Từ vụ ông Truyền đến đường dây “ăn đất” ở TP. Hải Dương: Ai là chủ nhân của các lô đất biệt thự tại khu đô thị vàng?

(Kinhdoanhnet) - “Qua sự việc của ông Trần Văn Truyền đã cho thấy, khi còn đương chức, anh có thể ém các tài sản, nhưng khi anh về hưu nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì anh vẫn bị xử lý. Từ những sai phạm để có được những tài sản không hợp pháp thì phải thu hồi. Đây cũng là một trong những yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng"

Suốt cả tuần qua từ Nam ra Bắc, từ bên ngoài và trong diễn đàn Quốc hội; dư luận lại được dịp bàn luận xôn xao xung quanh việc Ủy ban kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí về tài sản “khủng” và theo đó là yêu cầu thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng đã nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội cũng như các tầng lớp nhân dân ngoài xã hội. Nhiều người nhân vụ việc này đã đặt câu hỏi: Vậy trong đội ngũ công chức còn bao nhiêu người (kể cả đương chức và hiện đang nghỉ hưu) như ông Trần Văn Truyền?

Bên hành lang Quốc hội, khi trao đổi với các phóng viên báo chí về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi cho rằng việc này không nên dừng lại mà phải tiếp tục kiểm tra, rà soát không chỉ đối với các cán bộ nghỉ hưu mà cả cán bộ còn đang đương chức. Cái này chúng ta đã có chủ trương rồi, khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin và quy định về việc này cũng đã có rồi, nhưng lâu nay chưa được chú ý mà thôi”. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn khẳng định: “Qua sự việc của ông Trần Văn Truyền đã cho thấy, khi còn đương chức, anh có thể ém các tài sản, nhưng khi anh về hưu nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì anh vẫn bị xử lý. Từ những sai phạm để có được những tài sản không hợp pháp thì phải thu hồi. Đây cũng là một trong những yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều khá hay ở chỗ, sự việc được đưa ra ánh sáng là dựa vào dư luận và các thông tin của các cử tri. Ngoài ra, ở đây còn cho thấy những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản. Nếu họ không kê khai tài sản đầy đủ thì đây là khuyết điểm. Còn không kê khai trung thực, tài sản bất hợp pháp thì rõ ràng là sai phạm nặng.”

Từ nội dung bản kết luận về những sai phạm của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ mà Ủy ban kiểm tra Trung ương đã chỉ ra cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho thấy: Qua các giai đoạn của cách mạng; Đảng và Nhà nước ta rất nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi tiêu cực và tham nhũng. Đương thời, Bác Hồ của chúng ta rất coi trọng về việc xử lý các cán bộ thái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng… 

Khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, Tp. Hải Dương
Khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, Tp. Hải Dương

Còn nhớ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại núi rừng Việt Bắc, sau khi nhận được thông tin về những dấu hiệu tham nhũng của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu, Bác đã chỉ đạo các ngành điều tra. Khi có đầy đủ chứng cứ, Tòa án đã đưa ra xét xử với mức án cao nhất dành cho Trần Dụ Châu. Khi bản án được trình lên Bác, Bác đã đồng ý với tinh thần: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”. 

Tương tự như thế, vào những năm 1964-1965 của thế kỷ trước, sau khi kết thúc điều tra vụ án Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp có hành vi giết vợ để được chung sống với người tình. Bản án kết thúc với mức án: Tử hình và sau đó cũng được trình lên Bác. Trên cương vị là Chủ tịch nước, Bác đã đồng ý để bản án được thi hành, với mức án mà tòa đã tuyên dành cho Thứ trưởng Trương Việt Hùng. Hai vụ việc nói trên cho thấy, trong trận tuyến phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, sa đọa biến chất của cán bộ Đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, nếu làm không nghiêm, không đến nơi đến chốn, làm theo kiểu lấy lệ, hình thức cho qua chuyện thì không những không phòng, chống được nạn tham nhũng, tiêu cực mà còn tạo mảnh đất màu mỡ để tệ nạn này có cơ phát triển, bòn rút tài nguyên, tài sản của đất nước và làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, tiến tới lật đổ chế độ. Bài học ở một số quốc gia trên thế giới đã chứng minh cho điều đó.

Từ vụ ông Trần Văn Truyền, một cán bộ cấp cao của Đảng, Nguyên ủy viên TW Đảng, Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, nhóm phóng viên điều tra báo Kinh doanh & Pháp luật xin trở lại vụ việc có nhiều dấu hiệu hình sự và khuất tất trong một đường dây mà những cán bộ chân chính và người dân thành phố Hải Dương vẫn gọi là đường dây “ăn đất” cần phải sớm được làm rõ và phải được đưa ra ánh sáng của dư luận như ông Trần Văn Truyền. 

Đường dây tham nhũng và tiêu cực này như báo Kinh doanh & Pháp luật sau một thời gian dày công thu thập tài liệu, chứng cứ xác đáng đã đi đến sự khẳng định rằng: Có sự móc lối rất chặt chẽ như “môi với răng” giữa một đối tượng ngoài xã hội là trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương, một giáo viên bỏ nghề, hiện trú tại 12 phố Bắc Sơn, TP. Hải Dương với một số cán bộ có chức quyền đương nhiệm trong các cơ quan công quyền ở thành phố và tỉnh Hải Dương. Với sự tiếp tay của một số công chức ở tỉnh và TP. Hải Dương để rồi “cả hai cùng có lợi” hoặc “cùng hội, cùng thuyền” mà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương hiện sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm tỉ đồng, hàng chục căn nhà và lô đất. 

Còn phía các công chức có hành vi tiếp tay cho Phạm Thị Hương, họ cũng không hề kém cạnh. Khối tài sản “khủng” của gia đình họ gồm nhà và đất do họ trực tiếp đứng tên hoặc con cái đứng tên nhằm tránh phải đụng đến việc phải kê khai tài sản. Nhưng dư luận từng chỉ ra rằng; “Bàn tay không thể che nổi mặt trời”. Dù thủ đoạn của họ có gian manh đến đâu cũng không thể che mắt được thiên hạ. Các tài liệu, chứng cứ mà nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật thu thập được đã minh chứng cho điều đó. Một trong những vụ việc động trời gây xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh Hải Dương là những khuất tất cần phải làm rõ vụ cô Nguyễn Thị Phương Thảo, con gái ông Nguyễn Anh Cương, hiện đang đảm nhận cương vị: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. 

Theo đó mới ở tuổi 23, vừa mới về nhận công tác tại Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương trong một thời gian ngắn, vậy mà cô Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký đứng tên mua liền 7 lô đất biệt thự, tại các khu đô thị “vàng” ở TP. Hải Dương với cái giá mà thiên hạ thường vẫn gọi là “giá bèo”. Điều khuất tất tiếp theo mà nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật hiện đang có trong tay là trong rất nhiều hóa đơn, chứng từ đều có những động thái rất lạ, dấu đầu hở đuôi rằng: Người đứng tên mua đất là Nguyễn Thị Phương Thảo (con gái ông Cương); song ở phần thanh toán tiền lại mang tên: Phạm Thị Hương (trùm tín dụng đen). Sự việc ấy nói lên điều gì; thưa bạn đọc?

Trở lại bản kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội đã đặt vấn đề: “Bước tiếp theo là phải làm rõ ông Trần Văn Truyền lấy tiền ở đâu để mua và xây dựng những ngôi nhà đó. Việc này, tới đây cần các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ. Tôi nghĩ đó là việc làm cần thiết vì bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn thì phải điều tra rõ ràng để chứng minh cho được nó thuộc nguồn gốc chính đáng hay không. Con trai ông Truyền là cán bộ, Đảng viên thì cũng phải xem có kê khai khối tài sản này như thế nào? Còn nếu đã khai thì nguồn tiền để xây dựng nó ở đâu ra?

Những phát biểu của Đại biểu Đinh Xuân Thảo bên hành lang Quốc hội, khiến dư luận đặt câu hỏi: Vậy cô con gái ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, một người mới qua cái tuổi 23, mới chỉ là nhân viên Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương mà một lúc ký mua tới 7 lô đất biệt thự tại các khu đất vàng ở Thành phố Hải Dương, trong lúc hàng vạn người dân Hải Dương vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn về nơi ăn, chốn ở thì cô lấy ở đâu ra nhiều tiền để ôm 7 lô đất biệt thự. Nếu không phải là con gái của ông Phó Chủ tịch tỉnh thì liệu cô có thể mua được khối tài sản khủng như thế không, trong khi thu nhập của cô chỉ dừng lại mức vài triệu đồng/tháng? Ngoài 7 lô đất biệt thự mà cô Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký mua và đã hoàn tất thủ tục chứng từ, dư luận ở TP. Hải Dương còn cho rằng, bố con ông Nguyễn Anh Cương hiện còn đang sở hữu những căn nhà sang trọng khác ở thành phố Hải Dương.

Như chúng tôi đề cập ở phần đầu bài viết: trên danh nghĩa cô Nguyễn Thị Phương Thảo đứng tên mua đất, bà Phạm Thị Hương (trùm tín dụng đen) đứng ra thanh toán tiền theo các hóa đơn thì vụ việc này xem ra lại càng có dấu hiệu bất thường, hé mở một đường dây và có dấu hiệu tham nhũng cần phải được cơ quan bảo vệ pháp luật sớm điều tra làm rõ và công bố công khai để trả lời dư luận.

Được biết, cách nay ít ngày, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Hải Dương làm rõ 3 vụ việc lớn, có dấu hiệu tham nhũng tiêu cực ở tỉnh Hải Dương trong đó có vụ con gái ông Nguyễn Anh Cương ôm 7 lô đất biệt thự. Theo đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hải Dương cũng đã vào cuộc.

Nhóm Phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục theo dõi và cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc góp phần đưa các vụ việc tiêu cực này ra ánh sáng.

(Còn tiếp)

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục