Vụ tranh chấp tài sản ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn): Đề nghị các ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm

(KDPL) - Bà Tô Thị Chiến và ông Bế Quang Pháp (cùng trú tại xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã tổ chức kết hôn từ năm 1983, sinh được 05 người con nay đã trưởng thành. Vợ chồng bà Chiến ông Pháp đã tạo dựng được một số tài sản nhất định như: nhà cửa, ruộng, vườn, đồi và đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng. Cuộc sống dẫu còn khó khăn nhưng vợ chồng ông Pháp bà Chiến vẫn lo cho các con có cuộc sống riêng tư, không bị thất học. Cuộc sống yên ấm ấy được duy trì hơn 30 năm, thì xuất hiện kẻ thứ 3, khiến cho hạnh phúc gia đình ông Pháp và bà Chiến đổ vỡ, vậy nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV, bà Tô Thị Chiến cho hay: “...năm 2015, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang( tại thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập). Trong quá trình xây dựng căn nhà này, các con tôi phụ vữa để tiết giảm chi phí , còn tôi làm cấp dưỡng hàng ngày, việc này có nhiều người dân trong thôn đều biết và đến giúp gia đình tôi đổ trần nhà. Sau khi ngôi nhà được hoàn thành, ông Bế Quang Pháp đã chuyển sang ngôi nhà mới để ở. Tuy nhiên, sau đó có người đàn bà tên là Vương Thị Thà, thôn Bản Mục, xã Thái Bình chuyển về sống chung như vợ chồng với chồng tôi là ông Bế Quang Pháp, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật...  Trước sự việc trớ trêu đó, buộc tôi phải gửi đơn tố cáo ông Bế Quang Pháp và bà Vương Thị Thà  đến các cơ quan chức năng  huyện Đình Lập vì họ đã ngang nhiên vi phạm luật hôn nhân và gia đình”.

Ngày 15/5/2017, UBND xã Thái Bình đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bế Quang Pháp và bà Vương Thị Thà mỗi người 2 triệu đồng vì đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 48, Nghị định số 110/ NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Ngày 08/6/2017, bà Chiến và ông Pháp đã làm thủ tục ly hôn.

Vụ tranh chấp tài sản ở huyện Đình  Lập (Lạng Sơn): Đề nghị các ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm - Ảnh 1
Ngôi nhà hiện ông Pháp và bà Thà đang cư trú.

Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi bà Tô Thị Chiến nhận được Thông báo số 22, ngày 24/8/2017 của Công an huyện Đình lập về việc: “ Thông báo kết quả giải quyết tố giác , tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” . Nội dung Thông báo nêu: “ Tại thời điểm bà Tô Thị Chiến làm đơn tố cáo ngày 15/6/2017 giữa bà Chiến và ông Bế Quang Pháp đã ly hôn theo quyết định tại bản án số 02/2017/ HNGĐ- ST ngày 08/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, sau khi ông Pháp và bà Thà bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng ngày 15/5/2017, ông Pháp không chung sống với bà Thà nữa. Việc bà Thà sống tại ngôi  nhà thuộc khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình là nhà do bà Thà xây dựng trên đất của ông Pháp đã chuyển nhượng cho bà Thà ngày 05/11/2015”.

Bàn về Thông báo số 22 của Công an huyện Đình Lập, ông Phạm Gia Hoan( địa chỉ tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn),  người được bà Tô Thị Chiến ủy quyền băn khoăn và đặt nhiều câu hỏi ! : “ Công an huyện Đình Lập cho rằng: Việc bà Thà sống tại ngôi nhà thuộc khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình là nhà do bà Thà xây dựng trên đất của ông Pháp đã chuyển nhượng cho bà Thà ngày 05/11/2015. Việc chuyển nhượng giữa ông Pháp và bà Thà có đúng trình tự về chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa? Việc giao dịch này đã được sự đồng ý của bà Chiến và các con bà Chiến và ông Pháp chưa? Cơ quan nào công chứng, chứng thực cho việc chuyển nhượng này, liệu có khách quan hay không? Căn cứ vào đâu mà công an huyện Đình Lập cho rằng việc xây dựng ngôi nhà đó là tiền của bà Thà?

Những điều băn khoăn của ông Hoan không phải là không có lý. Cụ thể tại những văn bản của các cơ quan huyện Đình Lập cũng có sự “ không đồng nhất”. Cụ thể là : Tại Văn bản trả lời số 248/UBND-BTCD ngày 19/4/2017 của UBND huyện Đình Lập trả lời bà Tô Thị Chiến. Nội dung thứ nhất bà Chiến đề nghị UBND huyện Đình Lập tuyên hủy “ giấy thỏa thuận” ngày 26/9/2015. Trên cơ sở Báo cáo số 04/ BC-TTr, ngày 24/02/2017 của Thanh tra huyện và Báo cáo số 184/BC-CAH, Ngày 27/3/2017 của Công an huyện về kết quả xác minh đơn của bà Tô Thị Chiến đã thể hiện rất rõ là: “ UBND xã Thái Bình đã phân công giao nhiệm vụ cho Ban Công an xã phối hợp với Ban Tư pháp cùng các ban ngành đoàn thể đi xác minh sự việc theo nội dung khiếu nại của công dân đồng thời ghi biên bản lấy lời khai của từng thành viên trong gia đình ông Bế Quang Pháp và những người liên quan; tổ chức đối thoại trực tiếp làm rõ một số nội dung liên quan đến việc khiếu nại của bà Tô Thị Chiến. Tại buổi làm việc, các thành viên trong gia đình ông Bế Quang Pháp không nhất trí với việc phân chia tài sản trong gia đình mà do ông Bế Quang Pháp tự làm rồi nhờ cháu gái là Nguyễn Thị Nga chép lại sau đó ép buộc các thành viên trong gia đình là vợ và các con phải ký vào “giấy thỏa thuận” trên. Chữ ký của ông Bùi Văn Chanh trên “giấy thỏa thuận” là do ông Pháp mang vào nhà ông Chanh nhờ ký( ông Chanh không được trực tiếp chứng kiến cuộc họp phân chia tài sản của gia đình ông Bế Quang Pháp và bà Tô Thị Chiến. Và, việc ông Bế Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình ký xác nhận “ giấy thỏa thuận” khi chỉ có mặt ông Bế Quang Pháp là không đúng quy định của pháp luật( không có mặt đủ thành phần đã ký trong “giấy thỏa thuận”. Từ những căn cứ trên, ngày 17/3/2017, UBND xã Thái Bình đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND hủy bỏ “giấy thỏa thuận” do ông Bế Quang Pháp tự ý lập ngày 26/9/2015 được ông Bế Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình ký xác nhận ngày 03/11/2015”.

Thêm một minh chứng nữa đối với mảnh đất hiện ông Bế Quang Pháp và  bà Vương Thị Thà đang ở trên đó hiện mang tên ai?  Đó là Biên Bản kiểm tra thực địa vào ngày 7/3/2017 về việc hòa giải thành  tranh chấp đất đai giữa ông Trần Trung Bắc trú tại Khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và ông Bế Quang Pháp, thôn Bản Mục, xã Thái Bình. Tại Biên bản này đã thể hiện: “ Hiện trạng khu đất đã được ông Pháp san ủi, tạo mặt bằng và xây dựng nhà với kích thước 7 x 8 m, diện tích là 56 m2 và các công trình phụ”; Về giấy tờ, hồ sơ thể hiện: “ Khu đất thuộc thửa đất số 476, tờ bản đồ số 01, bản đồ lâm nghiệp, thị trấn Nông trường Thái Bình, mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất được UBND huyện Đình Lập cấp ngày 19/11/2012 cho hộ gia đình bà Lê Thị Thanh, khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Tại thực địa, đoàn công tác đã tuyên truyền, giải thích cho ông Pháp về hành vi tự ý san ủi, chuyển mục đích sử dụng đất của ông là trái pháp luật đất đai, đề nghị gia đình nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định”.

Cũng để xác minh việc ông Bế Quang Pháp làm nhà trên khu đất giáp ranh với gia đình ông Trần Trung Bắc thuộc quyền sử dụng của ai, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Vui, là công chức địa chính thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: “ Khu đất mà ông Pháp xây nhà tại khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình là phần đất ông Pháp  tranh chấp với gia đình ông Trần Trung Bắc và chúng tôi đã hòa giải thành, trong đó có một phần diện tích thửa 487 đứng tên ông Pháp diện tích 190,2m2 , chúng tôi chưa từng chứng thực việc mua bán, chuyển nhượng giữa ông Bế Quang Pháp và bà Vương Thị Thà. Còn việc ông Pháp xây nhà trên đất đó chúng tôi đã báo cáo huyện chờ xử lý”.

Cuộc tình tay ba giữa ông Pháp, bà Chiến và bà Thà dường như đã “đường ai nấy đi”, thế nhưng việc đất đai, nhà cửa  chưa được “ cưa đứt, đục suốt”, có lẽ một phần cũng do cách giải quyết của các cấp chính quyền huyện Đình Lập chưa được dứt khoát, rõ ràng, cho nên người dân vẫn còn chưa tâm phục, khẩu phục . Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn và huyện Đình Lập xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc này.  Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Dương Quốc

Trao đổi với PV xung quanh vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp( thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội), nhận định như sau:

Luật sư cho biết về luật thừa kế (vận dụng vào vụ việc nêu trên)

Ths, Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, đối với vấn đề thừa kế, chúng ta đang áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, một công dân mà có di sản, khi chết đi mà không để lại di chúc thì di sản đó sẽ thuộc về những người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ là: cha, mẹ của người chết, vợ, chồng và các con của người chết (không phân biệt con trai con gái, không phân biệt cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi). Những người có cùng hàng thừa kế thì có quyền được hưởng di sản như nhau.

Pháp luật còn quy định nếu có tranh chấp về thừa kế mà người có công duy tu, bảo quản di sản sẽ được trích phần công sức duy tu, bảo quản di sản khi tòa án phân chia thừa kế.

Nếu người có tài sản khi còn sống thì có quyền tự định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, trong các hình thức định đoạt thì lập di chúc cũng là một cách để định đoạt tài sản. Nếu người có tài sản không bán, đổi, tặng cho tài sản khi còn sống, cũng không lập di chúc để định đoạt tài sản đó thì khi người đó chết, tài sản sẽ trở thành di sản và được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế.

Trong vụ việc nêu trên, nếu bà  Chiến và ông Pháp ly hôn và yêu cầu chia tài sản khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn thì tòa án sẽ xem xét, giải quyết và chia tài sản chung vợ chồng giữa bà  Chiến và ông Pháp theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc tài sản có trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung sẽ là tài sản chung. Tài sản chung sẽ chia đôi nhưng có xét tới nguồn gốc, công sức đóng góp trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của bà mẹ, trẻ em.


 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục