Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13)

Ngày 16/12/2019, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Tiên Phương theo lịch hẹn để giải đáp phần nào thắc mắc về vụ việc UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tổ chức thi hành cưỡng chế trại chăn nuôi gà của gia đình ông Cường - bà Tâm.

Tuy nhiên tại buổi làm việc, ông Tống Văn Thái - Chủ tịch UBND xã vắng mặt với lý do bận đột xuất và giao quyền cung cấp thông tin cho một cán bộ tư pháp của UBND xã.

Việc bà Nguyễn Thị Tâm khiếu nại Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cố tình tẩu tán tài sản thu được sau cưỡng chế xử lý vi phạm là có cơ sở?

Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 1
Vật liệu xây dựng của các dãy nhà trong trại gà không được kê biên, bảo quản.


Theo thông tin được cung cấp bởi bà Châm - cán bộ tư pháp UBND xã Tiên Phương tại buổi làm việc với phóng viên ngày 16/12/2019, việc xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đối với hộ gia đình ông Vũ Huy Cường đã được xử lý tới 02 lần. Lần thứ nhất là vào ngày 30/10/2017, tại Quyết định số 251/QĐ-CCXP và lần thứ hai là vào ngày 26/07/2019 tại Quyết định số 152/QĐ-CCXP. Cả hai Quyết định này đều được ký bởi ông Tống Bá Lương - Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (tại thời điểm ký Quyết định).

Theo các quyết định này thì thời gian thực hiện cưỡng chế vi phạm sẽ được tiến hành sau 15 ngày để từ ngày ông Vũ Huy Cường nhận được quyết định.

Theo bà Tâm (vợ ông Cường), khi gia đình bà nhận được các quyết định buộc thực hiện biện pháp cưỡng chế nêu trên thì gia đình bà không có hành vi chống đối, mà thiết tha được chính quyền xã và huyện tạo điều kiện, hướng dẫn cho gia đình bà thực hiện các thủ tục hành chính để được duy trì và tồn tại trại chăn nuôi đang có này, vì công sức và tiền của của gia đình đã đổ vào đây rất nhiều, hơn thế việc tồn tại trại chăn nuôi gà này đã hơn 10 năm nay chứ không phải mới phát sinh. Sự tồn tại này chính quyền địa phương đều biết vì trại chăn nuôi gà của gia đình bà Tâm không phải là duy nhất tại địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Tiên Phương không hề lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả sự khó khăn của người dân, mà chỉ nhất mực làm khó cho người dân. Chính vì thế là lãnh đạo xã đã không ngần ngại xử lý vi phạm khi không phù hợp với quy định pháp luật.

Nhìn vào những quyết định được ban hành từ khi ông Tống Bá Lương còn là Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, phóng viên đưa ra câu hỏi: “Theo các quyết định này thì hiệu lực thi hành sẽ sau 15 ngày kể từ ngày đương sự nhận được quyết định. Trong khi đó ngày 24, 25/10/2019, ông Tống Văn Thái với cương vị Chủ tịch UBND xã thay thế ông Lương đã mượn danh ông Lương và dùng các quyết định từ thời ông Lương còn tại vị Chủ tịch xã để thực hiện thi hành thì có đúng với quy định pháp luật hay không?” thì bà Châm - cán bộ tư pháp UBND xã cho biết: “Quyết định của ông Lương ban hành nhưng chưa thực hiện được, khi ông Lương chuyển công tác có bàn giao lại cho ông Thái để tiếp tục thực hiện”.

Nói về việc UBND xã tự ý xử lý tài sản thu được sau khi tổ chức cưỡng chế theo Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 26/07/2019, bà Châm cho biết: “Căn cứ theo Điều 86, Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì việc tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đối với việc sử dụng đất. Các tài sản trên đất không thuộc diện bị cưỡng chế nên không áp dụng các biện pháp kê khai kiểm đếm bắt buộc. Chính vì thế mà UBND xã đã không tổ chức kê khai kiểm đếm bắt buộc theo đề nghị của bà Tâm”.

Khi được hỏi về căn cứ pháp lý để xử lý các tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế trong trường hợp này, bà Châm trích dẫn luật như sau: “Căn cứ Điều 34, Nghị định 166/2013 NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì đối với các tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế, nếu quá thời hạn 06 tháng mà người bị thi hành cưỡng chế không đến nhận lại tài sản thì sẽ được bán đấu giá theo quy định pháp luật. Tuy nhiên những tài sản mà đợt cưỡng chế ngày 24, 25/10/2019 vừa qua là vật nuôi (cụ thể là con gà đẻ), vì thế UBND xã lo sợ sẽ không bảo toàn được những tài sản này, vì thế đã xin chủ trương của UBND huyện Chương Mỹ để được bán đấu giá trước hạn mà luật quy định. Việc này cũng đã được UBND huyện Chương Mỹ thông qua bằng văn bản. Khi thực hiện đấu giá, UBND xã cũng đã ký hợp đồng thuê đấu giá viên tham dự để điều hành phiên đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá”.

Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 2
Đàn gà đẻ trứng của gia đình ông Cường, bà Tâm.


Tuy nhiên, nếu chiểu theo các quy định tại Nghị định 166/NĐ-CP mà bà Châm đề cập đến thì thấy tại mục 5, Điều 34 của Nghị định này có nêu rất rõ rằng: “Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo… Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế”.

Nhưng đối với trường hợp xử lý tài sản của gia đình ông bà Cường, Tâm thì sao: Ông Tống Văn Thái đã không hề có sự chuẩn bị cho việc trông giữ, bảo quản tài sản không thuộc diện cưỡng chế của gia đình ông bà Cường, Tâm. Điều này cho thấy tâm của vị lãnh đạo này chỉ là muốn xử lý cho được việc của mình mà coi tài sản, thành quả lao động của người dân như cỏ rác. Ông ta sẵn sàng bán tống, bán tháo hàng chục nghìn con gà đẻ trứng của đương sự trong khi luật quy định là phải tìm chỗ có điều kiện để trông giữ và bảo quản trong thời hạn luật cho phép. Những thứ không thể bán, ông này lại cho đắp chiếu dầm mưa dãi nắng ở góc sân của UBND xã chứ không hề bảo quản trong kho theo luật định. Như vậy thì liệu ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, công lý có còn được thực thi hay không?


Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 3
Hàng chục tấn thức ăn chăn nuôi bị cưỡng chế.


Một điều cần được làm rõ nữa đó chính là Biên bản thống kê tài sản tại buổi tổ chức cưỡng chế xử lý vi phạm ngày 24, 25/10/2019 của UBND xã Tiên Phương do ông Tống Văn Thái - Chủ tịch UBND xã chủ trì. Theo bà Tâm kể lại thì trước, trong và sau buổi tổ chức cưỡng chế này, bà liên tục đề nghị được kê biên tài sản. Trong tâm trí của người đàn bà lam lũ này chỉ hiểu ngắn gọn là: “Họ cưỡng chế tôi không chống đối vì tôi sẽ kiến nghị để được sử dụng đất hợp pháp trong chăn nuôi. Nhưng tài sản trên đất của gia đình rất nhiều, mà quá trình cưỡng chế người ra người vào lộn xộn, vì thế tôi đề nghị được kê khai cụ thể tài sản, để đảm bảo không thất thoát, mất mát trong thời gian mà gia đình tôi chờ đợi sự giải quyết của các cấp có thẩm quyền”.




Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 4
Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 5
Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (13) - Ảnh 6
Biên bản thống kê tài sản.


Tuy nhiên, đề đạt chính đáng này của bà Tâm lại không được tổ chức cưỡng chế chấp thuận, họ (UBND xã Tiên Phương - theo PV) lẳng lặng cùng nhau lập ra một Biên bản thống kê mà không có sự có mặt của người có tài sản là bà Tâm.

Khi được hỏi về điều này thì bà Châm cho biết: “Lúc chúng tôi lập biên bản này thì bà Tâm chạy đâu không biết, nên mới không có mặt” (?). Điều này càng cho thấy sự vô tâm hoặc cố tình lạm dụng chức quyền của tổ chức cưỡng chế để có cơ hội tẩu tán tài sản của công dân tại xã Tiên Phương?

Cũng trong buổi làm việc với bà Châm, phóng viên được cung cấp một Biên bản thống kê tài sản được lập ngày 24/10/2019 với sự tham gia của nhiều thành phần bao gồm: Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBMTTQ, Trưởng Công an xã cùng một số công chức xã. Tuy nhiên điều đáng nói là nội dung biên bản thống kê này lại được ghi rất chung chung, không chi tiết, cụ thể như Luật và Nghị định đã quy định và hướng dẫn.

Đó là còn chưa kể đến việc những lãnh đạo và cán bộ nêu trên vừa lập biên bản và tự ký với nhau, còn phần chữ kỹ của cá nhân/đại diện tổ chức bị cưỡng chế thì được tổ lập biên bản này tự ghi vào là: “Ông Vũ Huy Cường không có mặt, chỉ có con ông Cường có mặt nhưng không ký biên bản và không nhận lại tài sản”. Thật vô lý là lúc Biên bản thống kê được lập thì tại sao không yêu cầu cá nhân/ đại diện tổ chức bị cưỡng chế chứng kiến, cùng thống kê số lượng. Đến khi tổ chức cưỡng chế tự thống kê rồi bắt người có tài sản ký theo kiểu “ký khống” thì bảo sao người có tài sản không thể chấp hành?

Báo sẽ tiếp tục phản ánh những bất thường về việc thống kê và xử lý tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế thu được sau khi cưỡng chế vi phạm quyền sử dụng đất nêu trên đối với gia đình ông bà Cường, Tâm trong kỳ tiếp theo.

 

Hiền Anh - Nguyễn Hân/KD&PL

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục