Xót xa những phiên tòa "Vì đất, mất tình"

(Kinhdoanhnet) - Họ đều là những người trong một gia đình, dòng họ, vì đất đai, họ hiềm khích, mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau. Người vào tù, người bị thương tật, khoảng trống trong mối quan hệ anh em, họ hàng ngày càng lớn…

Chú đòi tăng án cho cháu vợ vì… viên gạch bị ném vào đầu

Điều đau lòng trong phiên tòa phúc thẩm mới đây tại TAND TP Hà Nội là bị hại liên tục đòi tăng mức hình phạt tù và tăng tiền bồi thường đối với người cháu vợ có ý chiếm đất nhà ông và dùng gạch ném trúng trán mình. Còn người thân có mặt tại tòa như đứng ở hai đầu chiến tuyến.

 

Xót xa những phiên tòa "Vì đất, mất tình" - Ảnh 1
Bị cáo Thanh nhận lỗi sai trước tòa

Năm 2000, ông Vũ Đình Hàng, 60 tuổi, gá nghĩa với bà Lê Thị Phu, dì ruột của bị cáo Lê Văn Thanh (39 tuổi, Thường Tín, HN) khi đang buôn thúng, bán mẹt ở tận Lạng Sơn, Năm 2004, vợ chồng ông Hàng nhờ bố Thanh mua một mảnh đất rồi chuyển về sinh sống ở quê nhà. Trong quá trình xây nhà, gia đình Thanh cho rằng, vợ chồng người dì ruột xây lấn sang phần đất của gia đình mình nên thường xuyên cãi vã, mắng chửi nhau. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi Thanh thấy dì rào dây thép gai trên mảnh đất đang tranh chấp nên đã tức giận ném đá trúng chồng của dì gây thương tật 10%.

Ngày 3/11/2015, TAND huyện Thường Tín (Hà Nội) đã mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Thanh 7 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích và bồi thường cho bị hại hơn 18 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hàng không thỏa mãn với bản án sơ thẩm nên đã làm đơn kháng cáo để tăng mức hình phạt cho bị cáo và đòi tăng tiền bồi thường. Tại phiên phúc thẩm, ông Hàng bức xúc nói: “Mặc dù là chú cháu trong một nhà nhưng Thanh tỏ thái độ coi thường, thiếu kính trọng, thậm chí nhiều lần còn dọa đánh, giết chú và dì của mình. Hành vi của Thanh thể hiện tính côn đồ, bất chấp tính mạng của những người trong gia đình tôi”. Ông cũng bức xúc vì gia đình Thanh đã không có một lời hỏi thăm động viên ông, thậm chí còn dằn hắt, chửi rủa ông. Cũng theo ông Hàng, Tòa sơ thẩm quyết định ngày công lao động của ông là 49.000 đồng để tính số tiền bồi thường là không hợp lý bởi, “hai vợ chông tôi bán hàng ăn sáng, thu nhập từ 400.000-450.000 đồng/ngày”.

Chủ tọa hỏi: “Ông với bị cáo dù sao cũng là họ hàng ruột thịt với nhau, đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại. Giờ ông định như thế nào?”. Ông Hàng lắc đầu, giữ nguyên quyết định ban đầu vì “gia đình đó quá coi thường chúng tôi”. VKS cho rằng, vết thương ở trán ông không quá nguy hiểm, do đó, việc cho vợ ông bồi thường 7 ngày ơ nhà chăm sóc chồng là hợp lý. Trong khi đó, mức thu nhập ông đưa ra cũng không có căn cứ, nên không được tòa án chấp nhận. Ngoài ra, với hành vi của Thanh có khả năng hưởng án treo nhưng do thân nhân xấu và vì ông không tha thứ nên tòa phạt anh ta 7 tháng tù là có căn cứ. Sau khi nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên vẫn giữ nguyên mức hình phạt 7 tháng tù, song nâng tiền bồi thường lên 22 triệu đồng. Rời phiên tòa, hai gia đình đi về hai hướng khác nhau. Ông Hàng giục vợ bước nhanh ra khỏi phòng xử, không thèm nhìn lại người cháu của mình.

Kháng cáo để đưa chị dâu vào tù

Trước đó không lâu, ngày 5/5/2015 TAND Hà Nội cũng đã mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của nạn nhân Ngô Thị H (37 tuổi, ở huyện Mê Linh) đề nghị tăng hình phạt với người chị dâu đã bổ liềm vào đầu mình. Do nhiều lần bị cáo Hải không chấp hành lệnh triệu tập, nên dù vắng mặt, phiên tòa vẫn diễn ra.

Tại tòa, nạn nhân kể, chị và bị cáo Hải vốn là chị em dâu trong một gia đình. Nhà chị Hà và chị Hải nằm sát nhau, đi chung một con ngõ nên vợ chồng Hải thường sang chơi và chăm sóc bố mẹ chồng. Thế nhưng, từ khi bố mẹ chồng qua đời, để lại cho vợ chồng chị Hà hơn 300m2 đất thì mâu thuẫn trong đại gia đình bắt đầu nổi lên. Anh chị em ruột và các nàng dâu chia thành “chiến tuyến”, vợ chồng chị Hà đơn độc một phương.

Những trận cãi vã, tranh chấp đất liên tục nổ ra và cuối cùng phải nhờ đến sự phán xét của tòa án. Dù TAND huyện Mê Linh đã phán quyết,  toàn bộ thửa đất này thuộc về gia đình chị Hà, song Hải vẫn hậm hực, ấm ức trong lòng, thường kiếm cớ gây sự với gia đình chị Hà. Trong buổi ra thăm ruộng, Hải và chị Hà tiếp tục tranh cãi nhau. Hải cầm liềm bổ vào đỉnh đầu chị Hà từ đằng sau khiến chị bị tổn hại 5% sức khỏe. Tại cơ quan điều tra, Hải thừa nhận có cầm liềm nhưng không dùng để bổ vào đầu gây thương tích cho chị Hà.

Do đó, nghi can không chịu ký vào các quyết định về tố tụng hình sự cũng như các biên bản ghi lời khai. Hai lần TAND huyện Mê Linh mở phiên xử song bị cáo không tới theo lệnh triệu tập. Các biện pháp áp giải đều không có hiệu quả. Tại phiên xét xử sơ thẩm, Hải bị tuyên phạt 7 tháng tù treo.

 

Xót xa những phiên tòa "Vì đất, mất tình" - Ảnh 2
Phiên tòa chỉ có bị hại, bị cáo vắng mặt

“Chị với Hải là chị em dâu, nếu có khúc mắc mâu thuẫn phải nhờ thôn, xã giải quyết, sao lại để sự việc xảy ra như vậy?”, chủ tọa hỏi. Hà kể, mặc dù đã báo chính quyền nhưng “đâu lại vào đó”. Chị từng phải bỏ thai và chồng gãy xương sườn do gia đình Hải đánh và ném gạch vào nhà. HĐXX cho rằng, hành vi dùng hung khí gây án của bị cáo là nguy hiểm. Bị cáo còn có hành vi coi thường pháp luật như không ký vào các quyết định tố tụng hình sự và biên bản lời khai, không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Do đó, Tòa chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại, sửa án sơ thẩm từ 7 tháng tù treo thành 7 tháng tù giam đối với bị cáo Hải về tội “Cố ý gây thương tích”.

Đây chỉ là những lát cắt nhỏ trước rất nhiều vụ án đau lòng trong nội bộ gia đình, họ hàng vì tranh chấp đất đai, tài sản. Người thắng có thể hả hê, kẻ thua thì hậm hực. Dù hồ sơ vụ án đã khép lại, nhưng chắc chắn, nghĩa tình đã không còn nguyên vẹn…

Quỳnh An

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904140983 hoặc email: banphapluatkdpl@gmail.com

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục