đi cấp cứu… Lúc đó, mẹ chồng chị L mới kể, hồi đi làm thuê ở Campuchia, Thức bị đánh vào đầu. Từ đó, Thức cứ nhớ nhớ, quên quên, có lần, còn đánh một người trong làng phải đi nhập viện vì một mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt.

Rồi chính tâm lý bất ổn đó đã suýt lấy đi tính mạng người vợ trẻ. Cuộc sống nghèo khó, chị L không có việc làm còn Thức đi làm thuê, nên khi nghe vợ thông báo có thai 2 tháng, Thức càng thêm chán nản. Ba tháng sau khi kết hôn, tức là vào đêm 24/3/2012, khi vợ đang ngủ, Thức với cây kéo ở trên bàn cạnh gường ngủ rồi đâm nhiều nhát vào ngực và bụng vợ. Nghe tiếng kêu cứu của chị L, mẹ và  em chồng ở phòng bên cạnh chạy sang, vội đưa chị L đi cấp cứu. Chị L được cứu sống, nhưng bào thai không thể giữ lại.

Thảm thương những vụ người tâm thần gây án - Ảnh 2
Bị cáo Thức trước tòa

Biên bản giám định pháp y tâm thần số 36 của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương kết luận: “Bị can Nguyễn Văn Thức bị bệnh tâm thần, bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn. Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có mặt bệnh trên nên đã không đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi”. Tại TAND TP HN ngày 19/9/2014, bị cáo khai hành vi của mình là do cảm thấy quá bế tắc, bị cáo nảy sinh ý định giết vợ rồi tự sát để được giải thoát. Bị cáo Thức bị kết án 12 năm 6 tháng tù.

Nhiều nguy cơ khi sống chung với người tâm thần

Những câu chuyện đau lòng tương tự như trên không còn là chuyện hiếm. Ai cũng biết người tâm thần nguy hiểm nhưng để hạn chế và tránh được người tâm thần gây án là việc không dễ. Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương (huyện Thường Tín, Hà Nội) lúc nào cũng có hơn 100 can phạm. Đây là những người tâm thần gây án ở các tỉnh phía Bắc được đưa đến đây giám định. Mỗi người gây án một kiểu, ở những mức độ khác nhau.  

Bác sỹ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, Luật Sức khỏe tâm thần vẫn đang còn bỏ ngỏ. Một số văn bản dưới luật có một số quy định dành cho người tâm thần nhưng cũng chỉ đáp ứng việc hạn chế vai trò của người tâm thần ở một số hoạt động chính trị, xã hội. Không có luật, việc bảo vệ quyền lợi của người tâm thần tại cộng đồng, giao trách nhiệm cho “bên thứ ba” được quyền đưa người tâm thần đi khám chữa bệnh tại các trung tâm; quy định về quyền và nghĩa vụ của họ tại cộng đồng… đều gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến khó kiểm soát người tâm thần dạng nhẹ đang sống tại cộng đồng, khiến cho nhiều vụ án mạng đau lòng đã diễn ra. Chính vì vậy, đa số người tâm thần đến cơ sở khám chữa bệnh đều đã muộn, căn bệnh đã chuyển sang thể loạn thần, có những rối loạn tâm lý phức tạp và phải can thiệp y tế nhiều hơn, khó có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân tâm thần gây án như sự chủ quan của những người thân, có khi do điều kiện kinh tế nên bệnh nhân không được chữa trị đến nơi đến chốn. Người giám hộ không quan tâm sát sao đến người bệnh, nên khi phát bệnh, bệnh nhân có thể không thể làm chủ được hành vi dẫn đến gây án.  Cũng không loại trừ trường hợp có nhiều gia đình nuôi hi vọng có thể chữa bệnh cho con, vì mê tín tưởng “ma nhập” mà không dám đưa đi chữa trị ở các bệnh viện tâm thần… Theo luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Thanh Tùng, sau khi xác định người gây án đúng là bệnh nhân tâm thần tại thời điểm gây án, người gây án không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án và ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với người gây thương tích theo Khoản 1, Điều 13, BLHS. Có trường hợp bị tâm thần nhẹ, sau khi gây án sẽ bắt buộc đi chữa bệnh, khỏi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng hình phạt đối với người tâm thần thì có lẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa.

Quỳnh An

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904140983 hoặc email: banphapluatkdpl@gmail.com

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục