Vụ trùm tín dụng đen Hải Dương (Kỳ 3): Vay 20 triệu đồng mất căn nhà mặt phố trung tâm

(KDPL) - Báo Kinh doanh & Pháp luật số ra ngày 30/9/2015 vừa đến tay bạn đọc, từ nhiều kênh thông tin khác nhau, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc ở nhiều địa phương nhưng nhiều nhất là từ các tầng lớp nhân dân ở tỉnh và TP. Hải Dương. Các ý kiến của bạn đọc đều biểu lộ sự cổ vũ, hoan nghênh nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật đã kịp thời lên tiếng, vạch trần chân tướng và "tội ác man rợ" của các trùm tín dụng đen nói chung và trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương ở TP. Hải Dương nói riêng và rất mong cơ quan bảo vệ pháp luật sớm vào cuộc để điều tra xử lý nghiêm trước pháp luật; chặn đứng tình trạng cho vay nặng lãi đang diễn ra rất phức tạp ở các địa phương.

Được sự cổ vũ của quần chúng nhân dân ở địa phương từ gia đình chị Đinh Thị Hường ở phường Cẩm Thượng, theo sự chỉ dẫn của một đồng nghiệp, chúng tôi tìm gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhật cũng là một nạn nhân của trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương; hiện đang cư trú tại số nhà 35, ngõ 60, ngách 3, đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương. So với hoàn cảnh của gia đình chị Hường thì thảm cảnh của gia đình chị Nhật xem ra còn bi đát và thê thảm hơn nhiều bởi nạn cho vay nặng lãi. Nhìn thảm cảnh mà gia đình chị Nhật đã trải qua mới thấy thủ phạm của các vụ cho vay nặng lãi thực sự là lũ người “táng tận lương tâm” đã đẩy các gia đình nạn nhân vốn đã gặp khó khăn vào cảnh khốn cùng. Nơi mà gia đình chị Nhật đang ở là một căn nhà thuê xập xệ, rột nát, ẩm thấp và phía trước mặt là một con rạch, lúc nào cũng bốc mùi hôi thối, mỗi người chúng tôi không khỏi cầm lòng.

Tiếp xúc với nhóm phóng viên Báo Kinh doanh & Pháp luật, chị Nguyễn Thị Nhật kể: chị và anh Lã Ngọc Dũng (chồng chị) lấy nhau đến nay đã được gần 20 năm. Họ đã có những tháng ngày thật hạnh phúc. Chồng chị - Anh Lã Ngọc Dũng nguyên là lái xe trong quân đội; sau đó được chuyển ngành về công tác tại Công ty nhà đất ở TP. Hải Dương. Còn chị làm nghề bán vải ở chợ. Gia đình chị ngày trước sống ở 21 phố Đội Cấn - một con phố sầm uất ở TP. Hải Dương. Giờ đây đường phố ấy đã trở thành con phố dành cho dân nghiền cà phê từ nhiều nơi trong thành phố hội tụ về đây. Cuộc sống đầm ấm trong căn nhà lầu xây kiên cố do bố mẹ chồng để lại nằm trên con phố sôi động là thế; vậy mà có ai nghĩ rằng hàng chục năm nay gia đình chị lại phải cam chịu chuyển về “Khu bãi rác” để sống cho qua ngày.

Kể lại câu chuyện trong những dòng nước mắt lăn chẩy, chị Nhật vừa nói, vừa đưa tay gạt nước mắt. Theo lời chị thì chuyện bắt đầu từ cuối năm 2000, khi đó đứa con gái đầu lòng của vợ chồng chị Nhật được 2 tháng tuổi thì phát hiện cháu bị mắc một căn bệnh bẩm sinh. Kể từ đó, cháu phải nằm điều trị liên tục ở bệnh viện. Con mắc bệnh hiểm nghèo, vợ chồng chị Nhật buộc phải nghỉ việc để thay nhau chăm sóc con ở bệnh viện khiến kinh tế gia đình bị sa sút. Đúng ra trong hoàn cảnh ấy, vợ chồng chị phải nhận được sự chia sẻ của những người thân thiết. Nhưng không! Bà Phạm Thị Hương, người có thâm niên trong nghề cho vay nặng lãi lại táng tận lương tâm mở chiến dịch đến nhà chị Hường đòi nợ. Hỏi ra mới biết: Trước đó chị có vay của bà ta số tiền 20 triệu. 

Vụ trùm tín dụng đen Hải Dương (Kỳ 3): Vay 20 triệu đồng mất căn nhà mặt phố trung tâm - Ảnh 1
Bà Phạm Thị Hương tại phiên tòa xét xử

Khi cho vay theo chị Nhật cho biết: Bà Hương không ghi lãi suất mà chỉ nói với chị Nhật là lãi suất như lãi ngân hàng; song thật không ngờ món nợ 20 triệu đồng mà chị Nhật vay của bà Hương được bà ta phù phép tiền gốc cộng tiền lãi theo ngày. Cứ thế hết một ngày bà Hương lại cộng lại và tính lãi tiếp cho ngày thứ 2, rồi các ngày tiếp theo lãi mẹ lại đẻ ra lãi con khiến số nợ của vợ chồng chị Nhật đối với bà trùm cho vay nặng lãi Phạm Thị Hương đã trở thành con số khủng khiếp khiến vợ chồng chị Nhật không dám tin vào mắt mình. Theo chị Nhật thì với cách tính lãi như bà Hương tính thì cao hơn lãi suất của ngân hàng hơn chục lần. Biết vợ chồng chị Nhật đang sống trong căn nhà nằm trên con phố cổ vào loại nhất, nhì ở Thành phố Hải Dương; Phạm Thị Hương nghĩ ngay đến việc chiếm bằng được căn nhà mặt phố này bằng việc ép vợ chồng chị phải trả món nợ khủng từ khoản tiền gốc 20 triệu nói trên. Theo chị Nhật căn nhà 21 phố Đội Cấn, Thành phố Hải Dương ở vào thời điểm ấy có bán rẻ cũng thu được hàng trăm cây vàng. Điều ác nghiệt là Phạm Thị Hương khi triển khai kế hoạch thu hồi nợ đối với gia đình chị Nhật đúng vào thời điểm mà gia đình chị đang trong cơn bĩ cực: Cơn ốm thập tử nhất sinh, chồng vừa cầm quyết định nghỉ mất sức; còn chị Nhật phải bỏ việc bán vải ngoài chợ ở nhà trông con. 

Do không có tiền trả, vẫn theo thủ đoạn quen thuộc, bà Phạm Thị Hương đã chủ động làm đơn khởi kiện vợ chồng chị Nhật ra tòa dân sự Tòa án nhân dân TP. Hải Dương. Tòa chưa kịp xử, bà Phạm Thị Hương sử dụng lực lượng xã hội đen đến đe dọa và ép vợ chồng chị Nhật phải thanh toán món nợ bằng việc sang tên căn nhà mà gia đình chị đang sinh sống ở 21 phố Đội Cấn, TP. Hải Dương. Trong hoàn cảnh bức bách, lại sợ xã hội đen đến trấn áp, vợ chồng chị Nhật buộc phải gán căn nhà trên cho Phạm Thị Hương. Theo thỏa thuận giữa 2 bên thì sau khi hoàn tất thủ tục gán nhà trả nợ, bà Phạm Thị Hương đã trả cho vợ chồng chị Nhật số tiền 35 triệu đồng - Món tiền đó không đủ trang trải những chi phí những ca mổ cho con chị ở bệnh viện Nhi Hà Nội.

Thảm cảnh của nạn nhân

Mất nhà, bệnh tình của đứa con gái đầu lòng vẫn trong tình trạng thập tử nhất sinh, vợ chồng chị Nhật buộc phải tìm thuê một căn nhà sập xệ ở một khu dân cư mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là “Khu bãi rác” để sống cho qua ngày. Theo chị Nhật thì thời kỳ mới dọn về căn nhà này, đúng nghĩa gia đình chị sống trong khu ổ chuột. Gọi là nhà cho sang, chứ thực ra thì nó chỉ là một chiếc lều không hơn, không kém, bởi điện: không, nước: không. Mỗi khi trời mưa trong nhà không khác gì chiếc ao bởi nước trên mái nhà trút xuống, nước bên ngoài tràn vào. Những lúc như thế vợ chồng chị chỉ còn biết kê kích, che chắn và ôm con cùng khóc. Hơn nữa vào thời điểm này, anh Dũng (chồng chị) lại vừa nhận quyết định về một cục; còn đứa con đầu lòng lại phải phẫu thuật đi, phẫu thuật lại và phải đến lần thứ 3 bệnh tình của cháu mới tạm ổn. 

Đời sống gia đình chị vốn đã khó khăn lại càng thê thảm hơn. Có lúc như chị Nhật nói: trong nhà chỉ còn vừa đủ một bò gạo để nấu cháo cho con. Để có thêm đồng ra đồng vào, ngày ngày anh Dũng phải đi làm bốc vác thuê, còn chị  Nhật phải ở nhà trông con. Mọi sinh hoạt hàng ngày, kể cả tiền thuê nhà:150.000đ/tháng đều trông vào đôi vai của anh Dũng. Vậy mà có thời điểm trong nhà không có nổi một đồng, hũ gạo không còn một hạt. Những lúc như thế, chị buộc phải ra bờ rạch trước mặt nhà vớt tạm ít cọng rau già, bắt ốc bươu vàng để ăn qua ngày. Căm giận thủ phạm cho vay nặng lãi Phạm Thị Hương bao nhiêu, chị lại hận đời và trách móc những kẻ tiếp tay cho bà Hương tác quai tác quái. Biết thân phận mình “thấp cổ bé họng”, có kêu cũng chẳng thấu nên khi sinh con gái thứ 2, chị Nhật chỉ nghĩ ý định trả thù bà Hương bằng việc đặt tên đứa con gái thứ 2 của mình cũng tên là Hương. Theo chị thì việc đặt tên con gái trùng với tên của bà Hương là để mỗi lần gọi tên con là mỗi lần gợi lại nỗi ám ảnh khủng khiếp về hành vi mất nhân tính của bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương. Theo chị đó cũng là dịp để gia đình chị có thêm bài học cảnh giác với nạn cho vay nặng lãi đã và đang diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương.

 Nghe vợ chồng chị Nhật kể lại quãng đời cơ cực ấy, mỗi người chúng tôi mường tượng cuộc sống của gia đình này như đang sống một hành tinh xa lạ nào đó, chứ đâu ở một thành phố như Hải Dương thời nay. Không hiểu ở một con phố kia, sống trong căn nhà sang trọng trung tâm thành phố, bà Phạm Thị Hương - trùm tín dụng đen có lúc nào mảy may nghĩ đến thảm cảnh của cuộc sống gia đình chị Nhật như vậy không? Hay là bà ta sau khi chiếm đoạt được căn nhà 21 phố Đội Cấn, TP. Hải Dương của gia đình chị Nhật, bà khoái trí, ngồi rung đùi và tiếp tục nghĩ mưu để đưa các con mồi khác vào tròng bằng hành vi cho vay nặng lãi mà bà đã và đang làm đẩy bao gia đình đến cảnh khốn cùng. Còn một vài vị quan chức ở một số cơ quan công quyền thành phố Hải Dương, các vị nghĩ sao khi ngồi ghế “quan” mà quên đi trách nhiệm của mình, buông lỏng hoặc tiếp tay cho bà Phạm Thị Hương gây ra bao tội ác đối với những người dân lương thiện, thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã tự biến mình thành những con mồi cho kẻ bất lương đưa vào bẫy để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của họ.

Kết thúc câu chuyện với vợ chồng chị Nhật ở khu “bãi rác”; chúng tôi chủ động tìm đến phố Đội Cấn, TP. Hải Dương. Quả thực đó là một con phố cổ nằm ở khu trung tâm thành phố. Con phố giờ này san sát là những hàng quán, nhưng đông nhất vẫn là các quán cà phê và Internet… Ngồi nhâm nhi thưởng thức hương vị cà phê, vừa đảo mắt nhìn và quan sát căn nhà 21 phố Đội Cấn - Nơi mà gia đình chị Nhật đã từng sống ở đó gần chục năm và đã phải bị gán nợ cho trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương; trong lòng mỗi người chúng tôi lại trào sôi một câu hỏi: Cuộc sống sao lại bất công đến thế- Một căn nhà mặt tiền xây kiên cố nằm trên vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố mà dễ dàng bị kẻ khác chiếm đoạt bằng việc cho vay vẻn vẹn một món tiền: 20 triệu đồng? vậy mà nó vẫn xảy ra!

Câu trả lời xin được gửi đến những độc giả có lương tâm cũng như các ban ngành, đoàn thể ở TP. Hải Dương.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục