"Chia tay" Catalonia, Tây Ban Nha sẽ mất 20% GDP

(Kinhdoanhnet) - Sau cuộc trưng cầu dân ý, 90 % người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Nếu chia tay "mỏ vàng" này đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha sẽ mất đi 20% GDP.

Theo kết quả sơ bộ, 90% số phiếu được kiểm đều chọn phương án tách khỏi Tây Ban Nha, CNN dẫn lời ông Jordi Turull, người phát ngôn chính quyền vùng tự trị Catalonia, cho biết.

Trên hai triệu người Catalonia, tương đương 90,9% số người đi bỏ phiếu, chọn "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10. Chỉ 7,87%, tương đương 176.565 người bỏ phiếu, nói "Không" trước câu hỏi liệu họ có muốn độc lập từ Madrid hay không.

"Chia tay" Catalonia, Tây Ban Nha sẽ mất 20% GDP - Ảnh 1
90 % người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Giới chuyên gia nhận định kết quả trưng cầu dân ý này có nguy cơ đẩy Tây Ban Nha vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1975. Nó diễn ra trong bối cảnh nước này chỉ vừa thoát khỏi gần một thập kỷ khó khăn kinh tế. Cuộc trưng dầu dân ý thậm chí còn ảnh hưởng lên nền kinh tế cả châu Âu.

Catalonia chiếm gần 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, và dẫn đầu tất cả các vùng sản xuất với 25% lượng hàng xuất khẩu của đất nước này, đóng góp nhiều hơn vào thuế (21% tổng số của cả nước) so với số tiền thu được từ chính phủ.

Catalonia từ lâu đã thu hút đầu tư, với gần một phần ba công ty nước ngoài sang Tây Ban Nha đều chọn Barcelona - thủ phủ của Catalonia để xây văn phòng. Các hãng xe Volkswagen và Nissan đều có nhà máy gần Barcelona.

Dù vậy, nếu tách riêng, khu vực này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc mất quyền thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Nếu Catalonia tự nộp đơn vào EU, họ sẽ phải thuyết phục được các thành viên hiện tại đồng ý, trong đó có Tây Ban Nha.

"Chia tay" Catalonia, Tây Ban Nha sẽ mất 20% GDP - Ảnh 2
Vị trí vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Đồ họa: BBC

Rời khỏi khối này cũng có thể khiến chi phí xuất khẩu của Catalonia sang các nước khác cao hơn đồng thời cũng có thể khiến họ phải đi vay với lãi suất cao hơn. Catalonia có thể tiếp tục sử dụng đồng euro làm tiền tệ, nhưng sẽ không có chỗ ngồi tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Với Tây Ban Nha, việc tách ra sẽ càng khiến tài chính nước này đi xuống và tăng bất ổn. Nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, khu vực này có thể từ chối chịu trách nhiệm với phần nợ quốc gia đang gánh. 

Stephen Brown - nhà kinh tế học tại Capital Economics cho rằng: "Dù kinh tế Tây Ban Nha đến nay chưa chịu ảnh hưởng lớn, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp cũng sẽ duy giảm nếu Catalonia tách ra".

Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu tại City Index, cho biết cuộc trưng cầu dân ý giành cho các nhà ly khai có thể làm cho đồng euro giảm tới 5%.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục