Vicem Bút Sơn gây ô nhiễm môi trường mặc dù đang bị thanh tra

Đang trong thời gian bị thanh tra, Vicem Bút Sơn bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường và có hiện tượng sử dụng nguồn nguyên liệu được lấy từ các điểm mỏ “thổ phỉ”.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam ( sở TN&MT) cho biết, cuối tháng 7 sẽ có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Trước đó vào ngày 12/5/2020, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị này vừa ban hành Quyết định số 125 thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường của Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Vicem Bút Sơn gây ô nhiễm môi trường mặc dù đang bị thanh tra - Ảnh 1
Xe chở nguyên vật liệu gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.



Theo quyết định, ông Lại Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn. Các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các đơn vị Thanh tra Sở, phòng Khoáng sản, phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Chi cục Bảo vệ môi trường; mời Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bảng tham gia Đoàn Thanh tra khi đoàn đến làm việc tại doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đang bị thanh tra, Vincem Bút Sơn liên tục bị người dân phản ánh về hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn từng bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu ra vào nhà máy sản xuất cũng như quá trình xuất hàng hóa thành phẩm từ cảng xuống các phương tiện vận chuyển trên sông.

Theo đó, nhiều năm qua người dân sống dọc QL 21 và Tỉnh lộ ĐT 494C đoạn từ Cảng Bút Sơn (phường Châu Sơn – TP. Phủ Lý) đến Nhà máy xi măng Bút Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) thường xuyên chung sống với việc xe quá tải, cơi nới thành thùng chở đá, than, clinker… không được che chắn, ngang nhiên hoạt động bất kể ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Đầu tháng 6/2020, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt trên một số tuyến đường gần khu vực nhà máy xi măng Bút Sơn.

Vicem Bút Sơn gây ô nhiễm môi trường mặc dù đang bị thanh tra - Ảnh 2
Nhiều người dân phản ánh bụi và tiếng ồn trong hoạt động của Cảng Bút Sơn.



Từ Tỉnh lộ 494 với Quốc lộ 1A đoạn từ Nhà máy xi măng bút Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đến cảng nội bộ của công ty Xi măng Bút Sơn (đặt tại khối phố Nam Sơn, phường Châu Sơn, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thường xuyên có các loại xe tải tấp nập qua lại, đáng nói những xe tải này chuyên chở nguyên vật liệu từ nhà máy xi măng Bút Sơn đến cảng của đơn vị này để xuất đi các nơi.

Theo quan sát của PV thì phần lớn các xe tải này chuyên chở đất đá, vật liệu và xi măng thành phẩm. Trong quá trình chuyên chở do không được che chắn kỹ nên thường xuyên làm rơi vãi ra đường, gây ra tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ô nhiễm môi trường là điều mà người dân phản ánh kiến nghị nhiều lần lên các cơ quan chức năng nhưng tình hình chưa được giải quyết triệt để, khiến người dân sống dọc tuyến đường bức xúc.
Do các tuyến đường này không được phun rửa thường xuyên nên mỗi lần có xe tải chạy quá bụi bay mù mịt ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống hai bên đường.

Vicem Bút Sơn gây ô nhiễm môi trường mặc dù đang bị thanh tra - Ảnh 3
Xe tiêu thụ “đất tặc” từ Hoà bình chở về lối cổng sau của nhà máy Vicem Bút Sơn (ảnh ST).


Quá trình di chuyển, các xe này thường xuyên di chuyển với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường trên, nhất là đoạn qua ngã tư giữa tỉnh lộ 494 và đường tránh TP. Phủ Lý. Đáng nói, các xe này thường xuyên đi ngược đường.

Một thông tin đáng chú ý, cuối tháng 6/2020 trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc Vincem Bút Sơn sử dụng nguồn nguyên liệu được khai thác từ hoạt động hạ cốt nền tại một số điểm ở Thị trấn Chi Nê của huyện Lạc Thuỷ (Hoà Bình).

Dư luận đặt nghi vấn nếu Công ty Vicem Bút Sơn sử dụng, tiêu thụ đất của nhóm “đất tặc” để sản xuất xi măng liệu có thực sự đảm bảo chất lượng?. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất như thế này liệu có phải là một hình thức lách luật để “trốn” đóng thuế tài nguyên khoáng sản, gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước?.

 

 

Theo Môi trường đô thị

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục