Thông tin mới nhất về kỳ án vườn mít

(Kinhdoanhnet) - Cuốn băng ghi âm mới được phát hiện trong vụ án kỳ án vườn mít đã lật tẩy một màn kịch vụng về mà Lê Bá Mai đã dàn dựng.

Mới đây, việc phát hiện cuốn băng ghi âm giữa luật sư của bị cáo Lê Bá Mai và bác sĩ Ngô Văn Quỹ nguyên là giám định viên pháp y, lúc đó đã về hưu, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Pháp y, Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu TP.HCM, đã vạch trần một màn kịch vụng về mà Lê Bá Mai đã diễn. Bác sĩ Quỹ nhận định: “Về bản luận tội của VKSND tỉnh Bình Phước, tôi nói về những cái vô lý trước rồi tôi nói sau về vấn đề pháp y. Lê Bá Mai với Thị Út không hề quen nhau, nhưng theo cáo trạng, Mai đến nói “đi vào trong kia với chú” mà con bé theo đi ngay, cái đó tôi cho là vô lý, con bé còn là người thiểu số nữa.

Một điều cực kỳ quan trọng, bây giờ Mai đánh một cái vào gáy con bé Út mà nói chỉ ngất xỉu. Một đòn như vậy có thể làm chết con bé, bởi vì chỗ này là trung tâm quản lý, chỉ huy việc thở, khi anh đánh vào cái tiểu não ở đây là nó sẽ chết. Thế thì y hệt một vụ án ở Bến Tre, tòa án nói sau khi bị cáo bóp cổ nạn nhân chết rồi giao cấu với tử thi 10 phút sau mới xuất tinh.

Thông tin mới nhất về kỳ án vườn mít - Ảnh 1
Bị cáo Lê Bá Mai

Trong băng ghi âm, ông Quỹ nói: “Tôi thêm cái vô lý nữa. Vào ngày 12/11/2004, bé Hằng 9 tuổi chiều hôm đó đã về nói với bố nó là thằng Mai chở Út đi, đêm hôm ấy Út không về nhà. Sau này tôi sẽ nói về chuyện con bé có chết cái ngày hôm ấy không hay là nó chết trước đó nhiều ngày.

Tôi không biết từ nhà Út đến vườn mít bao xa, nhưng nếu biết rõ con bé đi cùng Mai vào vườn mít mà gia đình không vào tìm, đợi đến bốn ngày sau mới vào tìm và phát hiện nó chết tại vườn mít của ông Tuân. Theo lời khai của Hằng, cơ quan điều tra bắt Mai. Thế thì chuyện đó vô lý quá. Nhà mình có con mất tích mà đợi bốn ngày mới đi vào chỗ con mình mất tích tìm. Tôi cho rằng chuyện đó hoàn toàn bịa đặt, anh đã dàn dựng hết sức thô bạo, vụng về.

Pháp y là một khoa học cực kỳ khó khăn, nó bao trùm tất cả các lĩnh vực khác trong y học. Nếu những người không phải chuyên môn pháp y, lấy một bác sĩ lâm sàng ra bảo khám nghiệm tử thi là không được. Tôi dạy học ở trường y khoa, tôi nói đi nói lại với sinh viên về cái chuyện ấy, các em nếu không có kiến thức về pháp y thì đừng có làm báo cáo pháp y. Một lời nói là một đọi máu. Các em có thể giải oan cho người ta nhưng nếu báo cáo của các em làm không đến nơi đến chốn thì nguy hiểm đến tính mạng người ta.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử ngày 3/1, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị HĐXX tuyên phạt Lê Bá Mai án tử hình về cả 2 tội danh giết người và hiếp dâm trẻ em.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước, sáng 12/11/2004, Lê Bá Mai thấy bé Thị Út (11 tuổi, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) và chị họ đang mót sắn gần nơi Mai làm nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chạy đến rủ Út đến khu vườn mít ở gần đó rồi dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh để hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Mai thấy Út còn sống và sợ bị tố cáo nên lấy quần của nạn nhân siết cổ Út đến chết.

Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào một cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 16/11/2004, người thân của Út phát hiện thi thể Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy. Theo lời khai của nhân chứng, cơ quan công an đã bắt Lê Bá Mai về 2 tội: “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”.

Ngày 16/3/2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử và tuyên tử hình Lê Bá Mai về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Ngày 4/8/2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên giữ nguyên án tử hình. Ngày 12/12/2006, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Ngày 5/2/2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án để điều tra lại theo quy định pháp luật. Tháng 7/2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 18/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm lần 3 và tuyên Lê Bá Mai “không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa”.

Tháng 6/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng nghị yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng “hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 3) của TAND tỉnh Bình Phước để xét xử lại theo hướng bị cáo Lê Bá Mai phạm 2 tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” như VKSND tỉnh Bình Phước truy tố”.

Ngày 20/4/2012, cha ruột Lê Bá Mai là ông Lê Bá Triệu đã có văn bản gửi TAND Tối cao khiếu nại về việc chậm đưa vụ án Lê Bá Mai ra xét xử phúc thẩm. Chiều 18/5/2012, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt tạm giam trở lại đối với Lê Bá Mai. Ngày 19/6/2012, phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở và tuyên hủy án sơ thẩm lần 3, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu.

Trong các ngày 5-6, 12/12/2012, phiên tòa sơ thẩm lần 4 được đưa ra xét xử nhưng phải tạm hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Đến ngày 3-4/1/2013, phiên tòa sơ thẩm này mới được mở lại. Ngày 5/1/2013, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Lê Bá Mai án tù chung thân.

Báo Kinh doanh và pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thủy Sinh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục