Vụ việc lấn chiếm đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly: Cần xử lý dứt điểm

Sự việc lấn chiếm đất tại sân bay Cam Ly thuộc phường 5 (TP. Đà Lạt) thời gian qua diễn biến rất phức tạp, do đó, cần sự vào cuộc cùng phối hợp của các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm sự việc trên.

Cơ quan chức năng sẽ đồng bộ vào cuộc

Sự việc lấn chiếm đất tại sân bay Cam Ly thuộc phường 5 (TP. Đà Lạt) thời gian qua diễn biến rất phức tạp, không những xảy ra việc lấn chiếm mà còn có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép ngay trên đất Quốc phòng, nếu không xử lý dứt điểm sẽ trở thành điểm nóng và hậu quả sẽ khó lường.

Vụ việc lấn chiếm đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly: Cần xử lý dứt điểm - Ảnh 1
Vụ việc lấn chiếm đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly: Cần xử lý dứt điểm - Ảnh 2
Khu nhà lồng kính được làm thành nhà ở của người dân ngang nhiên hiện hữu sát đường bang trong sân bay Cam Ly - đất Quốc phòng quản lý.



Để làm rõ sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với Sư đoàn 937 là đơn vị được giao quản lý sân bay Cam Ly. Trong buổi làm việc ông Lê Đình Sơn – Chính uỷ Trung đoàn khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, bằng những công việc cụ thể với UBND phường 5 (TP. Đà Lạt) dựa trên quy chế phối hợp số 562/QC-TĐ-UBND đã ký. Đồng thời trong buổi làm việc, phía Trung đoàn cũng bày tỏ quan điểm sẽ xử lý dứt điểm những hộ vi phạm, phối hợp với chính quyền cũng như Thanh tra Quốc phòng vào cuộc xử lý nghiêm minh. “Quan điểm của Trung đoàn là sẽ làm triệt để. Trung đoàn cũng mong muốn UBND các cấp, các sở ban ngành cũng như báo chí hỗ trợ và phối hợp cùng Trung đoàn xử lý dứt điểm vụ việc” – ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Như Việt – Chủ tịch UBND phường 5 cũng cho biết: Trung đoàn cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng các sở ban ngành. Việc người dân vào địa phận đất Quốc phòng, an ninh để lấn chiếm trái phép là trách nhiệm của Trung đoàn, của đội bảo vệ sân bay. UBND phường 5 sẵn sàng phối hợp với Trung đoàn, cùng các đơn vị để giải quyết vụ việc đang tồn đọng tại đây. Việc Thanh tra Bộ Quốc phòng vào cuộc là cần thiết, phía Quốc phòng cần có những phương án cụ thể để phối hợp, chuẩn bị đầy đủ về mặt hồ sơ pháp lý các trường hợp vi phạm. Đề nghị chính quyền, các ban ngành hỗ trợ, nếu có thể sẽ cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm không chấp hành, như thế mới có thể xử lý triệt để vụ việc.

Trong buổi họp báo mới đây (02/8/2019) liên quan đến việc thông tin cho báo chí những vấn đề vi phạm đất đai tại TP. Đà Lạt do UBND TP. Đà Lạt tổ chức, PV đã đặt câu hỏi xung quanh việc lấn chiếm đất, thậm chí còn có dấu hiệu mua bán, chuyển nhương đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly, ông Võ Ngọc Trình – Phó Chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn chia sẻ: “Việc lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép, thậm chí có dấu hiệu chuyển nhượng mua bán trong sân bay là vấn đề rất nóng và diễn biến phức tạp. UBND tỉnh, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Quan điểm của UBND thành phố sẽ quyết tâm phối hợp cùng các sở ban ngành, đơn vị quản lý sân bay làm đến dứt điểm vụ việc. UBND thành phố mong muốn Thanh tra Bộ Quốc phòng vào cuộc thanh tra toàn diện những dấu hiệu sai phạm, phối hợp cùng chính quyền xử lý triệt để những trường hợp sai phạm, không để điểm nóng tồn tại”

Được biết, sân bay Cam Ly hiện nay đang là điểm nóng với những dấu hiệu sai phạm rất nghiêm trọng khi để người dân ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng trái phép, thậm chí có dấu hiệu mua bán chuyển nhựng trên chính đất Quốc phòng. Vậy trách nhiệm của tổ bảo vệ trực tiếp tại đây và đơn vị quản lý đất Quốc phòng, các đơn vị quản lý nhà nước như thế nào khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng nêu trên? Liệu có ai “chống lưng”, bao che cho những sai phạm đó?. Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, nhất là Thanh tra Bộ Quốc phòng để làm sáng tỏ sự việc.

Trở lại với vụ việc

Như đã phản ánh: Sân bay Cam Ly thuộc địa phận phường 5, TP Đà Lạt có diện tích trên 500.000 m2. Vào năm 1995, sân bay Cam Ly đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư trên 7,5 tỷ đồng để tu sửa nhưng khi đưa vào khai thác thì không có hiệu nên ngừng khai thác.

Ngày 21/12/2010, sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) đã chính thức được Cục Hàng không Việt Nam bàn giao cho Quân chủng phòng không – không quân Bộ Quốc phòng (cụ thể là giao cho Sư đoàn 370, Trung đoàn 937 quản lý)

Theo đó, sân bay Cam Ly sẽ được Bộ Quốc phòng Việt Nam đầu tư, sửa chữa phục vụ các hoạt động về an ninh, quốc phòng của đất nước cũng như khai thác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau khi tiếp quản sân bay, Trung đoàn đã giao cho tổ công tác bảo vệ đảm nhiệm gồm 06 đồng chí (gồm 02 QNCN và 04 chiến sĩ) do đồng chí Nguyễn Công Lâm làm tổ trưởng.


Vụ việc lấn chiếm đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly: Cần xử lý dứt điểm - Ảnh 3
Bên ngoài cổng là Đơn vị bảo vệ (lực lượng quốc phòng) sân bay Cam Ly.


Ngày 19/01/2015, ông Nguyễn Công Lâm – Tổ trưởng tổ bảo vệ đã làm đơn xin Trung đoàn cho “Tăng gia sản xuất nhằm chăm lo bảo đảm đời sống của Bộ đội ngày càng tốt hơn” trên diện tích 02 sào đất thuộc sân bay để trồng rau và đã được Trung đoàn đồng ý. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất sân bay, thậm chí còn có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng, tranh giành đất khiến tình hình an ninh trên địa bàn diễn ra rất phức tạp.

Với cái gọi là “Tăng gia sản xuất nhằm chăm lo bảo đảm đời sống của Bộ đội”, vào tháng 2/2015 ông Nguyễn Công Lâm – Tổ trưởng tổ bảo vệ cho ông Mai Văn Hùng vào san ủi, trồng trọt tại khu đất này. Sau một thời gian canh tác trồng hoa màu tại đây thì xuất hiện một nhóm người lạ mặt vào khu đất lớn tiếng yêu cầu không được canh tác nữa.

Vụ việc lấn chiếm đất Quốc phòng tại sân bay Cam Ly: Cần xử lý dứt điểm - Ảnh 4
Sân bay Cam Ly có cổng gác nhưng người dân ra vào tự do.


Đến tháng 3/2017, bất ngờ bà Nguyễn Thị Hoàn – ngụ tại KP3, TT Đạ Tẻh, Lâm Đồng đã đến chiếm khu đất mà ông Hùng đang tăng gia sản xuất, thậm chí còn có những nhóm người lạ mặt đến để uy hiếp ông Hùng. Ngang nhiên hơn, bà Hoàn còn xây dựng trái phép bên trong khu sân bay để ở bất chấp pháp luật. ông Hùng cho rằng: "Bà Hoàn quá lộng quyền, lộng ngôn, ngang nhiên chiếm đất tôi đã thuê người san gạt trồng hoa màu, thậm chí xây dựng công trình để trong đất Quốc phòng để ở".

Sau khi sự việc xảy ra, ông Hùng đã làm đơn gửi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để ngăn chặn việc này.

Tại biên bản lập ngày 06/9/2017 của UBND phường 5 với các thành phần tham gia gồm: Đại diện Sư đoàn 370, Đại diện Trung đoàn 937, lãnh đạo UBND phường 5, Công an phường 5, các ban ngành đoàn thể phường 5 cùng các công dân liên quan đến vụ việc.

Tại buổi làm việc đại diện phía các đơn vị quản lý sân bay khẳng định khu đất mà bà Nguyễn Thị Hoàn đang ở và sử dụng là vi phạm đất Quốc phòng và phải chấm dứt ngay việc vi phạm này.

Tại buổi làm việc, Bà Hoàn lại khẳng định đất này là bà Hoàn mua của bà Nguyễn Thị Thuỷ với giá là 1,6 tỷ. Vậy câu hỏi được đặt ra là khu đất này là đất của Quốc phòng tại sao lại có việc các cá nhân mua bán với nhau? Liệu những bộ phận quản lý đất Quốc phòng có biết việc này không mà để việc mua bán diễn ra ngang nhiên?

Cần phải làm rõ trách nhiệm có hay không việc buông lỏng quản lý của các đơn vị quản lý? Tại sao suốt một thời gia dài bà Hoàn ở tại khu đất Quốc phòng mà đơn vị bảo vệ sân bay không xử lý? Việc xâm phạm đất Quốc phòng là xâm phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hoạt động an ninh quốc gia, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Trên tinh thân thượng tôn pháp luật, chúng tôi đề kiến nghị các cơ quan ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Bộ Quốc phòng vào cuộc đồng bộ, giải quyết dứt điểm vụ việc trên.

 

 

Ban Pháp Luật


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục