Vụ ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Vì sao Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại kết luận của Thanh tra Chính phủ?

(Kinhdoanhnet) - Vụ ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ Cty CP Đại Nam - tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), tiếp tục thu hút dư luận; khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) xem xét lại Kết luận giải quyết đơn tố cáo, do TTCP ban hành trước đây. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Uy Dũng xung quanh vụ việc mới phát sinh này.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) xem xét lại Kết luận giải quyết tố cáo của ông đối với Chủ tịch tỉnh Bình Dương, do Thanh tra Chính phủ ban hành trước đó.Theo ông, đâu là lý do để xem xét lại Kết luận của Thanh tra Chính phủ ? 

Ông Huỳnh Uy Dũng: Thông báo Kết luận giải quyết tố cáo của TTCP đã khiến tôi bất bình và mất niềm tin; bởi kết luận xác nhận việc tôi tố cáo là có cơ sở; nhưng ông Lê Thanh Cung (người bị tố cáo) lại được TTCP cho... đứng ngoài cuộc (?). TTCP còn chỉ đạo UBND tỉnh BD xử lý người tố cáo đúng là không thoả đáng, trái qui định pháp luật và vi phạm nghiêm trọng Luật Tố cáo. Theo Luật Tố cáo: TTCP chỉ có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý. Thủ tướng mới là người kết luận nội dung tố cáo. Để giải quyết đơn tố cáo của tôi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao TTCP phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TNMT cùng xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả. Tuy nhiên, TTCP đã ban hành Kết luận số 1549/KL-TTCP (do ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng TTCP ký) kết luận nội dung tố cáo (?). Căn cứ qui định pháp luật nào, mà TTCP tự cho mình quyền kết luận nội dung tố cáo thay Thủ tướng Chính phủ ? Và, TTCP còn chỉ đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh BD “xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm” và xử lý cả người tố cáo có cơ sở (?). Kết luận của TTCP đã vượt quá thẩm quyền của một cơ quan tham mưu, hay nói cách khác TTCP đã làm thay Thủ tướng trong việc giải quyết tố cáo, nên tôi tiếp tục tố cáo đến Thủ tướng về việc TTCP vi phạm Luật Tố cáo. Ngày 08/10/2014, Thủ tướng đã có văn bản số 7868/VPCP-V.I chỉ đạo Tổng TTCP giải quyết đơn tố cáo trên của tôi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Huỳnh Uy Dũng
Ông Huỳnh Uy Dũng

PV: Ngày 17/9/2014, trên báo Người lao động có đăng bài viết “Ông Dũng lò vôi đòi Bình Dương đền 1.800 tỉ đồng” nêu rõ ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh BD khẳng định “không thể phúc tra” Kết luận 1549/KL-TTCP của TTCP. Ông nhận xét thế nào lời khẳng định trên của ông Nam ?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi kiến nghị Thủ tướng xem xét lại Kết luận của TTCP, nhưng ông Trần Văn Nam lại khẳng định “không thể phúc tra”.Theo tôi, lời khẳng định đó là chưa đúng qui định pháp luật. Bởi tại Điều 9 Luật Tố cáo qui định người tố cáo có quyền “tố cáo tiếp”, khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết. “Tố cáo tiếp” hoặc “đề nghị phúc tra” đó là quyền của người tố cáo đối với việc giải quyết tố cáo đã công bố có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng giống như quyền kháng cáo của người khởi kiện về bản án sơ thẩm đã tuyên, nhưng họ chưa đồng ý với toàn bộ hoặc một phần nội dung của bản án đó. Ông Nam khẳng định như trên là vượt thẩm quyền, vì ông Nam không phải là người giải quyết đơn tố cáo hoặc giải quyết yêu cầu phúc tra theo qui định của Luật Tố cáo. Nội dung tố cáo của tôi là vì ông Cung “ngâm” hồ sơ không phê duyệt 1/500 dự án khu đất ở, không giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Sau khi tôi tố cáo, trả lời báo điện tử VTC News ngày 29/10/2013, ông Cung đã thừa nhận chỉ đạo các ngành chức năng “không xem xét giải quyết”. Đồng thời, ông Cung còn có lời lẽ miệt thị, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự cá nhân tôi, tôi đã lập vi bằng vụ việc trên để làm bằng chứng. Điều đó cho thấy ông Cung không thể đứng ngoài cuộc như Kết luận TTCP ban hành. Ngoài ra, ông Cung còn vi phạm Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, khi không giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND. Kết luận của TTCP còn có dấu hiệu bao che cho ông Cung - là người bị tố cáo - khi cho ông này đứng ngoài cuộc, đổ lỗi vi phạm cho các cơ quan tham mưu và các vị nguyên Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh BD thời kỳ trước. Vì vậy, tôi tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phúc tra là hoàn toàn đúng đắn.Phát biểu như trên, ông Nam đã ngụy biện không đúng qui định pháp luật. Lẽ ra ông Nam phải có giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gở khó khăn; đằng này, với phát ngôn trên, càng đẩy doanh nghiệp như tôi đến bước đường cùng.

PV: Cũng theo báo Người lao động ngày 17/9/2014 đưa tin: UBND tỉnh BD khẳng định không hề thu hồi đất KCN Sóng Thần 3 mà chỉ thu hồi sổ đỏ cấp sai. Ông cho biết thực hư về vụ việc này như thế nào ?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Sau khi TTCP có Kết luận số 1549 và biết tôi có đơn xin Thủ tướng xem xét lại kết luận nội dung tố cáo; UBND tỉnh BD đã liên tiếp ban hành các văn bản thay đổi thời hạn sử dụng đất “lâu dài” đối với diện tích 61,4 ha đất ở. Và buộc Công ty Đại Nam phải giao nộp GCN quyền sử dụng đất ở lâu dài trong KCN Sóng Thần 3 trước ngày 26/9/2014. Cùng lúc đó, Công an tỉnh BD cũng nhiều lần mời cán bộ, nhân viên của Công ty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam liên quan đến diện tích 61,49 ha đất ở. Những thỏa thuận giữa Công ty và người góp vốn là quan hệ dân sự và chúng tôi cũng chưa bị ai khiếu nại gì.v.v… Song, những việc tỉnh BD làm, phải chăng ai đó muốn hình sự hóa quan hệ dân sự ? Tôi cho rằng, đây là thái độ hằn học, cay cú của một vài lãnh đạo BD do tôi đã đứng đơn tố cáo. Hành động của họ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách chung của tỉnh đối với doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư làm ăn trên đất BD. Trong khi chưa giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, họ lại giở “chiêu trò” o ép, bức tử doanh nghiệp. Tôi tố các sai trái của Chủ tịch tỉnh BD, thì Tổng TTCP thay Thủ tướng kết luận nội dung tố cáo (?). Tôi đề nghị phúc tra Kết luận, thì Phó Chủ tịch tỉnh lại thay Thủ tướng trả lời “không thể phúc tra” (?). Chưa nói, chính quyền còn có những hành vi ép “thu hồi đất” của chúng tôi, nhưng không có phương án bồi thường. Tôi luôn có niềm tin vào công lý, niềm tin vào Thủ tướng sẽ giải quyết những tố cáo đúng của tôi.

PV: TTCP là một cơ quan chuyên ngành thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... nhưng lại vi phạm pháp luật chuyên ngành về Luật Tố cáo, vậy ông có suy nghĩ gì về việc này?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Luật Tố cáo là cơ sở pháp lý cơ bản để TTCP thực thi vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... Tuy nhiên, các cá nhân thanh tra viên (như ông Ngô Văn Khánh, là người ký kết luận thanh tra; ông Lê Sỹ Bảy, là trưởng đoàn xác minh nội dung tố cáo của tôi) lại cố tình vi phạm Luật Tố cáo, có dấu hiệu bao che cho người bị tố cáo. Việc làm đó là không thể chấp nhận, là vi phạm tiêu chuẩn - đạo đức của Thanh tra viên. Từ đó suy rộng ra, họ chưa thông hiểu pháp luật nhưng được giao nhiệm vụ đi thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là điều rất đáng lo lắng cho xã hội. 

PV: Ông nói là ông rất có niềm tin vào công lý, niềm tin vào Thủ tướng sẽ giải quyết những tố cáo đúng của ông. Tại sao ông lại có niềm tin như vậy?

Ông Huỳnh Uy Dũng: Công ty Đại Nam đã nộp văn bản yêu cầu UBND tỉnh BD phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với các khu chức năng tại KCN Sóng Thần 3, nhưng ông Lê Thanh Cung đã chỉ đạo không giải quyết. Điều này là sai qui định tại Nghị quyết 33/2008/NQ-CP của Chính phủ, về việc thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở... trong KCN. Vì vậy, hơn 6 năm qua, Công ty Đại Nam không thể thực hiện ý tưởng chính sách chăm lo nhà ở cho người lao động. Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định 164/2013/NĐ-CP khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho các đối tượng là người lao động tại các KCN thuê. Đây là Nghị định hợp lòng dân, xã hội hóa cùng chăm lo người lao động, một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Sau đó Chính phủ cũng có Nghị quyết 78/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất tỉnh BD đến năm 2020, điều chỉnh giảm diện tích sử dụng KCN Sóng Thần 3 từ 530 ha xuống còn 427 ha; dành 106 ha làm khu đất ở.Tuy nhiên, không hiểu vì sao, đến nay, chính quyền tỉnh BD không hề triển khai Nghị định 164 và Nghị quyết 78 (?!).Tôi tố cáo ông Cung, là mong muốn tháo gỡ những bất cập và hành động vi phạm pháp luật của ông Cung; bởi ông Cung không thể đứng ngoài cuộc.Tôi có bằng chứng ông Cung đã chỉ đạo các ngành chức năng không xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty Đại Nam. Trong khi Công ty Đại Nam đã có sổ đỏ hợp pháp, thì bị làm khó đủ điều, nhưng với dự án bất động sản của Công ty Becamex IDC, nằm sát với khu đất của Công ty Đại Nam, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, chưa có sổ đỏ, thì lại được ông Cung cho phép “phân lô, bán nền” và xây dựng nhà ở tràn lan (?). Tại sao có đối xử bất công như vậy ? Tôi xin khẳng định rằng, việc tôi tố cáo là có cơ sở, đúng người, đúng việc. Tôi rất có niềm tin việc tố cáo của tôi sẽ được Thủ tướng xem xét, giải quyết. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ luôn có những giải pháp, biện pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Càng chăm lo cho doanh nghiệp là càng chăm lo sự phát triển kinh tế của đất nước, họ là những nhân tố quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển của nhà nước đề ra, phải xem họ là chiến sĩ trên mặt trận kiến quốc. Những thiệt thòi của tôi đã chịu đựng hơn 10 năm qua sẽ được Thủ tướng quan tâm xem xét giải quyết. Nếu hôm nay bị phá sản một doanh nghiệp, ngày mai có thể tái lập doanh nghiệp khác; nhưng nếu doanh nghiệp bị phá sản niềm tin, thì mãi mãi không thể đứng dậy.   

PV: Qua những sự kiện khó khăn vừa qua thì có ảnh hưởng gì đến Chương trình “Trái Tim Hằng Hữu” ông đang thực hiện mổ tim cho các trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, ông có thể chia sẽ thêm về việc này của ông về chương trình này.

Ông Huỳnh Uy Dũng: Đây là niềm vui lớn nhất của tôi hiện nay. Tâm nguyện của tôi là dành hết lợi nhuận kinh doanh, những gì tôi làm được và có được trong hơn 30 năm qua ở Bình Dương tôi sẽ thực hiện Chương trình “Trái Tim Hằng Hữu” mổ tim cho các trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh. Hành động tố cáo của tôi để mong các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lợi nhuận từ các doanh nghiệp của tôi sẽ dùng hết vào Chương trình “Trái Tim Hằng Hữu”. Hiện tại mỗi ngày có từ một đến hai cháu bị bệnh tim được cứu sống từ chương trình trên và tôi sẽ dành hết thời gian còn lại để thực hiện chương trình để có thêm nhiều trẻ em bị bệnh tim được cứu sống. 

PV: Xin cảm ơn ông.

NHÓM PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA thực hiện

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục