Vụ đường dây "ăn đất" ở TP. Hải Dương: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ

(KDPL) - Sau loạt bài điều tra công phu của nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật vạch trần chân tướng trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương ở 12 Bắc Sơn, TP. Hải Dương đã câu kết với một số quan chức tại địa phương này để tạo dựng một đường dây "ăn đất" thu lợi bất chính, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng sau đó lại sử dụng chính những đồng tiền bất chính này vào hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất cắt cổ, đẩy bao gia đình vào cảnh khốn cùng. Với tinh thần thượng tôn pháp luật Ban Biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật đã có văn bản số 68/CV-KD&PL gửi Thủ tướng Chính phủ để phản ánh và kiến nghị xử lý việc một số cán bộ công chức tỉnh Hải Dương và bà Phạm Thị Hương có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất đai.

Sau khi nhận được văn bản kèm theo các tài liệu của Báo Kinh doanh & Pháp luật; ngày 10/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7124/VPCP.V1 để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhằm kiểm tra phản ảnh đường dây "ăn đất" ở tỉnh Hải Dương. Văn bản này viết: "Báo Kinh doanh & Pháp luật có Văn bản số 68/CV-KDPL ngày 09 tháng 7 năm 2015 gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị xử lý việc một số cán bộ, công chức tỉnh Hải Dương và bà Phạm Thị Hương có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất đai (tài liệu sao gửi kèm). Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra các nội dung phản ánh của Báo Kinh doanh & Pháp luật, nếu có vi phạm phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trong tháng 10 năm 2015".

Thưa bạn đọc, sự thật như nhiều kỳ báo trước đó chúng tôi đã đề cập: Hơn một năm qua, với tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm của người làm báo đối với công tác xây dựng Đảng theo tinh thần của Nghị quyết TW4, sau loạt bài vạch trần chân tướng trùm tín dụng đen ở TP. Hải Dương, được sự cổ vũ và tiếp sức của đông đảo cán bộ, nhân dân tại thành phố Hải Dương, nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục phát hiện và làm rõ đường dây "ăn đất" ở địa phương này. Điều mà người dân TP. Hải Dương quan tâm và yêu cầu phải làm rõ sự móc nối rất chặt chẽ như “môi với răng” giữa một đối tượng ngoài xã hội là trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương, một giáo viên bỏ nghề, hiện trú tại 12 phố Bắc Sơn, TP. Hải Dương với một số cán bộ có chức quyền đương nhiệm trong các cơ quan công quyền ở tỉnh Hải Dương, để rồi “cả hai cùng có lợi”. Nhưng dư luận từng chỉ ra rằng; “Bàn tay không thể che nổi mặt trời”. Dù thủ đoạn của họ có gian manh đến đâu cũng không thể che mắt được thiên hạ. 

Vụ đường dây "ăn đất" ở TP. Hải Dương: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ - Ảnh 1
Lô đất 03 nằm trên tuyến đường đôi Hồng Quang kéo dài thuộc khu 10, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương

Các tài liệu, chứng cứ mà nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật đã dày công thu thập được đã minh chứng cho điều đó. Một trong những vụ việc động trời gây xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh Hải Dương là những khuất tất cần phải làm rõ việc cô Nguyễn Thị Phương Thảo, con gái ông Nguyễn Anh Cương (hiện đang đảm nhận cương vị: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) mới ở tuổi 23, vừa về nhận công tác tại Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương trong một thời gian ngắn đã ký đứng tên mua liền 7 lô đất biệt thự, tại các khu đô thị “vàng” ở TP. Hải Dương với cái giá mà thiên hạ thường vẫn gọi là “giá bèo”. Điều khuất tất tiếp theo mà nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật hiện đang có trong tay là trong rất nhiều hóa đơn, chứng từ đều có những động thái rất lạ, dấu đầu hở đuôi rằng: Người đứng tên mua đất là Nguyễn Thị Phương Thảo (con gái ông Cương); song ở phần thanh toán tiền lại mang tên: Phạm Thị Hương (trùm tín dụng đen). Sự việc ấy nói lên điều gì; thưa bạn đọc?

Dư luận cũng đặt câu hỏi: Nếu mua bán sòng phẳng và đàng hoàng thì tại sao trong các chứng từ: Cô Thảo đứng tên, nguyên cớ gì mà bà Phạm Thị Hương phải ký vào mục người nộp tiền?

Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, Báo Kinh doanh & Pháp luật đề cập đến việc một cụ già ở vào thời điểm “gần đất, xa trời” bỗng dưng được ký tên vào hồ sơ mua tới 5 lô đất biệt thự ở khu đô thị phía Đông và phía Tây thành phố Hải Dương. Cụ già mà chúng tôi đề cập đến là cụ Bùi Huy Sùng, sinh năm 1934, có hộ khẩu thường trú tại 45 Ngân Sơn, phường Trần Phú, TP. Hải Dương và là bố đẻ ông Bùi Đình Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương.

Người dân ở thành phố xứ Đông kể rằng cả đời cụ Bùi Huy Sùng từ lúc sinh thời cho đến khi cụ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-2010 không một ngày sống bằng nghề kinh doanh bất động sản. Từ một người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, những năm cuối đời, cụ Bùi Văn Sùng dành sự đam mê cho những món đồ cổ. Chuyện đó xem ra ở TP. Hải Dương, nhiều người đều biết. Cụ sống hiền lành và chất phát được nhiều người quý trọng. Vậy mà chỉ cách cái ngày cụ ra đi để về cõi vĩnh hằng chừng hơn 1 tháng, người ta vẫn thấy hiện diện chữ ký của cụ Bùi Huy Sùng ở các hồ sơ mua 5 lô đất biệt thự  ở 2 khu đô thị tại TP. Hải Dương. Sau khi cụ Bùi Huy Sùng qua đời, ngày 24-3-2011, năm lô đất biệt thự đứng tên cụ được chuyển giao và sang tên cho người con trai là ông Bùi Đình Hoan – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. lẽ đương nhiên ông Bùi Đình Hoan phải có trách nhiệm kê khai các tài sản nói trên. Còn việc ông có kê khai hay không, nội dung kê khai ra sao, rất mong các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Hải Dương làm rõ.

Một vụ việc nữa mà trong văn bản của Báo Kinh doanh & Pháp luật gửi Thủ tướng Chính phủ là việc chuyển đổi trái pháp luật lô đất với diện tích 2397 m2 đất 03 thành đất ở (nằm trên tuyến đường đôi Hồng Quang kéo dài thuộc khu 10, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương) cho bà Phạm Thị Hương – trùm tín dụng đen ở thành phố Hải Dương. Điều rất lạ và khuất tất là trong hồ sơ chuyển nhượng lô đất này có nhiều chữ ký và chữ viết giả mạo mà chỉ bằng mắt thường cũng nhận biết được, vậy nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đã vậy, thời gian gần đây bà Phạm Thị Hương (trùm tín dụng đen) còn thuê người cho xây dựng trên mảnh đất này một nhà hàng. 

Nếu Báo Kinh doanh & Pháp luật không kịp thời lên tiếng thì chắc chắn công trình đã hoàn tất. Tính sơ sơ, chỉ riêng việc chuyển đổi trái pháp luật lô đất 03 này thành đất ở, ngân sách Nhà nước đã thất thoát hàng chục tỷ đồng; bởi như các số báo trước chúng tôi đã đề cập, sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng lô đất 03 này, bà Hương chỉ phải nộp vào ngân sách Nhà nước: 188 triệu đồng; trong khi 1 mét vuông của lô đất này sau chuyển nhượng đã có giá từ 15-20 triệu đồng/1m2. (Hồ sơ chuyển nhượng trái pháp luật này, hiện chúng tôi đều có trong tay).

Vụ đường dây "ăn đất" ở TP. Hải Dương: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ - Ảnh 2
Công văn Văn phòng chính phủ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Cũng cần phải nói thêm là, ngoài việc đăng tải các vụ việc nói trên trên mặt báo, Báo Kinh doanh & Pháp luật trước đó đã có văn bản gửi các ngành chức năng như: Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng Cục Trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm (Bộ Công an) và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương. Thanh tra Chính phủ đã cử đồng chí Cục Trưởng Cục phòng chống tham nhũng và 3 chuyên viên đến làm việc với Ban Biên tập báo, sau đó ngày 23/9/2014 có văn bản gửi Chủ tịch tỉnh Hải Dương. Song rất tiếc, tròn 1 năm trôi đi 3 vụ việc nêu trên vẫn dậm chân tại chỗ, khiến dư luận bức xúc và mỏi mắt chờ đợi một bản kết luận chính thức từ chính quyền tỉnh Hải Dương. Đây chính là lý do vì sao Báo Kinh doanh & Pháp luật phải có văn bản phản ánh và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ?

Hy vọng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mọi việc sẽ được đưa ra ánh sáng. Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục cử phóng viên theo dõi và phản ánh đến bạn đọc

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục