Xung quanh khối tài sản “khủng” của ông Chín Cung – Chủ tịch tỉnh Bình Dương không thể hạ cánh an toàn

(Kinhdoanhnet) - Muốn hạ cánh an toàn thì máy bay phải tốt, mọi thông số kỹ thuật phải bảo đảm tối ưu. Còn không được như vậy lúc hạ cánh ắt xảy ra sự cố, đương nhiên không thể an toàn. Chuyện về máy bay này có thể vận vào trường hợp ông Lê Thanh Cung - tức Chín Cung - đương kim Chủ tịch tỉnh Bình Dương. Số là theo quy định hiện hành, chỉ còn vẻn vẹn 4 tháng nữa là vị đứng đầu chính quyền tỉnh miền Đông Nam Bộ này sẽ nghỉ hưu. 4 tháng chỉ như một chiếc lá bay vèo. Không cẩn thận thì người ta sẽ chẳng làm bất cứ điều gì dẫn đến án binh bất động trong nhiều việc mà việc của ngài Chín Cung thì chẳng những ngài không muốn nhúc nhích mà còn có thể có cả những thế lực, cơ quan khác cũng muốn “chìm xuồng” để ngài “hạ cánh” được an toàn.

Nhưng công lý, lẽ phải không cho phép như vậy. Việc nào đi việc nấy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói khi tiếp xúc với các cử tri Hà Nội rằng, khi có dấu hiệu tham nhũng, cán bộ ở bất cứ cấp nào dù có về hưu thì nhất định càng phải làm rõ chứ không thể cho qua. Đó mới là công bằng, mới là sự nghiêm minh của nền pháp chế XHCN. Đảng đã có NQ4 rồi. Khắp nơi đã và đang làm trong sạch đội ngũ của Đảng. Muốn vậy thì phải quét hết mọi rác rưởi, sâu mọt. Kẻ nào cố tình để lại rác bẩn trong nhà là chống lại chủ trương đường lối của Đảng.

Xung quanh khối tài sản “khủng” của ông Chín Cung – Chủ tịch tỉnh Bình Dương không thể hạ cánh an toàn - Ảnh 1
TS Nguyễn Đình San
Dư luận ở tỉnh Bình Dương cũng như cả nước chưa hết ngạc nhiên trước sự việc hàng trăm hec-ta cao su cùng dinh cơ đồ sộ của Lê Thanh Cung được báo Kinh doanh&Pháp luật cùng nhiều tờ báo khác phanh phui từ cả năm nay mà vẫn chưa thấy bất cứ một cơ quan chức năng nào để mắt điều tra và kết luận về một dấu hiệu tham nhũng “khủng” mười mươi thì lại tiếp đến họ không sao hiểu nổi việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận đơn kiện của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng nhằm vào ông Chín Cung mà lại nói ông Cung nằm ngoài cuộc. Kết luận vô lý này khiến ông Dũng lại một lần nữa phải có đơn gửi lên Thủ tướng đề nghị phúc tra lại. Người ta kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương xử ép vô lối, vô luật, thiếu công bằng gây thiệt hại lớn đến tiền bạc và danh dự của người ta mà lại kết luận đối tượng bị kiện “ngoài cuộc”. Vậy khác nào người ta tự tát vào mặt mình, tự vả vào miệng mình? Ông Dũng cho rằng mình không vi phạm bất cứ điều luật gì thì lại bị ông Cung gây khó dễ trong khi Becamex IDC cũng là một doanh nghiệp ở Bình Dương như báo Kinh doanh & Pháp luật đã chỉ ra là cũng bán nền, cũng phân lô thì lại được Chủ tịch tỉnh ưu ái, cho “vượt rào” làm nhiều việc trục lợi. Sự không công bằng, có dấu hiệu lợi ích nhóm lộ liễu này mới khiến ông Dũng kiện. Vậy từ ý nghĩ nào, căn cứ nào mà TTCP lại cho rằng ông Cung “nằm ngoài cuộc”- tức vô can? Có vẻ như cơ quan này nói lấy được, bất chấp sự vô lý rành rành. Nhớ lại, chỉ mới gần đây thôi, khi ông Trần Văn Truyền - nguyên đứng đầu cơ quan này - bị tố giác có những khối tài sản khủng và trước khi về hưu đã đề bạt hàng loạt vị trí quản lý trong cơ quan thì ngay lập tức được giải thích rằng việc ký quyết định cất nhắc đó là cần thiết, không có gì sai phạm và khối tài sản kia không hoàn toàn của ông (vì đứng tên người khác). Có nghĩa là “hòa cả làng”, chẳng có gì đáng nói đến nữa. Lại nói: Ông Huỳnh Uy Dũng khởi kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã được một năm. Vậy mà mãi đến nay mới được kết luận. Như vậy là “câu giờ”. Phải chăng TTCP muốn kéo dài việc thanh tra cho đến lúc ông Cung về hưu? Và đó là một kết luận theo những người hiểu biết sự việc thì đó là sự thiên vị hoàn toàn đối với ông Cung, không đúng sự thật, không thuyết phục.

Một ông quan đầu tỉnh không tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho nhà đầu tư làm ăn, lại còn gây khó dễ, bắt bí họ trong khi đó thì lại để cho một doanh nghiệp khác tung tác tự do. Là TTCP, không thể không làm rõ điều này. Động cơ nào khiến ông Cung hành xử không công bằng như vậy? Phải chăng vẫn là chuyện lợi ích nhóm? Người ta không thỏa mãn những mưu tính ích kỷ, tư lợi của mình thì mình quay lại trù úm người ta. Còn chỗ kia mình có lợi ích của mình thì để họ mặc sức “vượt rào”. Chỉ riêng điều đó đã khiến dân oán thán, mất niềm tin vào chính quyền. Chưa kể cái khối tài sản lù lù, sừng sững là cái đồn điền cao su bạt ngàn và tòa dinh thự ngoạn mục cứ như hai chiếc gai quái gở từng giờ phút chọc vào mắt thiên hạ, nhất là những người nghèo, những cán bộ lão thành chân chính cả đời tận tụy với quê hương nay vẫn sống rất đạm bạc. Một khối lượng tiền đáng kể trong khi với đồng lương của chức Chủ tịch tỉnh hơn 10 triệu đồng, thử hỏi ông Chín Cung bói đâu ra khối tài sản đó? Việc đó, song họ càng bức xúc chẳng hiểu sao, báo chí, công luận lên tiếng nhưng đã không có ai, cơ quan chức năng nào bận tâm để tìm cách làm rõ, trả lại sự công bằng cho dân. Phải chăng người trong sạch, có phẩm chất và dũng khí để làm việc này thì chưa đủ uy quyền để thực hiện có hiệu quả. Qua đây, mới thấu cái thực tế nhỡn tiền là công cuộc chống tham nhũng khó khăn và phức tạp đến nhường nào. Đương nhiên là khó hơn gấp bội lần so với việc chống giặc ngoại xâm. Bởi giặc ngoại bang là mối đe dọa đối với tất thảy mọi người, không trừ một ai, còn “giặc” tham nhũng thì lại gắn với lợi ích béo bở của không ít người có vai vế. Những cán bộ thoái hóa này, trong các diễn đàn trong các cuộc họp chi bộ, miệng họ kêu gào về thảm họa tham nhũng nhưng trong lòng họ thì lại rất sợ bị đẩy lùi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên phải luôn là “đầy tớ” của dân. Có nghĩa phải luôn khiêm nhường, học hỏi và tận tụy làm việc hết mình vì dân, cho dân. Lời dạy của Bác thật rõ ràng, song rất tiếc trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Đảng, không ít cán bộ, công chức đã hành xử ngược lại, coi dân là “đày tớ” của mình, tự coi mình là bề trên của dân nên mới hống hách, coi thường dân. Người khôn thì chỉ nghĩ trong đầu rồi phớt lờ dân. Còn ông Lê Thanh Cung thì có cả cái khẩu khí rất kẻ chợ thể hiện sự bỉ dân như thế. Có lần trả lời phỏng vẫn của một phóng viên VTC, ông nói : “- Nó là cái đếch gì mà anh phải đối mặt với nó” (“nó” ở đây là ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ Cty Đại Nam ở Bình Dương). Tiếp một nhà báo, dẫu họ chỉ đáng tuổi em mình cũng không thể ăn nói tục tĩu như vậy. Rồi ông Cung còn ăn nói rất hồ đồ, nông nổi rằng: “-Dũng không là đảng viên nên không biết gì”. Có lẽ một số lượng khá đông trí thức, văn nghệ sỹ ngoài Đảng đã không chấp sự hạn chế về văn hóa, học thức của viên quan đầu tỉnh này nên đã không phản ứng gì. Riêng câu nói rất phản chính trị, phương hại đến Đảng này của ông Cung cũng đủ để khẳng định ông không xứng đáng là vị quan đầu tỉnh. Đến đây, tôi bỗng nhớ đến một sự việc vừa xảy ra ở tỉnh Bình Phước. Đó là vụ ẩu đả giữa hai Phó Giám đốc hai sở Nội vụ và Ngoại vụ của tỉnh này tại một nhà hàng giữa giờ làm việc khiến một người phải vào bệnh viện khâu vết thương. Sự vô văn hóa này đã khiến hai ông quan cấp sở phải tạm đình chỉ công việc để làm kiểm điểm trong thời hạn một tháng. Ông Cung mới chỉ nói năng lộn xộn thể hiện sự thiếu học thức, kém văn hóa của mình. Nhưng nếu cơ hội xảy đến, lấy gì bảo đảm ông ta không “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” như hai viên phó giám đốc cấp sở ở Bình Phước?

Dẫu sao thì vụ việc ở Bình Dương liên quan đến vị đương kim Chủ tịch tỉnh là rất đáng tiếc. Ông ta chờ tiếng còi mãn cuộc đời quan chức đầy tai tiếng để “hạ cánh an toàn” với nguyên vẹn khối tài sản kếch sù bất minh là điều không thể chấp nhận được, không một ai có lương tâm có thể yên tâm. Để một cán bộ đã nghỉ hưu, gần đất xa trời như nguyên Bí thư huyện ủy Bến Cát (Bình Dương) phải cực kỳ bất bình đến mức sẽ gửi thư tố cáo lên tận Bộ Chính Trị là điều không hay ho gì, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, pháp luật ở Bình Dương. Trong quá khứ, tỉnh này từng đã là một địa phương có nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới, đưa được kinh tế xã hội phát triển mạnh. Không lẽ phú quý giật lùi? Còn riêng công đương kim Chủ tịch thì giống như một chiếc máy bay theo chúng tôi là chất lượng kém, không thể để hạ cánh an toàn được.


TS Nguyễn Đình San

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục