Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một thửa đất với nội dung khác nhau, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người dân khi giao dịch trên thị trường.

Ngày 05/6/2019, chúng tôi đã có bài “Sở TNMT TP Hà Nội: Cùng một thửa đất nhưng cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nội dung khác nhau?” có nội dung: Ngày 25/01/2017 Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân tại thửa đất số 33a và 33b, tại tờ bản đồ số 15 mang tên Nguyễn Bá Hải và Nguyễn Bá Sơn có địa chỉ tại thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả - Ảnh 1
Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả - Ảnh 2
Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả - Ảnh 3
Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả - Ảnh 4
Sở TNMT Hà Nội: Cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả - Ảnh 5
Những sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Giấy chứng nhận này được cấp lại do bị mất từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AĐ 291339, số vào sổ H00104 do UBND huyện Sóc Sơn cấp ngày 17/3/2008. Nhưng Giấy chứng nhận cũ và mới thì hoàn toàn khác nhau về kích thước của mảnh đất, theo giấy cũ thì hai thửa đất số 33a và 33b đều có kích thước là dài 39m x 7m = 273 m2, còn theo Giấy chứng nhận mới thì kích thước là (6,5m + 7m) x 40,53 : 2 = 273 m2 (?!).

Như vậy, theo Giấy chứng nhận mới thì thửa đất số 33a và 33b, tờ bản đồ số 15 đã bị mất 0,5 mét mặt tiền, nhưng chiều sâu lại dài hơn so với Giấy chứng nhận cũ là 1,53 m, do đó chủ sở hữu của hai mảnh đất này khi bán, làm thủ tục giao dịch về đất đai đã vô cùng vất vả và thiệt hại vì giá trị mảnh đất không được đánh giá đúng nữa, nó còn để lại hậu quả về sau này khi mà phần diện tích để ngoài (phần chiều rộng - so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ) và diện tích bị xâm phạm (có thể là đất của người dân khác hoặc đất công - phần chiều dài của mảnh đất so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ đã bị kéo dài thêm) do đã cấp sai về kích thước chiều dài và chiều rộng của mảnh đất như đã nói ở trên.

Với những sai phạm nghiêm trọng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy đã làm cho người dân bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi giao dịch trên thị trường, đồng thời nó cũng gây ra nhiều phiền toái, hậu quả còn có thể lâu dài và rất khó giải quyết khi các tranh chấp phát sinh do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai.

Để tìm hiểu và xác minh những thông tin do bạn đọc phản ánh, PV đã trao đổi với ông Thủy là Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Qua trao đổi, ông Thủy đã thừa nhận việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy là sai từ cấp xã lên cấp huyện (xã cũng sai và huyện cũng sai). Tức là sai từ khâu thẩm định, đo đạc ở cấp xã và lên cấp huyện thì cơ quan chức năng lại thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ non kém nên đã không đối chiếu với hồ sơ gốc dẫn đến sai lệch về kích thước của mảnh đất giữa hai Giấy chứng nhận cũ và mới.

Ngày 16/7/2019, PV đã có buổi làm việc với cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội - Lương Thành Trung, PV đã đề nghị cung cấp hồ sơ có liên quan đến việc cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu bị làm giả chữ ký chính chủ của thửa đất, đồng thời trả lời cho báo chí biết về hướng giải quyết, khắc phục hậu quả, thời gian khắc phục, những ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ vịêc này.v.v. Nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời, có biểu hiện “né tránh báo chí”.

Tại khoản 1, điều 38 Luật Báo chí năm 2016 có qui định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác…”.

Đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng hậu quả vẫn chưa được giải quyết, người dân vẫn mong mỏi từng ngày, còn cơ quan chức năng và người có trách nhiệm, đặc biệt là chính những người làm sai gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ những sai phạm nêu trên, khắc phục hậu quả xảy ra, xử lý nghiêm minh những ai có sai phạm theo quy định của pháp luật.

 

 

KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục